“Chúa sẽ chỉ đốt lên lửa trong những nội tâm quyết bước theo Chúa trên con đường Thánh Giá, từ bỏ mình, để đi tìm những con chiên lạc, để chia sẻ nỗi khổ đau của người nghèo, để hi sinh cứu họ, dù phải mất cả mạng sống mình”…
1.Tôi yêu mến địa phương nơi tôi đang sống. Địa phương này đã đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, trong đó có tiếng vọng từ những nội tâm. Đây là những tiếng vọng đã an ủi tôi, đã nâng đỡ tôi, đã giúp tôi suy nghĩ thêm về ý nghĩa cuộc đời, đã khích lệ tôi diễn tả những tâm tư của mình một cách tin tưởng.
2.Tiếng vọng từ những nội tâm mà tôi trân trọng, chính là ảnh hưởng của những người sống thường ngày với một chiều kích thiêng liêng mãnh liệt. Hầu hết họ là ngoài Công Giáo. Họ gắn bó với một số giá trị thiêng liêng như hiếu thảo và cầu nguyện. Họ tin vào một cõi thiên đàng sau thế trần này. Họ tin vào một Đấng thiêng liêng trên đầu họ. Họ kính sợ “Ông Trời”. Họ tin làm lành thì có luật thiêng thưởng, làm dữ thì có luật thiêng phạt.
3.Chiều kích thiêng liêng như thế ăn sâu vào cuộc sống họ, như một sức mạnh thiêng liêng. Họ diễn tả ra bằng những ứng xử đạo đức theo truyền thống từ xưa. Cầu nguyện, bố thí, ăn chay, hiếu thảo, cần cù, tình nghĩa và liên đới trách nhiệm, đề cao việc từ thiện. Đó là những ứng xử đạo đức, mà họ cho là phải phấn đấu mới bảo vệ được, để nội tâm mình được sáng.
4.Số người có nội tâm sáng tại địa phương này là khá đông. Họ thuộc đủ mọi giới. Mặc dù bị khủng hoảng, tình hình nội tâm tại đây nói chung vẫn tương đối tốt, nội tâm họ vẫn mạnh. Nội tâm đó làm nên một tiếng gọi thiêng liêng. Tôi nhận được tiếng gọi thiêng liêng đó, như một tiếng vọng.
5.Tiếng vọng từ những nội tâm ấy đã gặp nội tâm tôi. Gặp gỡ thân tình này gợi ý cho tôi hãy chia sẻ phần nào nội tâm tôi. Chia sẻ của tôi là một đáp lễ. Nội tâm tôi lúc này có mấy điểm sau đây nên nói.
6.Điểm thứ nhất là nhận thức rất rõ bản thân mình được Chúa gọi trở nên hoàn thiện theo gương Chúa Giêsu Kitô, nhưng thực tế bản thân mình lại quá yếu đuối, nên phải nhờ vào tình yêu thương xót Chúa cứu.
Do vậy, nội tâm của tôi từ lâu đã tập trung vào niềm tin vào Chúa Giêsu. Người là Đấng Cứu Thế. Người tha tội cho tôi. Người kéo tôi ra khỏi tội lỗi.
7.Những gì Chúa Giêsu đã và đang cứu tôi cũng vẫn là những gì Chúa xưa đã quả quyết là rất trái với sự trong sáng của nội tâm. Như:
Cách sống bề ngoài thì phô trương lề luật và hình thức đạo đức, nhưng bên trong lại là tội lỗi. Đó là lối sống của giới Pharisiêu và Luật sĩ, mà Chúa gọi là bọn giả hình. (x. Mt 23, 13-32).
Cách sống bản thân thì muốn Chúa thương xót mình, nhưng mình lại tỏ ra khắt khe dữ tợn đối với người khác. (x. Mt 18, 23-35).
Cách sống tránh né để khỏi phải cứu giúp người đau khổ như thầy tư tế và thầy lêvi xưa. (x. Lc 10, 29-37).
8.Nội tâm của tôi muốn sáng, muốn mạnh, thì không tránh được những cuộc chiến đấu gay go. Tôi phải khiêm tốn nhận mình yếu đuối, luôn cần đến Lòng Thương Xót Chúa cứu độ. Nội tâm như vậy luôn cần biết trở về với Chúa một cách khiêm tốn và phó thác.
