Ẩm thực Việt có những nét đặc trưng ra sao khiến một nhà sử học như Tiến sĩ Nguyễn Nhã lập đề án để quảng bá?
Không chỉ được biết đến như một nhà sử học với những thao thức, nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, Tiến sĩ Nguyễn Nhã còn rất tâm huyết với văn hóa Việt Nam. Bên cạnh niềm say mê ca trù, ông còn dành nhiều thời gian cho lĩnh vực ẩm thực. Với mong muốn đem ẩm thực Việt ra thế giới, ông đã có gần 30 năm nghiên cứu văn hóa ẩm thực Việt Nam, từng kết hợp với các đơn vị tổ chức các hội nghị khoa học về bản sắc Việt Nam trong ăn uống và giới thiệu 170 món ăn truyền thống. Cùng với 8 chuyên gia ẩm thực, ông đã sáng lập Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, tiến hành tìm kiếm, sưu tầm các món ăn của ba miền Bắc Trung Nam. Viện Nghiên cứu do ông chủ trì từng lên ý tưởng, xây dựng lý luận ẩm thực Việt – bếp Việt qua các cuộc hội thảo, tọa đàm và ra mắt những cuốn sách về ẩm thực như “Bản sắc ẩm thực Việt Nam”, “Độc đáo ẩm thực Huế”, “Độc đáo ẩm thực Thăng Long - Hà Nội”, “Phở Việt”... Trong đó, khoảng hơn 300 món ăn truyền thống từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 đã được sưu tầm, lưu giữ.
Không gian rộng rãi của căn bếp ở Việt Nam |
Cũng trong chuỗi hành trình “đưa bếp Việt ra thế giới”, Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã biên soạn và sắp cho ra cuốn “Độc đáo ẩm thực Nam bộ”, “Ẩm thực Sài Gòn” – là những công trình tìm hiểu, nghiên cứu hữu ích nhằm giải mã tính phong phú, đa dạng của ẩm thực Việt Nam trên dặm dài đất nước... Ông mong muốn thế hệ trẻ là những sứ giả của ẩm thực Việt, giới thiệu cho người dân các nước trong khu vực và thế giới biết nhiều và rõ hơn giá trị của những món ăn truyền thống Việt Nam. Đó là những món ăn ngon, lành, đậm đà hương vị, có lợi cho sức khoẻ, tránh được những căn bệnh thời đại như tim mạch, béo phì, tiểu đường, gút... Qua đó, phát huy những mặt mạnh của một nền ẩm thực lấy tự nhiên làm gốc, nguyên vật liệu từ rau, củ, quả, cá... Với cách nấu luộc, hấp, tươi sống ít chiên xào, ít dầu mỡ và cách ăn luôn có nhiều rau, gia vị để gia giảm, cân bằng âm dương, lợi cho sức khỏe.
Phở Việt Nam là món ăn truyền thống đã được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới |
Ý tưởng quảng bá bếp Việt ra thế giới của ông đã có cách đây 20 năm. Nhằm cụ thể hóa ý tưởng này, vào ngày 23 Tết âm lịch, cùng với truyền thống của người Việt “đưa ông Táo về trời”, Tiến sĩ Nhã phối hợp với một số trường học, cơ quan, ngành du lịch tổ chức ngày bếp Việt. Theo ông, đây là dịp để cùng nghiên cứu, quảng bá tạo nên những món ăn đầy đủ các yếu tố ngon - lành - sạch - đẹp mà không đánh mất nét truyền thống của món ăn Việt.
Tất nhiên, trong hành trình “quảng bá bếp Việt”, cần sự chung tay góp sức của nhiều người, mà nói như Tiến sĩ Nhã thì “tôi chỉ là người nghiên cứu còn nơi có tính quyết định trong việc quảng bá phải là Nhà nước và doanh nghiệp”...
Đoan Trang
Bình luận