Thứ Bảy, 02 Tháng Giêng, 2016 21:47

Chào bạn, lời chào Năm mới 2016

1. Giáng sinh 2015 tôi vui nhận được những lời chúc lành từ một số bạn đọc Công giáo, hoặc gởi e-mail, hoặc dùng tin nhắn qua điện thoại.

Gần mười năm nay, năm nào cũng vậy, từ thôn Lục Thủy (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) cứ đúng ngày 24, ông Phạm Ngọc Diên lại gọi điện vào Sài Gòn; dịp 21.6, 20.11 hay ngày Tết cổ truyền, ông đều nhớ gọi điện chúc lành. Tôi từng nhắc tới ông ở mục “Góc nhà” trên tuần báo CGvDT vài năm trước.

Và tôi rất cảm kích khi nhận được thiệp Giáng sinh từ cụ bà Têrêsa Hy, gởi qua đường bưu điện rất sớm, vào giữa tháng 12. Nét chữ chân phương của cụ trên cánh thiệp trông rắn rỏi, dễ đọc, vì cụ nguyên là cô giáo, cựu nữ sinh nội trú St. Paul, Sài Gòn. Năm nay tuổi ngoài 90, cụ hiện đang sống ở thành phố Cà Mau với con gái cũng là nhà giáo.

Đức Giáo Hoàng mỉm cười khi nhận chiếc áo số 10 mang tên "cầu thủ Phanxicô" do Chủ tịch FIFA Sepp Blatter biếu trong cuộc tiếp kiến riêng tại Vatican ngày 22.11.2013

2. Giáng sinh rất gần với Tết dương lịch. Có lẽ vì thế mà một bạn sau khi chúc lành cho tôi, liền hỏi thăm: Chuyện cuối tuần mở đầu năm 2016 sẽ là gì? Câu hỏi giống như lời nhắc việc. Dưng không câu hỏi này khiến tôi nhớ chuyện cũ.

Tôi nhớ hai lần về Long Xuyên thăm Đức Giám mục Bùi Tuần (năm 2013 và năm 2015). Trong lúc chuyện trò, cả hai lần ấy ngài đều nói về một mong ước (hay linh cảm?) rằng Đức Phanxicô sẽ thăm Việt Nam. Chẳng riêng ngài, phần đông chúng ta ắt cũng mong ước như thế, và nếu sự kiện rất tốt đẹp này sẽ đến ngay trong năm 2016 thì sao nhỉ?

Và nếu bạn có duyên được gặp Đức Phanxicô, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng thế nào? Tháng 9 năm rồi, khi Đức Phanxicô sắp tông du nước Mỹ, cô Camila Domonoske (làm việc cho Đài phát thanh quốc gia Mỹ, NPR) đã hỏi người dân Mỹ như vậy, và cô giúp họ một số ý kiến đáng cho chúng ta tham khảo.

3. Vài quy tắc xã giao.

- Giới thiệu. Đương nhiên Đức Giáo hoàng không bao giờ cần được giới thiệu. Còn bạn? Nên nhờ ai đó giới thiệu bạn với ngài.

- Trang phục. Bạn không cần phải “diện” áo quần mốt miếc xa hoa, cứ ăn mặc giản dị và trang nhã là đủ lắm rồi, vì ai cũng biết Đức Phanxicô vốn rất giản dị trong mọi điều.

- Xưng hô. Đức Phanxicô nói một chút ít tiếng Anh, tiếng Pháp, và Bồ Đào Nha, nhưng rất lưu loát tiếng Ý, Đức, và dĩ nhiên là Tây Ban Nha (tiếng mẹ đẻ của ngài). Bạn sẽ dùng ngoại ngữ nào khi nói chuyện với ngài? Nếu bạn nói tiếng Anh, lúc xưng hô hãy gọi ngài là “Your Holiness” (Thưa Đức Thánh).

Ngày 17.12.2014, mừng sinh nhật thứ 78 của Đức Phanxicô, cả mấy ngàn người cùng nhảy điệu tango tại quảng trường Thánh Phêrô (Ảnh: Tony Gentile)

- Hôn nhẫn? Bạn thấy ngài đeo nhẫn ngư phủ, biểu tượng uy quyền của Giáo hoàng. Vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô đeo chiếc nhẫn vàng ròng, nặng 35 gam; còn Đức Phanxicô dùng lại chiếc nhẫn cũ bằng bạc mạ vàng mà vị bí thư của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI từng sở hữu nó.

Bạn thấy một số người thường quỳ (hay cúi thấp xuống) hôn nhẫn ngư phủ để tỏ lòng tôn kính Đức Giáo hoàng. Dù bạn là Kitô hữu hay không phải là Kitô hữu thì cũng chẳng nhất thiết phải làm như vậy. Điều này hoàn toàn chấp nhận được, đặc biệt là với Đức Giáo hoàng Phanxicô, vì ngài không câu nệ các nghi thức. Ngài có thể chào bằng cách ôm bạn, hoặc cúi đầu; khi các Hồng y cúi xuống hôn nhẫn ngài, thì ngài đáp lễ bằng cách cúi mình hôn nhẫn các Hồng y. [Tôi nói thêm: Khi người Ấn Độ chắp hai bàn tay trước ngực cung kính chào ngài, Đức Phanxicô cũng chắp tay đáp lễ như vậy; khi thanh niên Kenya bắt tay ngài với bàn tay phải, còn bàn tay trái gác lên giữa cánh tay phải, Đức Phanxicô cũng đáp lễ như vậy. (HK)]

4. Những chuyện gì nên nói? Thông thường bạn không có nhiều thời gian nói chuyện với ngài, ngoại trừ một cái bắt tay và một lời chào. Nhưng nếu bạn quá đỗi may mắn trong một trường hợp thật hy hữu nào đó, thì có lẽ bạn nên nói về một trong mấy chuyện như sau:

- Nhạc. Đức Giáo hoàng rất hâm mộ Bach, Mozart, và Beethoven, nhưng có lẽ ngài không chê punk [một loại rock phát triển ở Anh, Mỹ, Úc những năm 1974-76 (HK)].

- Thể thao. Lúc bé, Đức Giáo hoàng từng chơi bóng rổ, nhưng ngài rất hâm mộ bóng đá. Là người Argentina, ngài ủng hộ đội San Lorenzo của đất nước ngài.

- Phim truyện. Bạn có sành sỏi về điện ảnh tân hiện thực (neorealist cinema) của Ý không? Nếu có, thì bạn “trúng tủ” rồi! Đức Giáo hoàng yêu thích phim La Strada, của đạo diễn Federico Fellini (người Ý, 1920-1993).

- Ăn uống. Đức Giáo hoàng tự nấu ăn, nhưng ngài không mê chuyện ăn uống. Bữa ăn của ngài, cũng như cuộc đời ngài, vốn dĩ khiêm tốn và giản dị. Ngài ưa bánh pizza, bánh empanadas (bánh quai vạc nhân thịt chiên giòn) và dulce de leche (mứt làm bằng sữa đặc có đường).

- Văn chương. Đức Phanxicô cho biết ngài thích tiểu thuyết của hai tác giả Alessandro Manzoni (Ý, 1785-1873) và Fyodor Dostoyevsky (Nga, 1821-1881); về thơ, ngài thích hai thi sĩ Friedrich Hoelderlin (Đức, 1770-1843) và Gerard Manley Hopkins (Anh, dòng Tên, 1844-1889).

- Khiêu vũ. Đức Phanxicô yêu điệu tango. [Tôi nói thêm: Tango ra đời ở Argentina, quê hương Đức Giáo hoàng. Ngày 17-12-2014, mừng sinh nhật thứ 78 của ngài, cả mấy ngàn người cùng nhảy điệu tango tại quảng trường Thánh Phêrô. (HK)]

5. Những chuyện gì không nên nói?

- Truyền hình. Giữ trọn lời khấn nguyện với Đức Mẹ Maria, suốt 25 năm nay Đức Phanxicô không hề xem tivi.

- Thú cưng. Đức Phanxicô có vẻ không thích nuôi thú cưng. Năm 2014, ngài từng trách các cặp vợ chồng thích nuôi thú cưng hơn là nuôi con.

6. Nếu bạn trót lỡ mồm? Trên đây tôi giản lược một số lời khuyên hữu ích của cô Camila Domonoske. Tuy nhiên, lúc đứng trước mặt Đức Giáo hoàng, nếu bạn bị “khớp”, lúng ta lúng túng, rồi liền quên ráo tất cả những gì đã chuẩn bị kỹ ở nhà, thậm chí bạn còn lỡ mồm lỡ miệng nói năng trật lấc thì sao nhỉ?

Chẳng hạn, thay vì nói “Your Holiness”, bạn vuột miệng thưa “Mr. Francis”! Hoặc bạn “tám” với ngài về một sô truyền hình; hoặc thấy ngài đội mũ sọ zucchetto, và bạn “khen” ngài đội zucchini (quả bí xanh) trông rất đẹp! Vân vân và vân vân. Giả dụ bạn trót lỡ như thế, có đáng trách không?

Người Ý nói “Errare è umano”, con người vốn là sai lầm. Thế nên cô Camila Domonoske trấn an: “Chớ lo lắng. Đừng bận tâm là bạn đang gặp Đức Giáo hoàng”.

Vả lại, dù chưa gặp Đức Giáo hoàng, nhưng qua báo CGvDT (cũng như qua... Chuyện cuối tuần), bạn và tôi đều biết Đức Phanxicô là một người đầy lòng khoan dung, nhân hậu.

Huệ Khải

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm