1.
Ít lâu nay, tôi hay đọc đi đọc lại đoạn Phúc Âm sau đây của thánh Marcô: “Sau cùng, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một, đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng. Bởi lẽ các ông không chịu tìm những kẻ đã được thấy Người, sau khi sống lại. Người nói với các ông: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,14-17).
Điều mà đoạn văn trên đây làm tôi sợ hãi là: Ngay trước khi sai nhóm Mười Một đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khiển trách các ông là những kẻ cứng lòng.
2.
Cảnh báo: Chính các ông là những kẻ cứng lòng, đã làm cho các môn đệ nên khiêm tốn, để các ông biết phải sợ cái phải sợ, đó là sợ chính bản thân mình là kẻ cứng lòng.
3.
Tôi thấy lời cảnh báo trên đây cũng đang gởi đến tôi và đến mọi người môn đệ Chúa được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng cho Việt Nam hôm nay.
Tôi tự hỏi mình: Hôm nay, tại địa phương mà tôi đang được sai đến phục vụ, tôi có thể trở thành kẻ cứng lòng trong những trường hợp nào?
4.
Trước hết, tôi có được một trả lời từ Đức Hồng Y Martini. Ngài kể lại kinh nghiệm của ngài: Ngài đọc nhiều. Nhưng trong mục vụ, nhất là khi giảng, ngài rất sợ hãi. Ngài nhận mình là một dụng cụ hèn mọn, hết mình cậy tin vào ơn Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa kẻ Chúa sai đi, để họ biết phải nói gì, làm gì, đúng nơi, đúng lúc, theo thực tế cụ thể, mà Thánh Thần hoạt động.
Hiểu như vậy, tôi thấy tôi sẽ là kẻ cứng lòng, khi không tỉnh thức và khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử. Lịch sử là thực tế có thời gian nhất định, có địa lý nhất định, có những con người nhất định, có những hoàn cảnh nhất định. Chúa Thánh Thần đưa đức tin vào từng lịch sử một cách khôn ngoan bằng những cách thích hợp nhất của từng lịch sử. Nếu tôi cứ khư khư ôm vào lịch sử đó những lý thuyết trừu tượng, mà không lắng nghe Chúa Thánh Thần, thì đúng là tôi sẽ thuộc loại kẻ cứng lòng. Không gì cứng lòng bằng việc cho mình là nắm được Chúa Thánh Thần, dám sai Chúa Thánh Thần, chứ không để Chúa Thánh Thần sai mình đi.
5.
Mới rồi, tôi được đọc một cuốn sách về Đức Hồng Y Christoph Schonborn, Tổng Giám Mục Vienne của nước Áo. Theo ngài, giáo lý của Hội Thánh phải là giáo lý của người mục tử nhân lành.
Theo ngài, hạnh phúc của người mục tử nhân lành là biết phiên dịch vào lịch sử mình sống giáo lý của sự cứu độ. Giáo lý của sự cứu độ chủ yếu là đồng hành với những kẻ khổ đau, để cứu độ họ bằng yêu thương. Đồng hành là phải thấu hiểu hoàn cảnh thực tế của họ, để thương họ và để cứu họ. Chứ không phải là ôm một bó lý thuyết trừu tượng vào đời họ, để kết án và loại trừ họ.
Hiểu như vậy, tôi thấy sự tôi không đồng hành với thực tế của những người tôi được sai đến, theo gương Đấng chăn chiên lành, sẽ làm cho tôi thuộc loại kẻ cứng lòng.
6.
Tới đây, tôi đã có một số trả lời cho băn khoăn về sự các môn đệ Chúa hôm nay có thể trở thành những kẻ cứng lòng. Tóm tắt là, để tránh là kẻ cứng lòng, tôi phải sát với thực tế của con người, mà tôi phục vụ, tôi phải cố gắng sống mầu nhiệm nhập thể của Đấng Cứu Thế.
7.
Khi sát với thực tế của con người hôm nay, tôi bất ngờ khám phá thấy một thực tế rất đáng lo ngại, đó là rất nhiều người không còn biết sợ tội, không còn biết sợ Chúa phán xét, nhất là không còn biết sợ hỏa ngục. Không sợ những điều đáng sợ đó, con người thời nay không còn lý do để tin cậy vào lòng Chúa xót thương nữa. Hậu quả là họ dám nghĩ dám làm những điều tồi tệ nhất mà vẫn dám tự cho là đáng tự hào.
8.
Đọc Phúc Âm, tôi thấy Chúa Giêsu cảnh báo nhiều lần về nguy cơ phải xuống hỏa ngục. Nguy cơ đó là rất lớn. Vì thế, riêng đối với tôi, loại cứng lòng cần phải nhấn mạnh hơn cả, chính là những ai không còn sợ tội, không còn sợ hỏa ngục. Kinh nghiệm Chúa ban cho tôi một cách sâu sắc nhất, chính là sự sợ tội và sự sợ phải mất phần rỗi, đời đời phải mất phúc thiên đàng, đời đời phải khổ đau dưới hỏa ngục, đời đời phải bị quỷ Satan hành hạ trong ngục tù của nó.
9.
Những cái sợ đó thúc đẩy tôi chạy lại với Đức Mẹ Maria. Mẹ dắt tôi lại bên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá.
Chúa Giêsu trên thánh giá cho tôi cảm thấy sự tôi sợ tội và sợ hỏa ngục là sợ đúng. Có sợ như thế, mới cảm được sự tin cậy vào Đấng Cứu Thế chịu chết trên thập giá là điều quan trọng. Thánh giá là biểu tượng tình yêu thương xót của Chúa. Nhưng khổ nỗi, chính thánh giá cũng là điều tôi sợ, khi Chúa dẫn tôi vào con đường thập giá. Nếu tôi tự phụ, cho mình là mạnh, không sợ thánh giá, thì tôi sẽ là kẻ cứng lòng. Trong Vườn Cây Dầu, chính Chúa Giêsu đã tỏ ra rất sợ trước khổ đau của thánh giá (Mc 14, 33).
10.
Vì thế, tôi luôn cầu xin: “Lạy Chúa, xin Chúa xót thương con”. Đơn giản thế thôi. Rồi, tôi tin cậy hết lòng nơi Chúa. Chúa có cách xót thương tôi theo lòng nhân hậu của người cha nhân lành, của người mục tử tốt lành.
11.
Cuộc đời là một chuyến đi về cõi sau. Chuyến đi này có rất nhiều khó khăn khiến tôi phải sợ. Điều đáng sợ nhất là sợ chính cái tôi của mình. Một cái tôi cứng lòng.
Cái tôi cứng lòng. Cái tôi không biết sợ. Cái tôi không biết sợ và ngạc nhiên về những sự lạ lùng Chúa đang làm trong lịch sử hôm nay. Cái tôi xơ cứng, tự mãn với những kho giáo lý trừu tượng. Cái tôi vô cảm trước những khổ đau của bao con người trong lịch sử hôm nay. Cái tôi cho mình là đạo đức, và không sợ phán đoán như thế là sai lầm tai hại.
12.
Kẻ cứng lòng là loại người đã được Chúa cảnh báo là đang hoạt động ngay trong chính các môn đệ, mà Chúa sai đi.
Biết đâu, cảnh báo đó cũng đang là một sự thực trong tôi và trong nhiều môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay.
Lạy Chúa, xin Chúa thương cứu con cho khỏi cảnh cứng lòng. Con sợ con là kẻ cứng lòng, mà không hay biết. Xin xót thương con, lạy Chúa
Bình luận