Thứ Sáu, 24 Tháng Sáu, 2016 10:39

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta rất cần một mối quan hệ tốt với những người sống kế cạnh nhà, như ông bà ta xưa từng nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”…

1.Trong cuộc thi “Chung Sức” trên truyền hình cách đây không lâu có câu hỏi “Khi mua một căn nhà mới điều quan tâm nhất của bạn là gì ?”. Và câu trả lời được nhiều người đồng tình nhất là “Những người sống chung quanh”. Vâng, nếu hàng xóm là người “không biết điều” thì thật là… bi kịch.

Ông Trần Thái Nguyên (ngụ Q.5, TPHCM) cho biết, mình đã bán nhà ngay lập tức sau khi dọn về chỉ vài tháng bởi cứ nghe đứa con nhà hàng xóm đòi “đào mồ cuốc mả” gia đình mình lên khi gây lộn với con ông. Ông không muốn cho con mình chửi lại và lẳng lặng dời nhà. “Con nít mà nó dám nặng lời như thế thì chắc ba mẹ chẳng vừa gì. Thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, dọn đi nơi khác cho nó lành”, ông nói. Bà Trần Thị Phúc (Q. 3, TPHCM) lại than thở cứ chiều xuống là nhà hàng xóm mở karaoke ầm ĩ. Phải chi hát hay không nói gì, đằng này họ rống lên nghe nhức óc. Nhà chị Trần Thị Phương (Q.Tân Bình, TPHCM) thì hay bị người hàng xóm phàn nàn là gây tiếng ồn do chị làm nghề may, tiếng máy phát ra mỗi khi làm việc.

     Người ta nói “chén trong chạn còn khua”, huống chi cuộc sống tập thể trong một cộng đồng nhỏ. Nhiều lúc sự gây gỗ từ những va chạm rất nhỏ như con chó nhà ông B cứ sang nhà ông C phóng uế. Hoặc con mèo của cô D cứ sang ăn vụng nhà cô E… Gây gỗ nhau nhiều lúc đến không thèm nhìn mặt nhau là điều khó có thể tránh khỏi giữa hai người “dưng” với nhau sống chung một con hẻm hay một con đường.

2. Quen với chị Ngọc Hạnh (Q.1, TPHCM), tôi được nghe một câu chuyện khá thú vị: Một buổi trưa mưa tầm tã, chị nghe tiếng gọi cửa trước. Tiếp theo là cửa sau đập rầm rầm. Mở cửa ra thì một cậu hàng xóm nói xối xả vào mặt: “Dì qua xem nhà con nè, dì sửa nhà, có tay thợ nào đó bỏ một bao rác ngay máng xối nhà con làm nước mưa tràn xuống hư cái laptop. Dì đừng nói hổng biết nha…”. Và cậu ta bắt chị đền nửa phần tiền sửa màn hình laptop. Chị nghĩ thôi thì đồng tiền làm sao mua được tình cảm xóm giềng nên đã chấp nhận đền bù số tiền như cậu hàng xóm yêu cầu, nhưng chị cũng trách sao cậu lại nói xa xả vào mặt mình như thế. Cậu hàng xóm xin lỗi vì hôm đó thấy máy hư nên nóng ruột. Và hai nhà lại vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Cũng câu chuyện tương tự, ông Nguyễn Văn Bé (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) kể, nhà kế bên sửa xe gắn máy nên cứ gây ồn ào suốt. Ông cứ ra vào thở dài và một ngày sang nói “phải trái” cùng người hàng xóm. Ông nghĩ sẽ có một cuộc cãi vã tay đôi chứ không chơi. Chẳng ngờ, anh hàng xóm cỡ tuổi ông xuống nước: “Anh thông cảm, tôi có hai thằng con đang tuổi ăn tuổi lớn, mà cái nghề của tôi là sửa xe. Nếu anh yêu cầu tôi dẹp nghề là coi như đập vỡ nồi cơm của gia đình tôi. Thôi thì tôi sẽ cố thử xe vào sáng hoặc chiều. Những giờ nghỉ trưa tôi sẽ không làm phiền…”. Nhìn căn nhà nhỏ với hai đứa con đang ngồi học bài, người mẹ đang lặt rau ngước nhìn ông tươi cười chào, xin ông bỏ qua cho những lúc làm phiền. Sự bực tức nguôi hẳn trong ông, thay vào đó là nỗi cảm thông cho một công việc lương thiện đầy nhọc nhằn.

