Thứ Năm, 15 Tháng Mười, 2015 21:26

“Cháu bà Nội, tội bà Ngoại”

Từ trước tới giờ tôi vẫn coi thành ngữ này như một câu nói vui, có vần, vậy thôi. Chỉ khi con gái tôi đi sanh, tôi mới thấm thía hết ý nghĩa…

Mấy ngày trước khi con gái chuyển dạ, tôi đã phải tất bật chạy lên chạy xuống bệnh viện. Ngày đầu tiên phải đi taxi, rồi làm thủ tục nhập viện. Chưa sanh, nhưng con cũng phải nằm lại để các bác sĩ theo dõi. Hai ngày sau, tôi vẫn phải đi đi về về, mà mình có biết đi xe gắn máy đâu, đi taxi nhiều thì tốn tiền, đành đi xe ôm vậy.

Việc ở nhà thì đầy rẫy, các con khác, đứa đi làm, đứa đi học, một mình tôi quay lòng vòng: Sáng phải dậy sớm cho gà, cho chó ăn, giặt giũ, đi chợ, lo ăn sáng, rồi vào bệnh viện. Trưa vội về cơm nước, rồi đem cơm cho con gái. Chiều lại về lo việc nhà.

Ngày con sanh, buổi trưa nó đau đớn, nhăn nhó, khóc lóc, thế là mình phải ở lại với nó suốt buổi. Chiều tối con vào phòng sanh, ở ngoài mình lo ngay ngáy. Chồng nó đi làm xa, đầu giờ chiều mới về.

Con gái, 3 ký rưỡi – Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe cô y tá mỉm cười chúc mừng. Bé khỏe nhưng mẹ còn hơi mệt, đang nằm phòng hồi sức. Đêm đó, chồng nó ở lại. Tôi về thu dọn việc nhà. Bốn ngày sau, buổi sáng làm thủ tục thanh toán chi phí để chiều ra về,  bất ngờ, bác sĩ khám thấy bé nổi nhiều mụn nước trên mặt và thông báo cháu bị nhiễm trùng da. Mẹ có thể về nhưng bé phải ở lại, cách ly để theo dõi và chữa trị. Tôi đi từ sửng sốt đến hoảng hốt. Mẹ con nó mới quen hơi nhau, mới âu yếm được 3 ngày, giờ phải cách ly, mẹ một nơi con một nẻo. Mẹ nó sốc, khóc rấm rức. Tôi và con rể phải trấn an mãi.

Cháu tôi ở lại phòng chăm sóc đặc biệt, có các điều dưỡng trông coi ngày đêm. Dẫu bệnh viện chỉ cách nhà 10 cây số mà sao tôi thấy xa vời vợi. Mỗi ngày, con gái tôi vắt sữa, ướp lạnh, 3 lần gởi vào cho bé bú. Sáu giờ chiều mẹ mới được vào thăm con 15 phút. Những người khác cách ly hoàn toàn. Có đến thăm cũng chỉ đứng ngoài cửa kiếng nhìn vào.

May mắn, sau 4 ngày bé được các bác sĩ cho về. Theo tục lệ của các bà mẹ miền Bắc, con gái mới sanh phải về nhà mẹ đẻ để bà ngoại chăm sóc cháu. Và thế là nhà tôi có thêm hai nhân khẩu, nhưng gái đẻ lại theo chế độ ăn kiêng, thường chỉ là thịt dăm heo kho và rau diếp luộc. Một nhà mà hai bếp.

Cháu bé ngoài những lúc ngủ, luôn ngọ ngoạy, gào khóc, đòi bế, ít chịu nằm im. Ngày bé ngủ, đêm lại thức nên bà mẹ mới sanh cứ mếu máo vì giấc ngủ không yên. Lại kêu cứu bà ngoại. Bà phải bế, phải ru cháu ngủ cho mẹ nó ngả lưng. Biết con gái mình đang trong giai đoạn rất mệt, tôi luôn an ủi: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ !”. Tôi kể cho con nghe, ngày xưa bố mẹ đã nuôi 6 đứa con. Ông bà ngoại lớn tuổi, đâu có phụ giúp được nhiều, hai người phải tự xoay sở hết. “Ngày còn bé, con cũng có hiền đâu, chả thế mà lại có biệt danh là ‘Tí Gào’. Con cũng có lúc nóng, ho, đi tướt.. Những lúc mẹ nhức đầu, đau bụng, tắc sữa... đều sang ca cẩm với bà ngoại”.

Mỗi sáng, ngoài quần áo người lớn, nay lại thêm đống tã em bé. Ngày nắng đã vậy, ngày mưa, đồ treo quanh nhà như cờ xí dịp đại lễ. Mà đâu phải cháu bà nội chỉ tội bà ngoại. Tội cả ông ngoại nó nữa. Nhiều lúc tôi bận, phải nhờ ông xã bế. Ông cũng tài tình, ru rất khéo. Cháu bé thường mở mắt nghe, hoặc lim dim ngủ.

Hai mươi năm rồi không phải nuôi con mọn, nay phải nuôi cháu mọn kể cũng khá vất vả, nhất là việc nhà bận rộn, rồi còn tuổi tác mình nữa chứ. Nhưng nhìn khuôn mặt bé bỏng, bầu bĩnh, hồng hào kia, mọi vất vả như biến đâu hết...

Nguyễn Đức Lân

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm