Hơn 1,3 triệu người miền Tây đến TPHCM, Ðông Nam bộ... làm ăn, sinh sống trong 10 năm qua. Thực trạng đáng báo động này là một trong những nội dung quan trọng của Báo cáo Kinh tế thường niên đầu tiên về Ðồng bằng sông Cửu Long, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện, công bố ngày 14.12.2020, tại thành phố Cần Thơ.
Theo báo cáo, Ðồng bằng sông Cửu Long có 17,3 triệu dân, là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư cao nhất cả nước. Giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng dân số toàn vùng là 0%, so với cả nước 1,14%. Hai năm qua dân số cả vùng giảm 0,3%. Quanh vấn đề này, phóng viên báo CGvDT đã có cuộc trao đổi với TS Ðặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ÐBSCL - trường Ðại học Cần Thơ.
Thưa TS, theo báo cáo vừa công bố, ÐBSCL một thập niên qua có hơn 1,3 triệu người xuất cư làm ăn, sinh sống. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này, con số trên nói lên điều gì trong khi nơi đây vốn được xem là miền đất trù phú, thiên nhiên ưu đãi?
TS. Ðặng Kiều Nhân: Có thể nói đây là một hiện tượng bình thường của sự phát triển - chuyển dịch dần lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn đến khu vực công nghiệp, dịch vụ và thành thị. Các quốc gia phát triển đã trải qua giai đoạn này. Ngay cả các nước trong khu vực Ðông Nam Á, quanh Việt Nam như Malaysia, Thái Lan cũng đã xảy ra cách đây 30 năm rồi.
Số liệu này hàm ý rằng trong thời gian qua, nền kinh tế nông nghiệp của đồng bằng không giúp nông dân cải thiện cuộc sống đáng kể, công nghiệp và dịch vụ kém phát triển và không đủ tạo ra việc làm để có thu nhập đủ sống cho lao động nông thôn. Nếu chúng ta cứ cho rằng đồng bằng là miền đất trù phú, thiên nhiên ưu đãi, là “vựa” lúa, “vựa” trái cây, “vựa” thủy sản…, là nơi sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn, thì tình trạng xuất cư vẫn còn tiếp tục.
Vậy, mô hình kinh tế có phải chăng là yếu tố quyết định?
- Hơn 30 năm trước, người ta hay nói “muốn lập nghiệp thì về miền Tây”; bây giờ thì có vẻ ngược lại. Ðiều đó đúng bởi vì trước đây, kinh tế và sinh kế cư dân chủ yếu dựa vào khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên. Bây giờ khác, kinh tế đổi chiều, đó là công nghiệp, dịch vụ và tri thức. Thành ra, kinh tế nông nghiệp bằng khai thác tài nguyên thiên nhiên và tạo ra sản phẩm thô có giá trị thấp không đủ nâng cao thu nhập để phục vụ đời sống nông dân cùng với lao động nông thôn, khi mà mức sống của xã hội nói chung ngày càng tăng lên, đặt trong bối cảnh môi trường tự nhiên hiện nay không còn nhiều thuận lợi nữa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy ở ÐBSCL có đến 50% nông dân trồng lúa có diện tích canh tác lúa hoặc nuôi tôm dưới 1 hecta, đối với vườn trái cây là dưới 0,5 ha. Trong khi đó, lợi nhuận canh tác lúa (2 - 3 vụ) hoặc tôm (quảng canh cải tiến) trung bình khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, vườn trái cây khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Do đó, hộ nông dân thuần nông với bốn nhân khẩu và 2 - 3 lao động chính có 1 hecta trồng lúa (hoặc tôm quảng canh cải tiến), hay 0,5 hecta vườn, có thu nhập chỉ đủ ăn và không đáp ứng nhu cầu thiết yếu của khác của cuộc sống. Ðó là năm bình thường, chưa kể yếu tố rủi ro thiên nhiên và kinh tế - xã hội như hạn - mặn, dịch bệnh và thị trường biến động.
Kết quả nghiên cứu 10 năm qua cũng cho thấy hộ ở nông thôn của đồng bằng có thu nhập hằng năm cao hơn khi họ có nhiều lao động dịch vụ nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp. Hộ có ít đất nông nghiệp nếu muốn có thu nhập đủ sống chỉ bằng cách chuyển dịch lao động. Hộ càng ít đất và thu nhập càng thấp thì xu hướng chuyển dịch lao động càng nhiều. Khi mà cơ hội lao động tạo thu nhập tại chỗ kém thì họ phải xuất cư đến TPHCM hoặc vùng Ðông Nam bộ cho sinh kế. Ở tiểu vùng ven biển, nuôi tôm cần ít lao động hơn canh tác lúa hoặc cây trồng cạn nên lao động di cư nhiều hơn tiểu vùng phù sa nước ngọt.
