Chúng tôi xác tín “bức tranh” Lòng Thương Xót Chúa được hình thành bởi hàng ngàn mảnh ghép, và mỗi mảnh là chân dung của những người cống hiến, sống cho đi và vị tha.
Ngày ngồi ghế giảng đường, tôi được đào tạo để trở thành anh thợ cầm mỏ-lết sửa xe ô tô thay vì một gã thư sinh sống bằng nghề cầm bút. Vì mê đi đây đi đó, thích khám phá, lại có chút ngông cuồng của tuổi trẻ, tôi bỏ tiếng gầm rú của động cơ để đến với nghề báo. Hơn nữa, lại là một tờ báo đạo.
Tôi có nhiều dịp tiếp xúc và gần gũi nhiều linh mục, chạm vào cuộc sống, công việc của những mục tử như lòng Chúa mong ước, và cảm nhận vô số cảnh đời khốn khó mà các ngài đang đỡ nâng. Tôi nhớ những đêm ngủ nhà xứ, gà chưa gáy sáng đã nghe tiếng cha nhỏ nhẹ đọc kinh và chuẩn bị dâng lễ. Tôi thì kéo cái mền qua đầu để nướng thêm một tẹo. Người đi tu có khác!
Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri ăn kem cùng trẻ em người dân tộc |
Cũng không ít lần, các cha chở tôi trên chiếc xe máy chạy băng đồng hoặc cheo leo sườn đồi núi thăm giáo họ này, ghé giáo điểm kia. Về đến nhà xứ, mở cà-men giáo dân mang đến, cơm nguội canh lạnh, cha thản nhiên: “Mình quen rồi, lúc nào đi dâng lễ ở họ lẻ hay thăm giáo dân về cũng ăn một mình. Ai thương cho gì ăn nấy. Năm nào có thầy giúp xứ thì vui hơn”. Rồi hai cha con cùng ăn miếng cá kho già lửa, húp thêm chén canh khổ qua đăng đắng... Tôi cố nuốt, còn cha say sưa kể chuyện con người, vùng đất và lòng đạo ở đây với ánh mắt đầy thao thức.
Cuộc sống mấy cha thì đơn giản vậy, nhưng giáo xứ lại không thiếu những hình ảnh tươi đẹp: cầu khỉ bị xóa sổ, đường trải bê tông, người nghèo không lo đói, thiếu nhi chẳng sợ không biết chữ, mấy cụ neo đơn được đỡ nâng, kể cả khi về với Chúa. Thương ông cha mặc áo chùng thâm, thương người Công giáo tình nghĩa nên anh chị em lương dân cứ đến nhà xứ xin được học đạo yêu thương để theo Chúa. Giáo xứ cứ đông lên, tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm sẻ chia.
Tôi nhận rõ hơn về đời mục tử : Đó là hành trình phục vụ, cúi xuống “rửa chân” cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ, thấp kém. Các ngài đã tách mình khỏi những phút thư thái hay thời gian đọc một quyển sách, để gặp người gõ cửa nhà xứ xin giúp đỡ, hoặc nửa đêm tung chăn ấm đi xức dầu cho một giáo dân, bất kể đường sá xa xôi. Chính sự chào đón, sẵn sàng lắng nghe, phục vụ những người tìm đến và “lấm mùi chiên” đã làm cho các ngài trở nên những mảnh ghép riêng biệt trong bức tranh về Tình Yêu Thiên Chúa.
Chính vì vậy, tôi ngày càng thích nhìn, và không ít lần xúc động trước những khay thức ăn nguội lạnh hay những vệt trắng loang lỗ bởi mồ hôi bám trên chiếc áo dòng của các tu sĩ, trên vai áo của nhiều giáo dân thiện nguyện quần quật lo cho đám trẻ tật nguyền và mấy cụ già nằm liệt một chỗ... Tôi cũng thích nghe tiếng nói nhỏ nhẹ ân cần của người phục vụ tìm cách xoa dịu tiếng khóc của những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi hoặc tiếng than vãn của mấy cụ già neo đơn bệnh tật... Âm thanh đó rất nhỏ nhưng có sức lay động những trái tim vốn mang nhiều tổn thương đang cần được ủi an, và như cơn gió thoảng thổi bùng ngọn lửa sắp tàn của những mảnh đời bất hạnh...
Hơn bảy năm sống bằng nghề báo và làm việc tại báo Công giáo và Dân tộc, vẫn loay hoay với cuộc sống cơm áo gạo tiền, nhưng tôi luôn có động lực để vác balô lên đường. Mỗi chuyến đi, tôi lại thêm cảm nghiệm khi tiếp cận và khắc họa những mục tử, tu sĩ hay giáo dân đang dấn bước nơi vùng biên để ghép bức tranh Lòng Thương Xót Chúa...
Đinh Mưa
Bình luận