LIÊN GIANG
Có bạn bè để chuyện trò, chia sẻ nhiều thứ trong cuộc sống là nhu cầu của tất cả mọi người. Với tuổi mới lớn, nhu cầu này lại càng không thể thiếu, song nhiều bậc phụ huynh cũng không khỏi lo lắng về những mối quan hệ bạn bè của con mình.
“Khi con tôi đến tuổi dậy thì, có nhu cầu bạn bè nhiều, tôi lo lắm. Mỗi lần con đi chơi, tôi đều hỏi xem nó đi với ai và cũng hay dành thời gian để nghe con kể về các bạn của nó, chỉ sợ con bị bạn bè xấu rủ rê rồi hư lúc nào không hay...”, đó là tâm sự của chị Ngọc Linh (ngụ quận Phú Nhuận - TP.HCM), cũng là nỗi niềm của không ít các bậc phụ huynh có con em ở tuổi mới lớn. Có người bảo Linh là người lo xa, chị cho rằng không lo sao được khi từng chứng kiến nỗi khổ tâm của chị Nga hàng xóm. Con trai chị ấy đang học lớp 9 thì bị dính vào ma túy, tự ý bỏ học đi lêu lổng đến hai tháng rồi gia đình mới phát hiện. “Lúc đó, chị Nga chỉ biết thở dài. Con chị vốn ngoan lắm, cũng chỉ vì mấy đứa bạn xấu tác động mới ra nông nỗi ấy. Vợ chồng Nga bận rộn buôn bán cả ngày nên chẳng có thời gian để ý con nhiều. Trong suốt hai tháng ấy, ngày nào ba mẹ cũng thấy con cắp cặp đi, nào biết thằng bé đã bỏ học, cắp sách đi lang thang”, chị Linh trầm giọng.
![]() |
Anh Trường Phi, vốn là giáo viên một trường phổ thông ở thành phố nhưng cũng rất khắt khe với con cái trong chuyện bạn bè. Người cha trung niên này chỉ thích con mình tập trung vào việc học, những lúc rảnh rỗi thì ở nhà đọc sách và nghỉ ngơi. Bạn bè cùng lớp với con gái anh, nhất là các bạn trai, rất ít khi dám đến nhà rủ cô bé đi chơi vì sợ bố cô. Thúy Lan, con gái anh Phi kể: “Bố cháu khó tính lắm. Một lần, có cậu bạn cùng lớp đến nhà chơi, gặp lúc cháu đang lúi húi dưới bếp, bố nói ngay ‘Lan đi vắng rồi!’...”. Theo Lan, hễ cứ thấy bạn trai đến tìm mình, chả cần biết người ấy là ai, bố đã “chặn” ngay từ đầu. Dường như lúc nào bố cũng nghĩ con gái cứ chơi với con trai là thể nào cũng có chuyện yêu đương nhăng nhít. Còn anh Phi thì chỉ sợ con mình ở tuổi này chưa chín chắn, dễ bị bạn trai lôi kéo, dụ dỗ, quan hệ không trong sáng dẫn đến hậu quả tai hại.
Thời buổi công nghệ với mạng xã hội phát triển, những bậc cha mẹ rành vi tính thường rất để ý đến các mối quan hệ bạn bè của con trên facebook. Có người “kết bạn” với con trên “phây” cũng để theo dõi xem con chơi với ai, đi đâu với bạn nào. Chị Vũ Hằng (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, con và các cháu trong nhà chị đang ở lứa tuổi choai choai, í ới tụ tập nhau trên facebook tán gẫu với bạn bè, rủ nhau đi chơi, song khi chị thêm chúng vào “danh sách bạn bè”, biết rõ đó là mẹ, là dì, đám trẻ ngại ngần không “kết”: “Bình thường, tôi hay theo dõi sát sao những mối quan hệ của chúng và đôi khi cũng răn đe chuyện sắp nhỏ lười học, ham chơi nên chắc chúng thấy không thoải mái khi ‘kết bạn’ trên mạng với mình”.
![]() |
Cũng có những phụ huynh lo thì lo, song chỉ âm thầm dõi theo và luôn khích lệ con trẻ trân trọng tình bạn, giữ gìn những mối quan hệ tốt đẹp. Như anh chị Thủy - Tài (quận Tân Bình, TPHCM), có con gái đang học lớp 8, mỗi lần các bạn của con đến nhà chơi, chị đều nhắc con đi chợ mua bánh trái về đãi bạn. Thỉnh thoảng, chị còn nấu chè, bảo con mời vài người bạn thân đến cùng ăn cho vui. Anh chị quan niệm, có bạn tốt là điều đáng quý, và ở tuổi mới lớn, cha mẹ không nên can thiệp quá sâu vào các mối quan hệ của con, chỉ hướng con phải biết chọn bạn mà chơi. “Nếu ngăn cấm hay khó khăn quá, con mình sẽ sợ và giấu giếm những mối quan hệ, đi chơi một cách lén lút, lúc ấy lại càng khó kiểm soát”, chị Thủy nói. Chị Mỹ Hương (quận 12, TPHCM) cũng đồng tình với cách nhìn này, chị hay tìm cơ hội đi chơi ra ngoài cùng con, nghe con kể về những người bạn của mình. Có cô bé, cậu bạn nào của con mà chị chưa bao giờ gặp, hay không biết gì về họ, chị luôn tìm cách làm quen. Chị nghĩ, mình không thể chọn bạn cho con nhưng nên cần biết bạn của con là ai, ở đâu, hoàn cảnh ra sao...
Theo chuyên viên tâm lý Đỗ Văn Sự (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt - TPHCM), sự can thiệp, giáo dục tình bạn tốt ngay từ đầu rất quan trọng, tùy trường hợp mà phụ huynh chỉ bảo cho con. “Một khi phát hiện con bị bạn xấu lôi kéo, cha mẹ tuyệt đối không nên chửi rủa con, miệt thị người bạn ấy hay nghiêm cấm con tiếp tục chơi với bạn. Hãy kéo giãn mối quan hệ bằng nhiều cách: giải thích, phác họa những viễn cảnh trở thành người thế nào khi con còn chơi với bạn. Nếu thấy người bạn có những hành vi xấu như trộm cắp, đánh lộn, uống rượu, sử dụng ma túy... cha mẹ cần thiết phải “cách ly” con như gửi học trường nội trú, đưa con tham gia các hoạt động có sự quản lý của người lớn hay kéo con vể với các giá trị gia đình. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, nếu có thể, thay vì khuyến khích con bỏ bạn, hãy tìm cách cùng con thay đổi bạn, hướng bạn đến điều hay, lẽ phải...”, ông Sự chia sẻ. Nhà tâm lý cũng gợi ý rằng nền tảng để giúp con trẻ nhận ra đâu là điều hay và không hay ở một người, biết cách tự sàng lọc, chọn bạn chơi là ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dạy con cách ứng xử hướng đến xây dựng tính cách tốt: yêu thương, lễ phép, trung thực, cư xử phải phép, biết giúp đỡ, chia sẻ với người khác...
LIÊN GIANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.