Do điều kiện tự nhiên, nền đất đồng bằng yếu, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ hậu cần hỗ trợ kinh tế công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp kém phát triển; truyền thống khai thác dựa vào tài nguyên thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp manh mún, nguồn nhân lực tay nghề kém phát triển... là những nguyên nhân hạn chế lợi thế phát triển công nghiệp và dịch vụ so với các vùng khác.
Số liệu thống kê còn chỉ ra có khoảng 5% lực lượng lao động của đồng bằng làm việc trong khu vực Nhà nước, khoảng 5% lao động làm việc trong khu vực kinh tế có yếu tố nước ngoài, còn lại đến 90% lao động ở khu vực kinh tế tư nhân. Ðiều này cho thấy nếu khu vực kinh tế tư nhân kém hoặc chậm phát triển thì xuất cư là chuyện hiển nhiên.
Hạn mạn khốc liệt mùa khô năm 2020 ảnh hưởng 12/13 tỉnh thành ĐBSCL |
Nhìn vào lịch sử nước ta, di cư không phải là vấn đề mới mẻ. Ðã có những cuộc di cư do chủ đích lẫn tự phát nhưng có thể nói chưa bao giờ người miền Tây ly hương ồ ạt như lúc này. Việc di cư liệu sẽ có hệ quả gì cho sự phát triển của đồng bằng?
- Nhân lực và lao động là yếu tố động. Di cư hằng ngày, theo mùa và thay đổi định cư cho sinh kế là hiện tượng không mới đối với nước ta và ở các nước khác khi mà kinh tế đổi chiều. Lao động miền Tây xuất cư có mặt tích cực là tạo thu nhập và nâng cao đời sống, giảm bớt lao động nông nghiệp, nông thôn tại chỗ, thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và tích tụ ruộng đất để phát triển trang trại lớn - điều này được coi là kinh tế nhân lực.
Mặt khác, nếu nhiều lao động trẻ có trình độ và tay nghề di cư ra khỏi vùng thì làm giảm chất lượng nguồn nhân lực nội vùng để phát triển công nghiệp nông nghiệp, dịch vụ cùng kinh tế tri thức. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy chuyển dịch kinh tế về nông thôn, khi đó dòng lao động sẽ đảo chiều. Cần nói thêm, đa số lao động trẻ xuất cư theo mùa, một phần gia đình họ vẫn còn ở địa phương chứ không phải tất cả xuất cư hoàn toàn.
Tình trạng xuất cư ngày càng phổ biến ở miền tây
|
Xét về mặt quản lý nhà nước, ông đề xuất những giải pháp gì để “giữ chân” lao động miền Tây ở lại quê?
- Như đã nói trên, dòng lao động tùy thuộc vào hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ hội việc làm để tạo thu nhập. Vì vậy, vấn đề không phải là hạn chế di dân mà là phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp chế biến, dịch vụ và kinh tế tri thức. Sinh thái - kinh tế - xã hội của miền Tây là một hệ thống mở, tương tác với các vùng lân cận khác, đặc biệt là không chỉ giới hạn đất liền mà còn diện tích kinh tế biển gấp 3 - 4 lần nội địa. Cho nên phát huy tương tác có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Lợi ích của kinh tế biển là rất quan trọng, trong đó có điều tiết hợp lý dòng lao động.
Miền Tây có lợi thế so sánh về sản xuất nông nghiệp nhưng cứ sản xuất sản phẩm thô thì không thể khá hơn được vì năng suất và lợi nhuận gần tới ngưỡng, tăng lợi nhuận hơn nữa thì phải đầu tư thâm canh, dẫn đến hậu quả xấu về môi trường. Ở vài nước phát triển, người ta coi ngành nông nghiệp là ngành “công nghiệp sơ khởi” bởi đây là ngành kinh tế khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên và tạo ra sản phẩm chế biến có hàm lượng công nghiệp, tri thức lớn và có giá trị cao.
Muốn đạt mục tiêu đó cần có môi trường thuận lợi, quan trọng nhất là hạ tầng giao thông, dịch vụ hậu cần, đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Doanh nghiệp nông nghiệp của miền Tây hầu hết quy mô nhỏ và yếu, trong khi đây là đối tượng rất quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế. Ðồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư để có các trung tâm, tiểu vùng công nghiệp và dịch vụ hậu cần nông nghiệp phát triển, đủ sức dẫn dắt kinh tế - xã hội nội vùng lẫn liên kết ngoại vùng. Ðược như vậy mới có thể phân bố lại lao động và dân cư nội vùng, thu hút doanh nghiệp, lao động và cư dân ngoài vùng đến miền tây như mấy chục năm trước đây.
Xin cảm ơn ông!
HÙNG LUÂN thực hiện
Bình luận