Tôi nghe nói khi bị đột quỵ nếu được đưa tới bệnh viện sớm dùng thuốc tan cục máu đông thì có thể khỏi hoàn toàn không bị di chứng, không bị tàn phế. Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về vấn đề này. Xin chân thành cảm ơn.
Trần Văn Đông - 56 tuổi - Tân Bình - TpHCM
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một phần của não bị tổn thương do căn nguyên mạch máu. Khi dòng máu không thể đi đến não, các tế bào não sẽ ở trong tình trạng thiếu máu và chết đi. Có hai loại đột quỵ chính là thiếu máu não và xuất huyết não. Thiếu máu não xảy ra khi mạch máu bị hẹp hoặc tắc, làm cho không đủ máu chuyên chở oxy và các chất dinh dưỡng cho não. Xuất huyết não xảy ra khi thành mạch máu bị vỡ đột ngột, gây chảy máu vào trong não.
Huyết khối (thrombus) là cục máu đông làm tắc nghẽn dòng chảy trong lòng mạch máu não và gây ra đột quỵ thiếu máu não. Huyết khối hình thành được là do fibrin. Trong quá trình ly giải cục huyết khối, plasmin là một chất có tác dụng tiêu hủy firbin tạo thành các sản phẩm thoái hóa có thể hòa tan được.
Chất hoạt hóa plasminogen mô tái tổ hợp rTPA (với tên gọi Alteplase) có tác dụng chọn lọc trên fibrin, chuyển plasminogen thành plasmin, làm tan cục huyết khối. Đây là thuốc duy nhất được Hoa Kỳ (cơ quan FDA)) chấp thuận sử dụng trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.
Hiệu quả của thuốc: thuốc rTPA (Alteplase) làm giảm tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ, nhưng muốn có tác dụng thì phải sử dụng trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ, dùng thuốc càng sớm thì khả năng thành công càng cao. Do vậy, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế có khả năng điều trị càng sớm càng tốt. Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy, điều trị sớm với thuốc tiêu sợi huyết trong 3 giờ đầu làm tăng thêm ít nhất 30% tỷ lệ không bị tàn phế hoặc chỉ tàn phế ở mức tối thiểu, trong đó 13% bệnh nhân đạt phục hồi chức năng hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn sau 3 tháng. Nói cách khác cứ 3 bệnh nhân được điều trị sẽ có thêm 1 bệnh nhân đạt kết quả tốt hơn so với không điều trị, và cứ 8 bệnh nhân sẽ có 1 bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường.
Tác dụng không mong muốn của thuốc là biến chứng xuất huyết.
Để phát huy hiệu quả của thuốc tiêu sợi huyết cũng như hạn chế tai biến xuất huyết, cần phải tuân thủ đúng chỉ định và loại trừ các chống chỉ định của thuốc này:
- Chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết:1/ tuổi #18; 2/Nhồi máu não cấp được xác định bằng dấu khiếm khuyết thần kinh khu trú; 3/Thời gian khởi phát đột quỵ đến khi dùng thuốc #180 phút;4/Không có hình ảnh xuất huyết não trên CT hoặc MRI
- Chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết:1/Bằng chứng xuất huyết nội sọ trên CT không tiêm thuốc; 2/Triệu chứng lâm sàng gợi ý xuất huyết dưới nhện mặc dù CT sọ não bình thường; 3/Hình ảnh CT sọ não có nhồi máu não lớn trên 1/3 bán cầu; 4/Tiền sử đột quỵ xuất huyết não; 5/Huyết áp không kiểm soát được (Huyết áp tâm thu >185mmHg, huyết áp tâm trương > 110mmHg); 6/Dị dạng động tĩnh mạch, túi phình, u não; 7/Có bằng chứng động kinh lúc khởi phát đột quỵ; 8/Có khuynh hướng chảy máu cấp (tiểu cầu <100.000/mm3, sử dụng heparin 48 giờ trước đó, đang sử dụng thuốc chống đông (Cumadin, Wafarin); 9/Trong vòng 3 tháng có: phẫu thuật sọ não hoặc cột sống, chấn thương đầu, đột quỵ; 10/ Chọc dò tủy sống hoặc động mạch tại vị trí không băng ép được trong vòng 7 ngày; 11/Phụ nữ có thai; 12/Bệnh nhân có khiếm khuyết thần kinh lớn (thang điểm NIHSS >22) hoặc triệu chứng nhẹ (thang điểm NIHSS < 4 và không nói khó hoặc cải thiện triệu chứng nhanh; 13/Tiền sử chấn thương lớn hoặc phẫu thuật lớn trong 14 ngày; 14/Tiền sử xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu trong vòng 21 ngày; 15/Nhồi máu cơ tim trong vòng 3 tháng; 16/Đường huyết < 50mg/dL hoặc >400mg/dL; 17/ Trên 80 tuổi.
Ths.Bs Trung Phan
Bình luận