Trong câu chuyện ngụ ngôn “Tiếng dội”, đứa bé đứng trước rừng hét lên những tiếng chửi rủa, tự dưng cậu ta cũng nhận những tiếng tương tự. Người cha nghe con kể có một kẻ cứ chửi lại cậu bèn khuyên con hãy chào người trong rừng bằng những câu êm tai nhất. Ngày hôm sau, cậu đến trước rừng và la lên: “Xin chào”. Ngay tức khắc, cậu nghe tiếng “Xin chào” vọng  trở lại.  Câu chuyện cho thấy nếu một trong hai người “biết điều” chắc chắn đối phương không có lý do gì mà bộc phát cơn giận.

3.Giáo lý Công giáo cũng là yếu tố khiến con người dễ cảm thông hơn. Ông  Nguyễn Văn Bé kể trên là một người Công giáo. Khi người hàng xóm mở lời xin được cảm thông, lại thấy hoàn cảnh của họ, ông đã nguôi giận. Hơn nữa, khi về nhà, nghĩ đến Lời Chúa chất chứa yêu thương, ông mỉm cười cho qua hết mọi chuyện.

Bà Nguyễn Thị Ngà (Q.3, TPHCM) thừa nhận điều này. Bà cho hay, tại xóm giáo của mình, ngay cả khi đã có một mối rạn nứt đến “không nhìn mặt nhau”, song tháng Mân Côi hay Tháng Hoa, trong khu xóm có đọc kinh rước Đức Mẹ, ông A đến nhà ông B đọc kinh. Ông B chợt nhớ đến chuyện vì con chó mà hai nhà giận nhau, nhưng thấy người hàng xóm vẫn qua nhà mình đọc kinh, tự dưng ông B lên tiếng xin lỗi hoặc bắt chuyện trước làm hòa với ông A. Cũng vậy, chị D và chị E trước cũng có chuyện không vui với nhau, nhưng một lần trong lúc đi đọc kinh chung, khi ra về, chị E cứ cúi tìm dép và chị D trông thấy bỗng nói: “Dép nè chị E”. Thế là hai người nhìn nhau cười. Ngoài trời mưa, chị E nhớ mình có mang dù và sẵn sàng cho chị D che chung bởi cả hai cùng đường về.

      Mọi bất hòa nhờ kinh tháng Mân Côi và Tháng Hoa bỗng trở nên dịu đi và mọi người lại “hiệp thông” cùng những lời nguyện cầu, câu kinh trong niềm tin chung. Họ nghĩ rằng, khi vượt qua rào cản bằng cái gọi là tha thứ hay từ bi bác ái thì họ đã một bước đến gần hơn với đấng thiêng liêng mà mình tôn thờ.

***

Với tình cảm xóm giềng, mỗi người hãy ý thức nhường nhịn và giữ hòa khí để cuộc sống của gia đình mình trong khu xóm luôn được êm đẹp. Bởi trong đời thường, không thiếu những lúc chúng ta nhờ cậy đến người hàng xóm: khi cần cây búa, mượn cái thang, xin để nhờ cái kệ, cái tủ lúc sửa nhà. Khi có người đau ốm mà gia đình neo đơn, hàng xóm lại là chỗ tự nguyện trông nhà hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện giùm. Đôi khi có việc ma chay, giỗ chạp, những nhà kế bên (nhất là ở quê) cũng sang phụ giúp một tay… Người ta nói “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” là vậy.

NGUYỄN NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm