Nguyên tác: OSCAR WILDE
Bản dịch: HUỆ KHẢI
Tác giả
Oscar Wilde sinh ngày 16-10-1854 tại Đô Bá Lâm (Dublin: 都柏林), thủ đô nước Ái Nhĩ Lan (Ireland: 愛爾蘭). Ông tạ thế ngày 30-11-1900 tại Ba Lê (Paris: 巴黎), thủ đô nước Pháp. Ông là nhà thơ, nhà văn, soạn kịch, và người phát ngôn cho phong trào Mỹ Học ở nước Anh cuối thế kỷ 19 với chủ trươngnghệ thuật vị nghệ thuật(藝術為藝術─art for art’s sake).
Tác phẩm
Gã Khổng Lồ Ích Kỷ (The Selfish Giant) là truyện ngắn thứ tư trong năm truyện viết riêng cho trẻ em, in chung một hiệp tuyển với nhan đề Ông Hoàng Hạnh Phúc và Các Truyện Khác (The Happy Prince and Other Tales), xuất bản tháng 5-1888.
Từ xưa tới nay (thập niên 2010), ở nhiều nước khác nhau, truyện ngắn này được dịch ra nhiều ngôn ngữ, chuyển thể thành truyện tranh, sách nói (ghi âm vào dĩa, băng từ), bài hát, nhạc kịch, hòa tấu, múa ba-lê, phim hoạt hình, v.v… (xem thêm chi tiết ở phần “Adaptations” liên quan truyện ngắn này, tại https://en.wikipedia.org/wiki/The_Happy_Prince_and_Other_Tales).
Nhiều nơi dạy trẻ, sau khi kể chuyện cho các bé nghe, hay sau khi cho xem phim, giáo viên còn hướng dẫn các bé tìm hiểu cốt chuyện qua hình thức trắc nghiệm, với các câu hỏi đơn giản dựa vào nội dung toàn truyện ngắn.
Thí dụ: Về phần mở đầu câu chuyện, các bé được hỏi: Khu vườn bọn trẻ vào chơi là của ai?
Có bốn đáp án để trẻ lựa chọn: (a) Của gã khổng lồ; (b) Của bọn trẻ; (c) Của cha mẹ bọn trẻ; (d) Không biết.
Lược kể đôi điều như vậy để thấy truyện ngắn Gã Khổng Lồ Ích Kỷ của Oscar Wilde trải qua hơn một thế kỷ vẫn có sức cuốn hút xã hội vì giá trị đạo lý, nhân bản hàm chứa trong đó; đặc biệt là nhằm giáo dục trẻ em mà cũng không loại trừ người lớn.
Đúng vậy, gã khổng lồ thật ra là ai? Phải chăng là người lớn chúng ta trong mắt trẻ thơ? Thế thì chúng ta có đủ lòng yêu thương con trẻ không? Có còn nhớ lời Thầy Giê-su khuyên dạy: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mátthêu 19,14)
Oscar Wilde để đời câu nói bất hủ này:
Mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. ─ Every saint has a past and every sinner has a future.
Đem triết lý cao siêu này dạy cho trẻ em quả rất khó. Nhưng câu chuyện Gã Khổng Lồ Ích Kỷ có thể giúp giải quyết khó khăn ấy dễ dàng. Từ gã khổng lồ ích kỷ (quá khứ) đã trở thành người nhân ái, vị tha (hiện tại), để cuối cùng được thánh hóa, được Chúa Hài Đồng đưa về Thiên Đàng (tương lai). Vậy thì truyện ngắn Gã Khổng Lồ Ích Kỷ chính là câu chuyện về tình thương thánh hóa con người.
Suy ra, câu chuyện của Oscar Wilde chẳng khác chi một dụ ngôn (parable) về thương yêu; nó nhắc chúng ta nhớ lời Đức Cao Đài Thượng Đế khuyên dạy:
Sự thương yêu là chìa khóa mở tam thập lục thiên, cực lạc thế giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi. (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 27-10-1927)
Xin gởi quý bạn câu chuyện tuy xưa mà không hề cũ của Oscar Wilde, để chúng ta cùng ôn học Lời Chúa:
Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. … Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. (Gioan 15,12.17)
GÃ KHỔNG LỒ ÍCH KỶ
Mỗi chiều tan trường về bọn trẻ thường chơi trong vườn gã khổng lồ.
Vườn rộng, dễ thương, cỏ xanh mềm mại. Khắp vườn mọc những đóa hoa đẹp, trông như các vì sao. Có mười hai cây đào, hễ xuân sang lại nở rộ những đóa màu hồng thanh mảnh và đến thu về thì nặng trĩu quả mọng. Chim chóc đậu trên cây, giọng hót ngọt ngào đến nỗi các em thường ngưng chơi đùa lắng tai thưởng thức. Các em bảo nhau:
“Ở đây bọn mình vui quá hén!”
Một ngày kia gã khổng lồ trở về. Hắn thăm bạn phương xa và nán lại chơi bảy năm. Đến nhà, hắn bắt gặp các em đang nô đùa trong vườn.
“Chúng mày làm gì ở đây?”
Hắn gào lên, giọng cộc cằn và lũ trẻ chạy mất.
“Vườn của tao là của tao. Ai cũng hiểu vậy và trừ tao ra không ai được chơi ở đây.”
Thế là hắn xây tường cao bao kín vườn và dựng tấm bảng: AI XÂM PHẠM SẼ BỊ TRỪNG TRỊ.
Hắn là gã khổng lồ rất ích kỷ.
Bọn trẻ đáng thương giờ đây chẳng còn nơi nào chơi. Các em cố chơi trên đường, nhưng lại bụi bặm và nhiều đá cứng, chẳng thích thú gì. Tan học, các em thường rảo quanh tường cao và nói về khu vườn đẹp bên trong. Các em bảo nhau:
“Hồi trước bọn mình chơi trong đó vui quá!”
Rồi xuân sang, khắp xứ đâu đâu cũng có những bông hoa nho nhỏ và những chú chim be bé. Duy trong vườn gã khổng lồ ích kỷ vẫn còn mùa đông. Bởi không có bọn trẻ, chim chóc chẳng màng hót ca trong vườn và cây cối cũng quên trổ bông. Có lần, một đóa hoa xinh xinh nhô lên khỏi đám cỏ, nhưng nhìn thấy tấm bảng cấm, hoa tội nghiệp cho bọn trẻ đến nỗi thụt trở lại lòng đất và đi ngủ luôn.
Hai kẻ duy nhất vui mừng là tuyết lạnh và băng giá. Chúng reo hò:
“Xuân đã quên khu vườn này rồi. Tụi mình sẽ ở đây suốt năm.”
Mụ tuyết lấy tấm áo choàng trắng vĩ đại trùm kín mặt cỏ, còn băng giá thì phết lên cây cối một lớp bạc. Rồi chúng rủ gió bấc đến ở chung, và lão đến ngay. Suốt ngày lão gầm thét khắp vườn, thổi rớt những ống trụ gắn ở miệng ống khói. Lão thốt:
“Đây là chốn vui vẻ. Bọn ta phải mời mưa đá ghé chơi.”
Thế là mưa đá tới. Mỗi ngày y dội trên mái lâu đài ba tiếng đồng hồ cho đến khi đập vỡ gần hết các tấm ngói. Xong rồi y tận lực chạy ào ào nhiều vòng quanh vườn. Hơi thở của y lạnh buốt như nước đá.
Ngồi bên cửa sổ nhìn ra khu vườn trắng xóa, lạnh lẽo, gã khổng lồ ích kỷ than:
“Chẳng hiểu sao xuân tới muộn thế. Mình mong thời tiết sẽ thay đổi.”
Nhưng xuân không bao giờ tới. Hè cũng chẳng đời nào sang. Thu đem tặng mọi khu vườn khác những quả chín vàng nhưng lại chẳng cho vườn gã khổng lồ một thứ gì. Nàng thu bảo:
“Hắn ích kỷ lắm.”
Thế nên nơi ấy bao giờ cũng là mùa đông, và gió bấc, mưa đá, băng giá nhảy múa khắp khu vườn.
Một buổi sớm còn đang nằm nán trên giường thì gã khổng lồ nghe ra vài âm điệu tươi vui. Nó vang bên tai ngọt ngào đến nỗi hắn ngỡ rằng các nhạc công của đức vua đang đi qua.
Thực ra chỉ là một cánh chim hồng tước nhỏ nhắn đang hót bên ngoài cửa sổ phòng ngủ, nhưng vì đã lâu lắm rồi mới nghe được chim hót trong vườn nên âm thanh này đối với hắn dường như là nét nhạc hay nhất trần gian. Lúc ấy mưa đá đã ngưng nhảy múa trên đầu hắn, gió bấc cũng thôi gào thét, và một mùi hương dìu dịu theo cửa sổ mở lẻn đến bên hắn.
“Mình tin rằng cuối cùng xuân đã đến.”
Gã khổng lồ nhảy xuống giường và nhìn ra ngoài.
Hắn nhìn thấy gì?
Hắn bắt gặp một cảnh tượng rất tuyệt vời. Bọn trẻ đã chui qua một lỗ nhỏ ở bức tường và các em đang ngồi vắt vẻo trên những cành cây. Hắn có thể nhìn thấy một em bé ở mỗi thân cây.
Thấy các em trở lại, cây cối vui đến nỗi đã khoác lên lớp áo hoa và dịu dàng đu đưa cánh tay trên đầu các em. Chim chóc bay quanh và ríu rít reo vui, còn hoa thì ngẩng mặt lên khỏi lớp cỏ xanh và tươi cười.
Cảnh thật đáng yêu nhưng ở một góc vườn xa nhất vẫn còn nguyên mùa đông. Một chú bé xíu đứng đấy. Chú bé đến nỗi không vói tới cành cây và chú cứ đi loanh quanh dưới gốc, khóc tức tưởi.
Thân cây tội nghiệp vẫn còn phủ nguyên băng giá và tuyết lạnh, còn gió bấc cứ lồng lộng và gào thét trên tàn cây.
“Bé ơi, leo lên em.”
Cây nói thế và ráng hết sức hạ các cành xuống thật thấp; nhưng chú bé lại nhỏ quá.
Gã khổng lồ nao cả lòng khi nhìn ra vườn. Hắn nói:
“Bấy lâu mình ích kỷ quá! Giờ thì mình biết vì sao xuân chẳng chịu về đây. Mình sẽ bế chú nhỏ đáng thương kia đặt lên cành cây, và mình sẽ phá sập bức tường. Khu vườn của mình sẽ là sân chơi cho bọn trẻ mãi mãi.”
Thật lòng hối lỗi những gì trót làm, thế là hắn rón rén xuống cầu thang và mở cửa trước thật nhẹ nhàng, rồi đi ra vườn. Tuy nhiên, khi nhác thấy hắn, các em nhỏ khiếp hãi bỏ chạy hết, và khu vườn lại hóa ra mùa đông.
Chỉ có chú bé nọ là không chạy đi, vì hai mắt đẵm lệ đâu thấy được gã khổng lồ đang tới gần.
Hắn len lén ra phía sau lưng bé, nhẹ nhàng bế lên và đặt em ngồi trên cành. Cây lập tức nở rộ hoa, và chim chóc bay đến, đáp xuống, ca hót, còn chú bé thì giơ hai cánh tay ôm lấy cổ gã khổng lồ và hôn hắn. Các em khác đã chứng kiến hết, cùng chạy ùa vào vườn, mang theo cả mùa xuân trở lại.
“Các con, bây giờ vườn này là của các con.”
Ông khổng lồ nói vậy và xách chiếc búa to tướng ra đập cho bức tường đổ sập xuống. Hôm ấy, ai đi qua đó vào giờ trưa đều thấy ông khổng lồ vui đùa cùng đàn trẻ trong khu vườn đẹp nhất xưa nay họ chưa từng nhìn thấy.
Bọn trẻ chơi đùa suốt ngày. Xế chiều chúng tới gặp ông khổng lồ chào ra về. Ông hỏi:
“Bạn nhỏ các con đâu rồi? Chú bé ta bế lên cây đó.”
Ông thương chú ấy nhất vì chú đã hôn ông.
Bọn trẻ đáp:
“Chúng con không biết. Bạn ấy đi mất rồi.”
Ông khổng lồ căn dặn:
“Hãy bảo bạn ấy ngày mai nhất định phải tới đây nhé.”
Nhưng bọn trẻ đáp chúng chẳng biết chú nhỏ sống ở đâu, và trước kia chưa hề gặp chú. Ông khổng lồ thấy buồn quá.
Chiều chiều tan học, bọn trẻ tới chơi với ông khổng lồ. Nhưng chú bé ông yêu mến thì chẳng hề gặp lại. Ông khổng lồ rất tử tế với tất cả các trẻ, nhưng tha thiết trông ngóng người bạn nhỏ đầu tiên của mình và hay nhắc tới chú. Ông thường bảo:
“Sao mình lại khao khát gặp bé đến thế!”
Năm tháng trôi qua, ông khổng lồ trở nên già yếu hơn. Không còn chơi đùa với các em được nữa, lão ngồi trong chiếc ghế bành đồ sộ dõi mắt nhìn theo cuộc vui của các em và chiêm ngưỡng khu vườn của mình.
Lão cảm khái:
“Mình có nhiều hoa đẹp đấy, nhưng trẻ thơ mới là những đóa hoa đẹp nhất trên đời.”
Một sáng mùa đông, trong lúc mặc quần áo, lão nhìn qua cửa sổ. Bây giờ lão không ghét mùa đông nữa vì biết rằng chỉ vì nàng xuân đang ngủ và hoa cỏ đang nghỉ ngơi.
Bất chợt lão giụi mắt kinh ngạc, và nhìn chăm chăm. Chắc chắn là một cảnh tượng ngoạn mục. Ở góc xa nhất của khu vườn là một thân cây trổ đầy hoa trắng mỹ miều. Các cành cây đều bằng vàng, lủng lẳng những trái bằng bạc, và đứng bên dưới tàn cây ấy là chú bé lão yêu mến.
Lòng tràn trề hân hoan, lão khổng lồ vội vã xuống cầu thang và bước nhanh ra vườn. Lão hấp tấp băng qua bãi cỏ, tới gần chú bé. Và khi tới sát bên cạnh, mặt lão đỏ bừng lên vì phẫn nộ:
“Ai cả gan gây thương tích cho con thế này?”
Trên hai lòng bàn tay của trẻ là hai dấu đinh, và cũng có dấu đinh trên hai bàn chân nhỏ bé. Lão hét lên đau đớn:
“Ai cả gan gây thương tích cho con thế này? Hãy nói đi, để ta mang đại đao ra xử nó.”
Chú bé đáp:
“Không phải! Đây là những dấu tích của thương yêu.”
“Người là ai?”
Bỗng thấy lòng mình tràn ngập nỗi kính mộ pha trộn sợ hãi lạ kỳ, lão khổng lồ liền quỳ sụp xuống trước mặt chú bé.
Chú cười với lão và bảo:
“Trước đây con đã để cho Thầy vui chơi trong vườn nhà con. Hôm nay hãy theo Thầy tới vườn nhà Thầy. Nơi ấy là Thiên Đàng.
Chiều hôm đó khi chạy vào vườn, bọn trẻ thấy lão khổng lồ nằm bất động dưới gốc cây, thân hình phủ kín những đóa hoa trắng muốt.
Bình luận