Đức Mẹ từ trời xuống đất. Đó là sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917. Năm nay, 2007, nhiều nơi mừng 90 năm sự kiện lịch sử đó.
Mừng kỷ niệm này, tôi nhìn lại những tác động của sứ điệp Fatima trong đời tôi. Tới nay, những tác động ấy vẫn mạnh, đi vào chiều sâu. Chúng làm nên một thứ tu đức, mà tôi tạm gọi là tu đức từ Fatima.
Tu đức từ Fatima được hình thành dần dần từ sự gắn bó mật thiết với Đức Mẹ Fatima. Nó mang mấy đặc điểm sau đây :
![]() |
1/ Một tu đức luôn nhắc đến lòng khiêm nhường và sám hối
Tôi thấy bước đầu để đi vào con đường sứ điệp Fatima là thực hiện một chuỗi dài những việc khiêm nhường.
Thực vậy, tôi phải khiêm nhường tin rằng: Chúa đã dùng ba trẻ quê mùa ở Fatima như những dụng cụ khiêm tốn để loan báo sứ điệp.
Tôi phải khiêm tốn nhận rằng : Sứ điệp quan trọng nhất ở Fatima là việc sám hối. Sám hối bao giờ cũng khởi đi từ sự khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi.
Tôi phải khiêm tốn nhìn lên Đức Mẹ ở Fatima. Người tỏ mình ra một cách khiêm tốn, như người nữ tỳ của Chúa, như người Mẹ dạt dào tình thương đối với mọi người, không phân biệt ai.
Tôi phải khiêm tốn xác tín rằng : Vinh quang của Thiên Chúa ở Fatima là Chúa dùng những phương tiện hèn mọn, và đưa ra giải pháp hèn mọn hợp với bất cứ ai, để họ được cứu khỏi các tai họa thảm khốc đời này, nhất là khỏi hỏa ngục đời sau.
Tôi phải khiêm tốn vâng theo sứ điệp Fatima mà tu thân sám hối. Sứ điệp này phản ánh sứ điệp sám hối đã do thánh Gioan Baotixita rao giảng xưa. Sứ điệp này tiếp nối sứ điệp sám hối mà chính Chúa Giêsu gởi đến nhân loại xưa, trong mầu nhiệm thánh giá.
Khi thực thi chuỗi dài những việc khiêm tốn trên đây trong ý thức, tôi sẽ được đưa tới việc khiêm tốn cầu nguyện với Chúa. Việc cầu nguyện này là một đối thoại giữa Chúa và tôi. Đối tượng là về cái tâm.
Tôi nghe Chúa phán với tôi cũng những lời trong sách tiên tri Giôen: “Ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta. Hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết than van. Đừng xé áo, những hãy xé lòng” (Ge 2,12,-13).
Tôi cũng đã nghe Chúa nói với tôi những lời, như xưa đã ghi trong tiên tri Êdêkien : “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban cho các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26). Tôi hiểu quả tim bằng đá là cái tâm chai đá, còn quả tim bằng thịt là cái tâm nhạy cảm, khiêm nhường.
Khi hiểu Chúa muốn dạy gì, tôi sẽ nói với Chúa lời xưa của Vua Đavít : “Lạy Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tấm lòng tan nát. Một tấm lòng tan nát, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 52,19).
Chỉ khi tôi thực sự dâng lên Chúa tấm lòng tan nát khiêm cung và sám hối, tôi mới thực sự thi hành sứ điệp khiêm nhường và sám hối, mà Đức Mẹ đã nhắn nhủ ở Fatima.
Cùng với lòng khiêm nhường và sám hối, tôi đã được sứ điệp Fatima chỉ cho thấy nguồn gốc sâu xa của nguy cơ lớn nhất hiện nay.
2/ Một tu đức luôn chỉ cho thấy nguồn gốc của nguy cơ hiện nay
Theo sứ điệp Fatima, thì nguy cơ lớn nhất là con người tự đi xuống diệt vong, nguồn gốc sâu xa của nguy cơ đó là vì con người :
- Mất ý thức về tội,
- Chối từ Thiên Chúa,
- Không cầu nguyện,
- Không tin có hỏa ngục.
Thực vậy, ở Fatima, Đức Mẹ đã dạy vắn tắt thế này :
- Hãy sám hối bỏ đàng tội,
- Hãy cầu nguyện trở về với Chúa,
- Kẻo sẽ phải sa xuống hỏa ngục.
Lời khuyên vắn tắt của Mẹ ở Fatima đã phác họa thực trạng loài người lúc đó và hiện nay.
Nhìn lại tình hình năm 1917, người ta thấy: Lúc đó, đã phát sinh phong trào mất ý thức về tội, coi nhẹ niềm tin có hỏa ngục, và cách sống dửng dưng đối với Thiên Chúa.
Nay, ba phong trào đó xem ra mạnh hơn và lan rộng hơn. Sự phát triển ba phong trào này có nguồn gốc : Một đàng ở sự người ta bớt cầu nguyện và bớt gắn bó với Chúa, một đàng người ta gắn bó hơn với cách sống thực dụng, hưởng thụ và tự mãn kiêu căng.
Nhận thức trên đây tất nhiên phải đi tới những cố gắng rõ rệt về tu đức. Đó là : Rút ánh sáng từ Phúc Âm ra, để nhận định đúng về tội, về hỏa ngục, về sự chối từ Chúa qua sự chối từ những điều Chúa truyền và Hội Thánh dạy.
Một cách đón nhận ánh sáng Phúc Âm là năng cầu nguyện kinh Mân Côi và tôn sùng Trái tim Đức Mẹ.
Ánh sáng Phúc Âm ta nhận được qua những sùng kính đó sẽ cho ta gặp được Chúa. Một Chúa sống động, một Chúa gần gũi, một Chúa là tình yêu thương xót. Sự gặp gỡ này sẽ mở tâm hồn ta ra, để Chúa biến đổi lòng ta nên mới.
Lòng ta nên mới, nhất là ở sự ta nhìn Đức Mẹ đúng là người mẹ đầy xót thương. Mẹ chỉ muốn cho tính mạng của các con cái Mẹ được an toàn. Chúng ta hãy là con thảo của Mẹ. Con thảo thì tin vào Mẹ, con thảo thì vâng lời Mẹ.
Theo bài giảng của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Fatima ngày 13.5.1982, thì sứ điệp của Đức Mẹ ở Fatima là một cảnh báo quyết đoán và nghiêm khắc. Không ai được coi thường.
Nhận thức trên đây đang trở thành một động lực cho việc sống đạo tại Việt Nam hôm nay. Bỏ đàng tội, đổi mới nếp sống, xin ơn trở về với Thiên Chúa tình yêu, đó là trọng tâm mục vụ của nhiều môn đệ Chúa trên đất nước thân thương này.
Chia sẻ trên đây là một chút dư âm của sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Dư âm này sẽ rất âm thầm, nhưng là một của lễ bé mọn dâng kính Mẹ. Tôi tin nó sẽ được ở bên nhiều của lễ khác đang đặt xung quanh Mẹ nhân lành.
Thiết tưởng của lễ đẹp nhất chính là những người đang biến chính bản thân mình thành của lễ, như lời thánh Phaolô dạy : “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Anh em đừng rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : Cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,1-2).
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.