Gia đình Việt trên đất Mỹ

Không muốn giữ cho riêng mình hay chỉ một số người liên hệ câu chuyện đầy cảm xúc này, tôi viết lại đây để chia sẻ cho những ai quan tâm đến gia đình, yêu mến gia đình và thiết tha với mục vụ gia đình trong lòng Giáo hội giữa thế giới hôm nay.

Dịp lễ tạ ơn kỷ niệm 65 năm hôn phối của ông bà Tước

Khi nói về đời sống gia đình, ngày nay người ta thường dễ rơi vào trạng thái bi quan khi quá lưu tâm đến những con số thống kê vô hồn. Chẳng hạn khi nói về nước Mỹ, báo chí công bố rằng số người sống độc thân đã vượt qua số người có gia đình, như một bước ngoặt lịch sử đang diễn ra ngay trong thời đại của chúng ta. Hôn nhân gia đình đang được đặt lên bàn cân và bị hạ thấp trọng lượng hơn bao giờ hết. Người ta xem gia đình là vấn đề không còn quan trọng trong việc định hình giá trị cuộc sống của con người. Tuổi kết hôn mỗi ngày một muộn màng hơn và con số các người trẻ sống thử trước hôn nhân gia tăng cả số lượng lẫn thời lượng. Làm cha làm mẹ đơn thân nay trở thành sự chọn lựa của nhiều người thích sống tự do và không mấy quan tâm đến gia đình truyền thống. Mỹ cũng là nước có tỷ lệ ly hôn cao nhất nhì thế giới. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, lối sống trên đã làm lung lay nền tảng và niềm tin của nhiều bạn trẻ về giá trị của hôn nhân, gieo rắc tâm trạng hoài nghi bi quan trong việc xây dựng gia đình, và gây tác động tiêu cực không nhỏ đến mục vụ hôn nhân gia đình của Giáo hội. Nhưng...

Câu chuyện về một gia đình Việt trên đất Mỹ tôi muốn kể cho mọi người nghe hôm nay thì khác. Ngày 24.11.2022 vừa qua, trong lúc người Mỹ long trọng tổ chức lễ tạ ơn “Thanksgiving”, thì tại giáo xứ Đức Maria Nữ vương Việt Nam, do cha Đaminh Nguyễn Văn Nghiêm coi sóc, thuộc Tổng giáo phận New Orleans, bang Louisiana, miền Đông Nam Hoa Kỳ, một thánh lễ tạ ơn khác cũng đã diễn ra, đó là thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 65 năm thành hôn của ông bà Giuse Nguyễn Văn Tước và Maria Nguyễn Thị Mai, là giáo dân trong giáo xứ. Cũng như bao nhiêu gia đình di cư khác, cuộc sống nơi quê hương mới cũng đong đầy những gian nan thử thách, mất mát nhiều thứ, nhưng gia đình may mắn này không ai phải mất mạng, và nhất là truyền thống và tình yêu hôn nhân gia đình Việt Nam luôn được trân trọng gìn giữ.

Hoa trái tình yêu của ông bà Tước và Mai thật phong phú dồi dào. Sinh được 11 người con, mất 2 khi còn bé tại Việt Nam, còn 4 trai 5 gái sang định cư tại Mỹ, tất cả đều yên bề gia thất, thuận vợ thuận chổng, chăm chỉ làm ăn, sống quây quần với nhau và sinh hoạt đạo đức đều đặn trong giáo xứ. Thánh lễ tạ ơn 65 năm hôn ước của ông bà, ngoài hậu duệ 3, 4 đời không thiếu một ai, còn có thân hữu từ nhiều nơi về hiệp mừng, cùng đông đảo bà con giáo dân. Đây quả là điều đặc biệt kỳ diệu và có thể nói là “không tưởng” trong hoàn cảnh đầy khó khăn thách đố trong đời sống gia đình của xã hội và Giáo hội Tây phương. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Và để có thể nói tiếp về gia đình có một không hai này, chắc tôi phải xin phép họ trước bằng cách nào đây, vì không muốn công khai đụng chạm đến chuyện riêng tư của gia đình.