9.Điều thứ hai là không những nội tâm tôi phải tránh tội lỗi, mà còn cần phải có lửa tình yêu Chúa cháy rực.
Lửa tình yêu Chúa sẽ cháy lên trong nội tâm tôi, khi chính Chúa đốt lên trong tôi. Chúa sẽ chỉ đốt lên lửa đó trong những nội tâmcầu nguyện với tinh thần khó nghèo và phó thác. Chúa sẽ chỉ đốt lên lửa đó trong những nội tâmquyết bước theo Chúa trên con đường Thánh Giá, từ bỏ mình, để đi tìm những con chiên lạc, để chia sẻ nỗi khổ đau của người nghèo, để hy sinh cứu họ, dù phải mất cả mạng sống mình.
Lửa tình yêu Chúa đang là một vấn đề lớn đối với những người muốn sống nội tâm tại Việt Nam hôm nay.
10.Điều thứ ba là nội tâm tôi phải thực sự chắc chắn mình được Chúa sai làm gì, để loan báo Tin Mừng, nhất là trong hoàn cảnh phức tạp.
Thú thực là trong hoàn cảnh phức tạp như hiện nay, khi tôi muốn làm bất cứ việc gì có tính cách khác thường trong việc Loan Báo Tin Mừng, thì tôi luôn tự hỏi mình: Tôi có được Chúa sai đi làm việc đó không? Khi tôi chắc chắn là Chúa sai tôi làm, thì tôi xin vâng.Xin vângcủa tôi tìm được sức mạnh và hứng thú từ nhận thức mình được Chúa sai làm việc đó. Tôi cậy vào Chúa,Đấng sai tôi đi. Chứ không tin vào những phương tiện và tài năng của tôi.
11.Tôi lên đường làm việc Chúa trao một cách đơn sơ. Chúa bảo các môn đệ được sai đi xưa “Đừng mang gì theo”. (Mc 6, 8). Nghĩa là tôi phải giữ tinh thần nghèo khó, khiêm nhường.
Chúa dạy các môn đệ được sai đi xưa là “Hãy vào nhà người ta”. (Mc 6, 10). Nghĩa là Chúa dạy tôi hãy có những gặp gỡ nhỏ, thân mật.
Chúa dạy các môn đệ được sai đi là “Hãy kêu gọi sám hối, và trừ quỷ”. (Mc 6, 12-13). Nghĩa là Chúa dạy tôi hãy ưu tiên giúp cho người ta biết tránh tội và các hình thức xấu.
12.Tôi thấy làm việc lành một cách đơn sơ như vừa tả theo lời Chúa dạy, có thể sẽ không hợp với cách suy nghĩ của một số phong trào hoạt động tôn giáo hướng ngoại, thích giàu sang, hoành tráng, ồn ào. Nhưng tôi vẫn tin làm theo Phúc Âm là làm đúng. Tin như thế có thể là đi ngược lại một số khuynh hướng. Do vậy mà nhiều khi sống nội tâm theo ý Chúa là một chọn lựa không luôn dễ.
13.Tới đây tôi tạm có kết luận này:
Sự tôi gặp được tiếng vọng của những nội tâm ngoài Hội Thánh Công Giáo đã giúp tôi khám phá thấy những sự lạ lùng Chúa làm. Để rồi, tôi cùng với họ ra đi. Không như người trên, không như người xa cách, nhưng như người anh em cùng nhau đi tìm phục vụ, chia sẻ.
14.Đi đâu, tôi cũng nghe thấy tiếng vọng từ những nội tâm, đó là một món quà cao quý Chúa ban tặng. Tôi phải khiêm nhường tạ ơn Chúa. Nếu tôi không đón nhận, hoặc dửng dưng coi thường, để nội tâm của chính mình trở thành trống vắng, không có tiếng vọng, thì khốn cho tôi và hại cho Hội Thánh của tôi.
Tôi tha thiết cầu xin Đức Mẹ Maria giúp chúng ta luôn có một nội tâm giống như nội tâm của Mẹ. Tôi tin những nội tâm ấy sẽ được Chúa dùng để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa tại Việt Nam hôm nay.
Long Xuyên, 27.8.2015
Bình luận