Đây là một chứng bệnh phổi có tắc nghẽn đường thở kéo dài, thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, xếp hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong. Dự báo đến năm 2020, bệnh sẽ đứng hàng thứ 5 trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Ai cũng có thể mắc bệnh COPD, tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh tăng lên nhiều lần ở những người có các yếu tố sau:
- Thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin
- Hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp. Trong đó thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân nghiêm trọng nhất, gây bệnh COPD ở hơn 90% các trường hợp.
Bệnh do tiếp xúc bụi nghề nghiệp gặp ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân làm việc tại các xưởng đúc, xưởng luyện kim, công nhân xây dựng, thợ dệt, nông dân... là những người phơi nhiễm thường xuyên với các yếu tố kích thích phế quản, họ có nguy cơ cao bị mắc COPD. Bệnh liên quan đến yếu tố nghề nghiệp tiến triển nhanh và nặng hơn so với bệnh do khói thuốc lá, thuốc lào.
Những dấu hiệu của bệnh COPD
Ho húng hắng hoặc thành cơn, khạc đàm kéo dài về buổi sáng, hoặc những người có thường có biểu hiện mệt nhanh khi đi bộ hay làm việc cùng người khác. Dấu hiệu khó thở thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Người có bệnh COPD thường có lồng ngực căng tròn, hình thùng.
Những bệnh nhân đã có suy hô hấp, thông thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, người bệnh ít đi lại, chủ yếu sống trong nhà, giao tiếp xã hội bị hạn chế, chất lượng công việc, tình cảm của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Về lâu dài, bệnh nhân thường xuyên có cảm giác cô đơn, cảm giác mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, do vậy có thể gây trầm cảm... Khoảng 60% các bệnh nhân có chỉ định thở oxy dài hạn, những trường hợp này thường cần nằm tại chỗ từ 16-18 giờ/ngày, càng làm gia tăng tình trạng trầm cảm.
COPD tiến triển nhanh hay chậm ?
Bệnh COPD tiến triển từ từ và thầm lặng, nhiều bệnh nhân không biết mình đang bị bệnh cho đến khi xuất hiện khó thở, họ mới đi khám, khi đó bệnh đã ở giai đoạn nặng. Bệnh thường tiến triển nặng lên rất nhanh mỗi khi có đợt cấp do bội nhiễm hoặc tiếp tục tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Nhìn chung, những bệnh nhân COPD không dừng hút thuốc, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối nhanh chóng, ở giai đoạn này, người bệnh thường có biểu hiện phù chân, khó thở thường xuyên. Bên cạnh đó, bệnh nhân hay xuất hiện những đợt cấp có khó thở nặng hoặc nguy kịch, đến mức có thể gây tử vong.
Có thể chữa khỏi bệnh COPD được không ?
Trước hết cần khẳng định: COPD là bệnh có thể dự phòng và điều trị được, tuy nhiên, cần lưu ý, bệnh không chữa khỏi hoàn toàn được, khi đã phát hiện sẽ tiếp tục tiến triển nặng dần. Điều trị bệnh bằng cách dùng thuốc đúng và đầy đủ sẽ giúp làm chậm lại tốc độ tiến triển của bệnh, bên cạnh đó, tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố nguy cơ đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào. Bệnh nhân và người nhà cần lưu ý, không chỉ ngừng hút thuốc, mà cần tránh cả hít phải khói thuốc do người khác hút rồi thải ra (hút thuốc thụ động). Khi tránh được các yếu tố nguy cơ, niêm mạc đường thở của bệnh nhân không bị kích thích thường xuyên, tình trạng viêm niêm mạc đường thở do vậy được giảm đi, bệnh nhân sẽ ít khạc đờm hơn, ít ho hơn và bớt khó thở hơn.
BS. HUỲNH THỊ THÙY TRANG
(Bệnh viện Nhân Dân Gia Định)
Bình luận