Ở thị trấn quê mình, tôi có việc thường xuyên phải đi xe buýt, hằng ngày vẫn quen mắt với hình ảnh đồng phục học sinh luôn chiếm hơn một nửa hành khách. Hôm rồi bắt gặp một nữ sinh lớp 10 lên xe vào giờ trái khoáy và không vận đồng phục, thấy hơi lạ nên tôi bắt chuyện, chỉ sau 10 phút đã biết được “lịch trình” của em: một ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 8 giờ tối cho mỗi việc học. Đến trường học chính khóa xong, chiều bắt xe đến nhà thầy gần trường học thêm, cả tuần cứ đều đặn như thế. Em cũng cho biết, tối về lại là thời gian học bài và làm bài tập. Tôi nghĩ thầm “Hèn gì mà em gầy thế, như công nhân tăng ca!”.
![]() |
Ở một thị trấn vùng quê mà chuyện học hành cũng áp lực như thế. Học sinh nghèo khó dành trọn thời gian cho việc học, không giúp gì được cho chuyện sinh nhai ở nhà. Chuyện bỏ học có một phần nguyên nhân từ đó chăng? “Không học thêm có nắm được bài không?”, câu hỏi của tôi được cô nữ sinh lắc đầu. Và thêm một cái lắc e dè khi tôi đề cập đến chuyện liệu em có bị áp lực gì khi không đi học thêm, rồi có bạn nào không học thêm mà học lực vẫn tốt chăng? Theo em, trường hợp đó rất ít... Vậy thì ở vùng quê xa này, chuyện dạy thêm học thêm cũng có thua kém gì so với các thành phố lớn đâu!
Hằng ngày, tập thể dục với một ông giáo về hưu, tôi được “bổ túc” về chuyện dạy thêm học thêm từ cái nhìn của người trong cuộc. Từng là Hiệu trưởng một trường THPT, thầy cho biết đã nỗ lực “cản phá” làn sóng dạy thêm học thêm song bất lực, đến giờ vẫn còn day dứt vì nghĩ mình đã làm không tròn trách vụ. Ông giáo già ngậm ngùi, tôi cũng không khỏi sốc khi được nghe ông “giải mật” chiêu thức mà một số “kỹ sư tâm hồn” sử dụng để... tăng năng suất dạy học. Theo thầy, những gì mà chính quyền nói chung và ngành giáo dục nói riêng nỗ lực nắn chỉnh, kiềm chế, kiểm soát chuyện dạy thêm học thêm là không tương xứng với tình hình. Ví dụ cấm giáo viên gây áp lực bằng mọi cách tác động bất kỳ để buộc học sinh học thêm, nhưng thực tế, giáo viên lại ra đề theo cách nào đó khiến học sinh dù là giỏi môn ấy mà không học thêm cũng bó tay, không làm tốt bài tập được. Thế là tất yếu học trò “tự nguyện” kéo đến nhà thầy học thêm để tránh bi kịch! Thầy cựu Hiệu trưởng nói một câu nhấn nhá khiến tôi mủi lòng: “Đừng nói Toán – Lý – Hóa, ngay môn “Giáo dục công dân” mà làm cách ấy cũng dạy thêm được, có cung có cầu! Như thế, cơ quan có trách nhiệm làm cách nào để chứng minh giáo viên bộ môn lôi kéo, tác động, gây áp lực nhằm kiếm tiền từ dạy thêm, mà không phải `xuất phát từ nhu cầu?”. Vâng, chuyện này có thể “cảm nhận” chứ không chứng minh được.
Tôi hiểu hơn cái lắc đầu nhè nhẹ của cô học trò lớp 10 trước câu hỏi “có bị gây áp lực để học thêm hay không...”. Phải chăng chuyện ấy “tế nhị” nên em thật khó trả lời? Bỗng thấy thương sao các học trò nghèo và phụ huynh, đã mệt xỉu với các chi phí phải có cho việc học, còn phải gánh tiếp khoản phí đáng kể để học thêm các môn mà đáng ra các em cố gắng học, học tốt, thì không cần!
Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.