(Nhân ngày về hưu của Đức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn)
1.
Tôi mới đọc lại một bài của Đức Hồng y Bergoglio, nay là Đức Giáo hoàng Phanxicô. Bài này được Ngài giảng trong thánh lễ Dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, ngày 02.02.2008.
Nội dung bài giảng là về “những người già”.
Vì là một người già đau yếu, tôi đọc mà thấy lòng mình thấm thía nỗi đau. Xin được chia sẻ nỗi niềm ấy của tôi trong tâm sự này.
2.
Ngay trong đầu bài giảng, Đức Hồng y đã không ngại nói lên một cảnh đau buồn đang xảy ra tại nhiều nơi ở Nam Mỹ. Cảnh đau buồn đó là cách cư xử đối với những người già.
Theo Ngài nhận xét về chính sách dành cho người già, thì cả đời cả đạo đều có những tuyên bố rất hay. Nhưng thực tế lại khác.
Người già bị coi như kẻ bị loại trừ.
Người già bị khinh như kẻ bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Người già bị đối xử như kẻ bị từ bỏ, bị để trong những nhà hưu như kho dành cho các vật phế thải.
Người già bị chế giễu và bị bỏ quên.
3.
Những nhìn ảnh trên đây tạo nên trong tôi một bầu trời u ám. Tôi cảm thấy xót xa vô chừng.
Tôi thầm nghĩ: Nếu phần đông đối xử tệ như thế đối với những người già, thì chắc là họ có cơ sở. Nếu chính tôi cũng bị đối xử như thế, thì hẳn là vì tôi xứng đáng bị như thế. Bởi vì chính tôi cũng thấy mình đang là người thuộc loại không sản xuất được gì, mà lại còn gây phiền hà cho nhiều người khác.
4.
Thực vậy, tôi cảm thấy mình đang là gánh nặng cho cộng đoàn. Bởi vì đời sống của tôi hiện giờ phải lệ thuộc rất nhiều vào người khác, đi đứng, di chuyển đều phải nhờ người khác.
5.
Tôi cảm thấy mình đang là kẻ dư thừa, gây phiền toái cho cộng đoàn. Bởi vì tôi bị kể như không còn khả năng phục vụ, đã thế lại giữ cho mình những phương tiện sống đáng lẽ nên dành cho những người đang phục vụ.
6.
Tôi cảm thấy mình đang là kẻ gây chướng tai gai mắt. Bởi vì tôi có những lời nói, việc làm, thái độ vụng về mà người ta không muốn bao dung chấp nhận.
7.
Tôi cảm thấy mình đang là kẻ phạm đến quyền lợi của người khác. Bởi vì tôi có những suy nghĩ và những lời nói nào đó, mà người ta cho là pha mình vào chuyện của người khác.
8.
Tôi cảm thấy mình đang là kẻ bị kết án, không xứng đáng ở lại chốn này. Bởi vì tôi bị coi như kẻ làm gương xấu, gây hại cho ích chung.
9.
Những cảm thấy trên đây đang làm tôi đau đớn và sợ hãi. Tôi muốn tìm người, để tâm sự. Nhưng tôi sợ lại bị khổ thêm, do người ta khinh chê, xa tránh. Mất niềm tin vào người khác, co mình lại, đó là triệu chứng của trầm cảm.
10.
Trầm cảm có lúc gây nên căng thẳng. Chỉ một chút thôi trong lời nói, trong thái độ, của ai đó, tuy vô hình, nhưng tỏ ra sự dửng dưng, sự khinh miệt, đều có thể làm cho tâm hồn đang đau lại đau thêm.
11.
Những lúc đó, tôi không phải là hiểu, mà là cảm nhận được một cách sâu sắc tình trạng, mà Chúa Giêsu đã trải qua xưa trong vườn Cây Dầu. Người cảm thấy rất mực cô đơn, rất mực sợ hãi, rất mực khổ đau. Tôi cũng như Người, lúc đó gục đầu xuống đất, mà khẩn cầu: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42).
12.
Và tôi cũng cảm nhận thấy rất cần được ủi an nâng đỡ. Tôi thấy nhu cầu ấy cũng đã có trong lời Chúa Giêsu trách các môn đệ: “Các con không thức nổi một giờ ở bên Thầy sao?” (Mc 14,37).
13.
Ai đã trải qua những trường hợp như thế, mới thấy những trường hợp như thế là rất khủng khiếp. Do vậy, cần phải rất nhạy bén và tế nhị đối với những người trong cơn khủng khiếp như thế, nhất là khi họ là những người già cả đau yếu, không còn sức khỏe thân xác và tinh thần để vượt qua.
Tôi đã nhiều lần rơi vào những trường hợp khủng khiếp đó.
14.
Cũng may là trong tôi, Chúa vẫn hiện diện. Người thắp lên trong tôi một ngọn lửa nhỏ. Ngọn lửa nhỏ này là niềm tin yêu mãnh liệt. Nhờ ngọn lửa thiêng này, tôi biến đau khổ thành cơ hội đến với Chúa và đến với con người, một cách âm thầm nhưng đầy tin tưởng.
15.
Trước hết, tôi coi bản thân tôi đang đau đớn là một của lễ hy sinh. Tôi khiêm tốn dâng lên Chúa của lễ hy sinh đó, hợp với của lễ hy sinh Chúa Cứu Thế đã dâng xưa trên thánh giá.
16.
Với của lễ hy sinh đó, tôi chúc phúc lành cho những người thân yêu của tôi. Như xưa ông già Simêon đã chúc lành cho Đức Mẹ và Thánh Giuse, khi hai Đấng dâng Chúa Hài Đồng trong đền thờ (x. Lc 2,33-35).
17.
Rồi, cũng với của lễ hy sinh đó, tôi chuyển giao kinh nghiệm của tôi cho cộng đoàn và những thế hệ đi sau. Như xưa bà già Anna “đã nói về Hài Nhi Giêsu cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2,38).
18.
Những gì tôi chia sẻ trong tâm sự này đều rất chân thành. Cũng với tất cả tấm lòng chân thành, tôi thú nhận tôi rất yếu đuối, hèn hạ, tội lỗi, rất cần được Chúa xót thương và cũng rất cần được cộng đoàn cảm thông.
19.
Để kết, tôi xin mượn ý của Đức Thánh Cha Phanxicô về người già:
- Nhu cầu được có người ở bên,
- Nhu cầu gặp được một cái nhìn yêu thương có sức làm êm dịu nỗi lo âu sợ hãi…
- Nhu cầu được cảm thấy mình có ích cho người khác.
- Nhu cầu làm nhẹ nỗi đau.
Đó là những gì anh chị em nên làm cho những người già cả đau yếu, trong đó có tôi.
Xin cảm tạ Chúa hết lòng.
Xin chào chúc anh chị em được bình an trong Chúa.
Long Xuyên,ngày 12 tháng 3 năm 2014
Ngày giỗ Cha PhanxicôTrương Bửu Diệp
Bình luận