Kinh nghiệm đời sống dạy tôi như thế. Thêm vào kinh nghiệm đó là kinh nghiệm về trái tim Chúa Giêsu. Khi tôi nhìn bằng tình yêu trái tim Chúa Giêsu, tôi thấy tôi được bình an nhiều lắm.
Bây giờ nhìn sâu vào cái nhìn đó qua chỉ dẫn của những người đạo đức, tôi thấy trái tim Chúa Giêsu đã đổi mới sâu sắc cái nhìn của những kẻ dâng mình cho Người.
Những kẻ dâng mình cho Người thấy mình rất tội lỗi. Từ nhận thức khiêm tốn ấy, họ để Chúa biến đổi cái nhìn của họ bằng tình yêu trái tim Người.
Một tình yêu đem lại khích lệ.
Một tình yêu làm cho biết sợ điều phải sợ.
1/ Tình yêu khích lệ làm điều lành
Ở đây, tôi nhấn mạnh đến sự Chúa Giêsu khích lệ người ngoài đạo Chúa.
Thời Chúa Giêsu, những người theo đạo Chúa có thói quen nhìn người khác đạo bằng con mắt lạnh lùng, thiếu khích lệ. Chúa Giêsu không chấp nhận cái nhìn tự mãn đó. Người sửa đổi cái nhìn dửng dưng của người đạo Chúa bằng nhiều cách. Ở đây, chỉ xin nhắc đến ba trường hợp Chúa đề cao người ngoài đạo Chúa bằng những khích lệ trân trọng.
a/ Đề cao đức tin của họ
Phúc Âm thánh Luca kể : Tại thành Caphanaum, có một người đại đội trưởng ngoại đạo, khi nghe Chúa Giêsu vào thành, đã sai mấy kỳ mục của người Do Thái đến gặp Chúa, để xin Người cứu sống cho người nô lệ đầy tớ của ông. Đang khi Chúa trên đường đến nhà ông, thì ông cho người đến nói với Chúa Giêsu rằng : Tôi không xứng đáng được đón tiếp Ngài vào nhà tôi. Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi sẽ được khỏi. Trước thái độ của ông, Chúa Giêsu đã quả quyết : “Ngay cả trong dân Israel, tôi cũng không thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,9).
Lời Chúa phán trên đây là một khích lệ lớn gởi các người ngoài đạo Chúa. Đồng thời đây cũng là lời dạy các người đạo Chúa phải biết khiêm nhường. Chúng ta có biết khích lệ những người khác bằng những lời khen chính đáng không ?
b/ Đề cao đức yêu thương của họ
Thời đó, những người theo đạo Chúa sống đóng khung trong nội bộ chật hẹp. Họ không muốn nhìn ra ngoài ranh giới đạo mình. Nên cứ tưởng mình đạo đức nhất. Chúa Giêsu sửa đổi thói quen xấu đó bằng đưa ra một dụ ngôn :
Có một người bộ hành từ Giêrusalem đi Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay bọn cướp. Sau khi lấy hết của cải, bọn cướp đánh anh nhừ tử, rồi ném ở vệ đường. Tình cờ một thầy tư tế đi qua. Ông chỉ nhìn qua nạn nhân, rồi tiếp tục đi. Sau đó, một thầy Lêvi cũng đi qua. Ông cũng thấy nạn nhân, nhưng cũng chỉ nhìn qua, rồi tiếp tục đi. Sau cùng, một người Samari cỡi ngựa đi qua. Ông dừng lại, xuống ngựa, chăm sóc nạn nhân, chở nạn nhân vào quán gần đó để nhờ cứu sống nạn nhân, chi phí bao nhiêu ông xin trả hết. Chúa Giêsu khen người Samari ngoại đạo đó là kẻ có lòng thương người thực sự (x. Lc 10,29-37).