Ông bà Giuse Nguyễn Văn Tước và Maria Nguyễn Thị Mai

Trước hết là câu chuyện về “cặp thông gia” điển hình hiếm có của ông bà Tước. Khi con trai cả của ông bà là anh Thông nên duyên vợ chồng với chị Yến, ông bà Tước kết nghĩa thông gia với ông bà Hòa. Ông bà Hòa có 6 người con, 2 trai và 4 gái, hôn nhân cũng rất đề huề và cuộc sống gia đình đạo đức mẫu mực, chăm chỉ chịu khó làm ăn, con cháu chăm ngoan và thành đạt. Ông Hòa qua đời cách nay đã 27 năm, bà nguyện không tái giá để có thể chăm sóc các con nên người, đồng hành với các con cả trong công ăn việc làm. Bà khéo léo biến ngôi nhà của mình thành ngôi nhà Tổ thực sự kiểu Việt Nam trên đất Mỹ, khi con cái thường xuyên lui tới thăm mẹ và gặp gỡ nhau, năng tổ chức những buổi họp mặt gia đình rất thân thương ấm áp. Riêng vợ chồng anh chị Thông - Yến, ngày 2 bữa, trước và sau khi đi làm, cũng đều về đây ăn cơm mẹ nấu. Một thân một mình, bà Hòa vẫn lo lắng cho con cháu rất tận tình chu đáo, biết ý từng đứa con lẫn dâu rể. Vì thế, con cái luôn nghe lời bà. Vợ chồng Thông - Yến quản lý tiệm cánh gà Manchu, rời nhà lúc 9g30 sáng và trở về không bao giờ trước 1g sáng hôm sau. Mẹ Hòa vẫn chong đèn đợi con và chuẩn bị sẵn mâm cơm nóng sốt. Một cửa tiệm mang tên Manchu khác, vốn là của bà, để lại cho cô con gái tên Thư làm kế sinh nhai nuôi nấng chăm sóc các con và người chồng đau yếu. Câu chuyện bệnh hoạn của chàng rể tên Cường này cũng đóng góp thêm một điểm son cho gia đình, khi cả nhà đã tập trung chăm sóc chữa chạy thành công cho anh bằng mọi giá, lúc mà ai ai cũng đinh ninh rằng anh không thể nào qua khỏi.

Bà Tước và bà Hòa gần nhà nhau nên qua lại thường xuyên và thân thiết với nhau như chị em bạn bè. Chợ búa, cơm nước, việc gia đình luôn chia sẻ cho nhau. Trong dịp lễ tạ ơn kỷ niệm 65 năm thành hôn của bà Tước, bà Hòa cũng tất bật chăm lo đủ chuyện như việc nhà mình. Tình thông gia không chỉ là kính trọng, mà còn rất thân thiết thật đáng ngưỡng mộ, khác với những gì chúng ta thường nghe nói về mối tương quan thông gia khó ăn khó ở thuở xưa tại quê nhà.

Câu chuyện thứ hai tôi muốn trân trọng chia sẻ là lòng yêu mến Giáo hội của gia đình. Sự nhạy cảm và lòng quảng đại của họ dường như đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng như những tiệm cánh gà Manchu mà họ là chủ tại thành phố New Orleans cổ kính, đặc biệt là vợ chồng Thông - Yến. Từ bao năm qua, gia đình này đã dành một phần kết quả lao động vất vả của họ để đóng góp ngân sách cho giáo xứ Nữ Vương Việt Nam, cho các giáo xứ lân cận, cho cả Tòa Tổng Giám mục New Orleans nữa. Họ còn vươn dài cánh tay đến tận quê nhà Việt Nam, khi nhiều giáo phận, dòng tu, nhiều giáo xứ tại Việt Nam đã là những địa chỉ gởi gắm tình thương và lòng quảng đại của họ. Nếu ai đã có dịp đến New Orleans và viếng thăm tiệm cánh gà Manchu của anh chị Thông - Yến, sẽ rất ngỡ ngàng và cả kinh ngạc, sẽ cảm nhận sâu sắc về những hy sinh không sao hình dung nổi của hai vợ chồng. Đứng trường trải mỗi ngày 14 tiếng đồng hồ, liên chân liền tay bên những chảo dầu sôi chiên cánh gà nóng hồi, những chảo cơm chiên, những mâm khoai rán... Họ cùng đứng bếp hoặc bán hàng với những nhân viên giúp việc, làm lụng liên tục không ngơi nghỉ, thậm chí còn không có giờ ăn uống... Chân anh đau, vai chị lệch, nhưng không bỏ việc ngày nào. Đêm qua ngày, đi về và làm việc nghỉ ngơi Thông - Yến luôn sát cánh bên nhau.

Tôi còn đọc được thông tin này trong một tạp chí của New Orléans khi dịch bệnh Covid-19 mới bắt đầu hoành hành tại thành phố đó vào năm 2020. Tiệm cánh gà Manchu đương nhiên phải đóng cửa. Trong khi mọi người sợ hãi lo lắng thu mình trong nhà, vợ chồng Thông - Yến và anh chị em mình đã mua gom bao nhiêu khẩu trang có thể, rồi tự lái xe đem đi phân phát cho các bệnh viện trong thành phố 400 ngàn dân mà phần lớn là người da màu. Nghĩa cử của họ đã được mọi người nhìn nhận và nể phục. Và có thể đó cũng là lý do mà mỗi ngày, hàng dài những anh chị em da màu nối đuôi nhau đến gặp Thông - Yến tại tiệm Manchu, không phải chỉ để mua món cánh gà khoái khẩu, mà còn với mong muốn có dịp tiếp xúc với đôi vợ chồng dễ thương chịu khó và sống có tình có nghĩa. Nắng mưa ngày đêm bất kể, quán của họ không bao giờ vắng khách xếp hàng dài đợi chờ đến phiên mình.

Có lẽ tôi không lạc đề khi đi từ chuyện gia đình sang lãnh vực hảo tâm và từ thiện của một gia đình. Gia đình là mái trường đầu tiên dạy con người biết yêu thương. Một khi gia đình đầy ắp yêu thương, họ cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tình yêu của gia đình mình và làm lan tỏa tình yêu đến với mọi người và những nhu cầu chung quanh mình.

Tạ ơn Chúa và hiệp mừng hạnh phúc của một đại gia đình xa xứ. Cầu mong mỗi gia đình chúng ta đều có niềm tự hào của riêng mình. Cần bắt đầu ngay hôm nay, không chậm trễ.

Ngọc Châu

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Những mùa hồng trong ký ức
Những mùa hồng trong ký ức
Cả nhà tôi đều thích trái hồng. Loại quả đến từ xứ lạnh, mềm mại, dẻo ngọt ấy có sức quyến rũ lạ lùng trong gia đình tôi.
Gánh nặng của kẻ tiên phong
Gánh nặng của kẻ tiên phong
Đã 5 năm kể từ đại dịch Covid-19, nhân loại đang từng bước khắc phục tổn thất, trở lại nhịp sống bình thường. Hoạn nạn qua đi, nhiều người bắt đầu oán trách những sai lầm trong cách phòng chống dịch bệnh.
Hãy nói chuyện với con nhiều hơn!
Hãy nói chuyện với con nhiều hơn!
Ông bà ta bảo, cứ có con là tự khắc biết làm cha làm mẹ, chẳng cần phải học. Vậy nên cũng không thấy có trường lớp nào dạy làm cha mẹ cả. Nhưng với tôi, “nghề” làm cha mẹ chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là...
Những mùa hồng trong ký ức
Những mùa hồng trong ký ức
Cả nhà tôi đều thích trái hồng. Loại quả đến từ xứ lạnh, mềm mại, dẻo ngọt ấy có sức quyến rũ lạ lùng trong gia đình tôi.
Gánh nặng của kẻ tiên phong
Gánh nặng của kẻ tiên phong
Đã 5 năm kể từ đại dịch Covid-19, nhân loại đang từng bước khắc phục tổn thất, trở lại nhịp sống bình thường. Hoạn nạn qua đi, nhiều người bắt đầu oán trách những sai lầm trong cách phòng chống dịch bệnh.
Hãy nói chuyện với con nhiều hơn!
Hãy nói chuyện với con nhiều hơn!
Ông bà ta bảo, cứ có con là tự khắc biết làm cha làm mẹ, chẳng cần phải học. Vậy nên cũng không thấy có trường lớp nào dạy làm cha mẹ cả. Nhưng với tôi, “nghề” làm cha mẹ chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt là...
Lãng quên - cái chết thật sự của người đã khuất
Lãng quên - cái chết thật sự của người đã khuất
Có nhiều quan niệm có cái chết. Cái chết thứ nhất mang tính chất thể lý khi các cơ quan không còn khả năng hoạt động và mọi cơ chế tuần hoàn của cơ thể dừng lại.
Mưa lũ kinh hoàng ở Tây Ban Nha
Mưa lũ kinh hoàng ở Tây Ban Nha
Số người chết ở Tây Ban Nha do mưa lớn dẫn đến lũ quét vào tuần trước đã tăng lên ít nhất 217 người, chưa kể hàng trăm người mất tích, mà theo giới khoa học, nguyên nhân của đợt lũ lụt này có liên quan đến biến đổi khí...
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3   
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3  
Liên hoan “Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3” lần 4 năm 2024 đã diễn ra trong hai đêm 30 và 31.10.2024 tại Trung tâm Văn hóa Quận 3, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành...
Món ngon khi nhà chẳng còn gì
Món ngon khi nhà chẳng còn gì
Ông bà mình từng nói, món ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Món ngon trong lúc thiếu thốn, lo âu càng ngon hơn gấp bội. Như thời điểm này cách đây hơn 3 năm trước là đợt Sài Gòn giãn cách gắt gao để phòng dịch Covid-19.
Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...