1. Một bài thánh ca đang nuôi dưỡng tâm hồn tôi lúc cuối đời, đó là bài : “Khi Chúa thương gọi con về”.
Tôi không hát. Nhưng bài hát vang vọng trong tôi. Như một thôi thúc cầu nguyện. Như một chỉ hướng nhìn về phía trước. Như một hăm hở đi tới điểm hẹn.
Tiếng Chúa gọi rất nhẹ nhàng mà sâu lắng, rất âm thầm mà mạnh mẽ, rất đơn sơ mà đòi hỏi.
Chúa gọi, chứ không cắt nghĩa dài dòng. Có một sự dứt khoát trong lời Chúa gọi tôi, và Chúa cũng đòi phải có sự dứt khoát trong trả lời của tôi.
Nghe lời Chúa gọi tôi về với Chúa, tôi tự hỏi : Tôi phải chuẩn bị thế nào? Tôi tự trả lời bằng nhiều phương án. Sau cùng chính Chúa trả lời cho tôi.
2. Chúa trả lời tôi qua lời tiên tri Isaia : “Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi” (Is 61,10). Nghĩa là tôi phải nhờ Chúa để nên công chính. Và tôi phải đẹp “Như đất đâm chồi, như vườn nẩy lộc” (Is 61,11).
Hơn nữa, tôi phải được tái sinh, trở thành thụ tạo mới. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng : “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được tái sinh bởi ơn trên” (Ga 3,3). Thụ tạo mới đó có đặc điểm này : Họ ở trong Đức Kitô : “Phàm ai ở trong Đức Kitô, đều là thụ tạo mới” (2 Cr 5,17).
3. Với những Lời Chúa trên đây, tôi hiểu sự chuẩn bị, mà tôi phải có để về với Chúa, chính là đời sống thiêng liêng đạo đức.
Đạo đức nói đây phải sâu. Nghĩa là đạo đức không chỉ là thứ áo choàng công chính khoác bên ngoài, mà còn phải là những hoa trái mọc ra từ bên trong, đặc biệt bên trong ấy phải có mầm mống sự sống của Thiên Chúa.
Đời sống đạo đức như thế có thể gọi là một sự cải đổi. Bỏ cái xấu để có cái tốt. Bỏ con người cũ, để thành con người mới.
Cái xấu là tội lỗi, cái tốt là nhân đức. Con người cũ là những thứ giá trị sẽ qua đi. Con người mới là những thứ giá trị sẽ tồn tại đời đời.
Khi đạo đức là một cải đổi nếp sống, thì tất nhiên phải có phấn đấu. Phấn đấu không ngừng.
Khi đạo đức là một sự lớn lên trong cuộc sống thiêng liêng, thì tất nhiên phải có kiên trì. Kiên trì trải dài trên lịch sử cuộc đời.
Khi đạo đức là một sự tham dự vào sự sống Thiên Chúa, thì tất nhiên phải có ơn thánh Chúa. Ơn thánh làm cho tôi được tái sinh trong đời sống mới.
4. Đời sống mới chính là sự sống Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa chính là đối tượng sau cùng tôi tìm kiếm. Tình yêu Thiên Chúa chính là quê hương tôi ước mơ. Tình yêu Thiên Chúa chính là hạnh phúc tôi được mời gọi trong cõi đời sau.
Chúa cho tôi được nếm thử một chút tình yêu Chúa ngay ở đời này, để một chút bé nhỏ đó trở thành động lực thúc đẩy tôi phấn đấu với mọi khó khăn, vượt qua mọi hoàn cảnh của thực tế lịch sử, để luôn khát tìm ơn thánh.
Với kinh nghiệm, tôi cảm thấy tình yêu Chúa dần dần đơn giản hóa việc tôi chuẩn bị đi về với Chúa.
- Tôi làm mọi việc với tình yêu Chúa.
- Tôi chịu mọi hy sinh vì tình yêu Chúa.
- Tôi lợi dụng mọi cơ hội để làm chứng cho tình yêu Chúa.
- Tôi yêu thương mọi người trong tình yêu Chúa.