Dụ ngôn trên đây là một sứ điệp gởi những người ngoài đạo Chúa như người Samari. Chúa khích lệ họ vì những việc từ thiện bác ái họ làm cho những con người khốn khổ. Sứ điệp cho thấy trước mặt Chúa họ bác ái hơn cả hàng tư tế và Lêvi của đạo Chúa.
c/ Đề cao lòng biết ơn của họ
Khi đang đi giữa ranh giới miền Samari và Galilê, Chúa Giêsu gặp 10 người phong cùi. Họ xin Người cứu chữa họ. Người bảo họ : Hãy đi trình diện với các tư tế. Đang khi đi đường, cả 10 người phong cùi đó đều được phép lạ chữa lành. Thấy vậy, một người trong họ đã trở lại cám ơn Đức Giêsu. Đức Giêsu nói : “Chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại đạo này” (Lc 17,17-18).
Lời Chúa phán trên đúng là một khích lệ trân trọng gởi đến những người ngoài đạo Chúa. Lòng biết ơn là một đức tính nhân bản. Giữ được đức tính nhân bản cần thiết đó là bước đầu đi vào đức ái và đức tin.
Khích lệ những người khác làm việc tốt, khích lệ điều tốt nơi những người khác, đó là việc những người tôn sùng trái tim Chúa cần làm. Khích lệ từ những việc thuộc đức tin, cho đến đức ái, cả đến nhân bản. Nhiều khi khích lệ các việc tốt về nhân bản lại rất cần. Bởi vì nếu thiếu nhân bản như sống lười biếng, sống tham lam ích kỷ, sống hiện thực, sống thực dụng, thì dù có siêng đi lễ, đọc kinh, cũng sẽ chẳng làm chứng được nhiều cho đạo Chúa.
Thêm vào sự khích lệ làm điều lành, việc tôn sùng trái tim Chúa Giêsu cũng răn đe, làm cho người ta biết sợ những gì phải sợ.
2/ Tình yêu làm cho biết sợ những điều phải sợ
Nguy cơ đem nhân loại đến diệt vong là nhân loại không còn biết sợ tội.
Nguy cơ đưa một cộng đoàn đến suy tàn là cộng đoàn đó không chịu sám hối.
Nguy cơ đưa cả một thế hệ đến chỗ diệt vong là vì thế hệ đó xem thường hình phạt đời này và hình phạt hỏa ngục đời sau.
Phải biết sợ tội, phải biết sám hối, phải biết sợ hình phạt đời này và hình phạt hỏa ngục đời sau. Những điều đó chính là của tình yêu cứu độ.
Tôi mới đọc lại một đoạn thư của thánh Phaolô. Người răn đe : “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng biết, đó là dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi báo trước cho mà biết, như tôi đã từng báo : Những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,19-21). Đọc xong, tôi tự hỏi : Thời nay, còn mấy người sám hối về chuỗi dài những tội như thế, vì tin chúng cản ngăn mình vào Nước Trời ? Tôi nghĩ số người đó còn khá nhiều.
Rồi tôi đọc lại bốn Phúc Âm, tôi nhận ra rất nhiều lời Chúa Giêsu cảnh báo : Phải sám hối, phải tránh tội, kẻo không thoát được hình phạt hỏa ngục đời đời. Thí dụ: Tội không thực thi thánh ý Chúa (x. Mt 7,21-23). Tội không làm ra lời những vốn Chúa trao (x. Mt 25,26-30). Tội không phục vụ những người Chúa gởi (x. Mt 24,45-50). Tội không bác ái đối với những kẻ khốn cùng (x. Mt 25,41-46). Tôi tự hỏi : Chính tôi có nhận thức đúng và đủ những điều Chúa răn đe không ? Tôi thực sự phải sám hối.
Những răn đe trong Tân Ước cũng chính là những cảnh báo của tình yêu trái tim Chúa Giêsu. Nếu nhìn mình và người khác trong tình yêu trái tim Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy việc cảnh báo răn đe là rất cần cho tu đức. Ta nên làm việc đó bên cạnh những khích lệ. Răn đe và khích lệ là hai mặt của tình yêu cứu độ. Tôi thấy Chúa cũng đã chia sẻ tình yêu cứu độ cho nhiều người ngoài đạo Chúa tại Việt Nam hôm nay.
Bình luận