5. Tôi xin phép nói thêm ở điểm yêu thương. Bởi vì yêu thương người khác chính là một điều răn căn bản, mà Chúa sẽ căn cứ vào, để phán xét tôi có xứng đáng được vào Nước Chúa hay không (x. Mt 25,31-48).
Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi sẽ khiêm tốn phục vụ bất cứ ai trong cảnh khổ, theo khả năng của tôi. Chúa dạy tôi điều đó trong dụ ngôn người Samari tốt lành (x. Lc 10,29-37).
Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi sẽ đề phòng tránh xét đoán người khác. Chúa dạy tôi điều đó khi Người nói : “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán. Anh em xét đoán thế nào, thì anh em sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em”.
Sao anh em thấy cái rác trong con mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt mình thì không để ý tới” (Mt 7,1-3).
Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi theo gương các mục tử tốt lành, cố gắng đi tìm con chiên lạc, coi sự một con chiên lạc trở về là niềm vui lớn lao hơn hết. Vì Chúa phán : “Người nào trong các ông có 100 con chiên mà bị mất một con, lại không để 99 con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai… Vậy, tôi nói cho các ông hay trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,4-7).
Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi xin Chúa ban cho tôi và cho mọi người được ơn biết tha thứ cho nhau. Tôi nhớ tới lời Chúa Giêsu trên thánh giá : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Vì yêu thương người khác như Chúa dạy, tôi hết sức kết hợp với Chúa Giêsu. Vì Người quả quyết : “Không có Thầy, chúng con không làm gì được” (Ga 15,5).
6. Chúa dạy tôi là hằng ngày hãy cố gắng làm những việc đạo đức như trên. Những việc đạo đức ấy sẽ có giá trị đời đời. Cuộc sống đời đời được bắt đầu từ những việc đạo đức làm ở đời này. Đó là một chuẩn bị tốt để đi vào cuộcs ống tình yêu đời đời ở cõi sau.
Các việc đạo đức trên đây đều dựa trên Lời Chúa. Vì thế số phận của tôi sẽ tùy vào sự tôi có nghe, có đón nhận và có thực hành Lời Chúa hay không, nhất là về bổn phận yêu thương.
Đến đây, suy nghĩ của tôi dừng lại ở lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gioan. “Kẻ không yêu thương, thì ở trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, thì là kẻ sát nhân. Vì anh em biết : Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở trong nó” (1 Ga 3,14-15).
7. Trên thực tế, những điều tôi vừa diễn tả thường không luôn thực thi đầy đủ. Bởi vì rất nhiều khi nghe Chúa gọi trong cơn đau đớn, tôi chỉ có thể cầu xin với Chúa một lời vắn tắt này : “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, xin Chúa thương xót con. Contin Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin cứu độ con”.
May ra, đôi khi, tôi cũng thêm được vài lời cầu xin vắn nữa, như : Lạy Chúa, con xin ký thác nơi Chúa tất cả những người gắn bó với con. Xin Chúa đoái thương ban bình an cho Quê Hương và Hội Thánh Việt Nam của con
Tôi cảm nghiệm sâu sắc điều này : Khi Chúa thương gọi tôi về, điều làm tôi hân hoan nhất, chính là sự tôi được Chúa yêu thương tha thứ cứu độ.
Lời Chúa gọi kèm theo lời tha thứ. rong lời gọi có ơn cứu độ tràn đầy.
Tôi đón nhận lời Chúa gọi với tất cả tấm lòng khiêm nhường sám hối, và tin cậy phó thác, cùng với hết tâm hồn cảm tạ ngợi khan. Tất cả đều trong tinh thần cầu nguyện thiết tha, để ra đi cũng trong tâm tình cầu nguyện khiêm nhường.
Đức Mẹ Maria ở bên tôi.
Trong giờ hấp hối, chắc chắn sự chuẩn bị tôi sẽ rất vắn gọn. Chuẩn bị vắn gọn lúc đó sẽ như thế này : Tôi không còn nhìn vào tôi, mà chỉ nhìn vào Đấng gọi tôi. Tôi nhìn vào Đấng thương yêu tôi, với chỉ một lời phó thác đơn sơ : “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Bình luận