Chiếc rương bí mật

Tâm chưa bao giờ nói cho ba biết, nó giấu giấc mơ của mình trong chiếc rương nhỏ được đẩy sâu lút vào gầm giường.

Cứ tối đến, khi mà ba của nó - ông An đang loay hoay với đống vải vóc, kim chỉ, máy may thì nó khóa cửa phòng lại, kéo giấc mơ ra khỏi chỗ trú ẩn. Trong chiếc rương bí mật, có vô số những thứ linh tinh, từ quyển catalogue thời trang, mấy xấp vải mỏng đủ màu, giấy, bút chì đến kéo nhỏ kéo to, kim cúc, nút áo, chỉ màu... Những đồ vật này có cái được mua bằng tiền để dành, có cái là do bạn bè nó tặng. Tâm vẫn còn nhớ như in lần sinh nhật thứ 15 của nó, thằng Huân, đứa bạn thân, tặng nó quyển catalogue có hình mấy cô người mẫu Thái mặc trang phục công sở. Lúc cầm sách trên tay, Tâm lập tức muốn chạy lại ôm thằng Huân, rồi “đá” một cái thật đau vào mông nó. Thằng ấy quá sức dễ thương! Quyển catalogue này Tâm tìm lâu lắm rồi. Đến cửa hiệu nào, người ta cũng nói y chang một câu như đã học thuộc lòng sẵn từ đời nào, đại ý là sách xưa rồi nên khó kiếm lắm em ơi. Tâm tình cờ than với Huân trong một lần hai đứa ngồi lại nói với nhau về sở thích và cũng không quên đính kèm câu chuyện liên quan đến quyển catalogue kỷ niệm đã bị mất. Không biết thằng Huân đi tới bao nhiêu hiệu sách, lục lọi trong bao nhiêu dãy kệ đóng bụi dày ở các nơi người ta bày bán sách cũ mới có thể lùng ra, chỉ biết rằng khi nhận được món quà này từ bạn, lòng Tâm rưng rưng cảm kích. Tâm quý quyển sách lắm. Sau bữa cơm trưa, nó thường mang ra cái ghế gỗ dài phía sau nhà rồi nằm vắt vẻo trên đó để lật giở từng bức ảnh. Cái thế giới đầy kiểu dáng, màu sắc đưa nó về những tháng ngày hạnh phúc khi mẹ vẫn còn hiện diện trong căn nhà nhỏ cùng với cha con nó. Phiên bản khác của quyển catalogue duy nhất mà mẹ nó có được ngày xưa bây giờ trở thành báu vật với nó. Tâm cảm thấy từ những trang giấy mỏng này, niềm ao ước bấy lâu trong nó như được bơm thêm sức mạnh, bắt đầu căng phồng lên. Nó bọc sách bằng kiếng, cất ở chỗ trang trọng nhất trên bàn học, cho đến ngày kia ba nó đến gần, trầm giọng:

Ráng học thi vào sư phạm con nha!

Mật độ của câu nói này ngày càng dày thêm khi Tâm vào cấp ba, và ám ảnh hơn khi nó tiến càng ngày càng gần kỳ thi hết lớp 12. Tâm nhìn thấy những hy sinh lớn lao của ba dành cho nó, đồng thời cũng hiểu rất rõ mong muốn của ông. Nó nhờ người cậu làm thợ mộc đóng một cái rương, lặng lẽ cho vào đó tất cả say mê rồi đóng sập lại, đẩy vào nơi tăm tối.

***

Tâm nằm trên giường, mắt nhìn đăm đăm lên những ngôi sao dạ quang dán chi chít trần nhà. Phòng không bật đèn. Bóng tối xung quanh biến thành gã khổng lồ nuốt chửng mọi thứ vào bụng, chỉ trừ những đốm sáng màu xanh lục tuy yếu ớt nhưng dường như đang cố gắng lấp lánh trong màn đêm đen đặc. Mấy hôm nay, áp lực khiến tinh thần Tâm trở nên sa sút. Nó cũng ốm đi nhiều. Tuần trước, ông An dẫn Tâm đến quầy thuốc gần nhà. Ông hỏi cô đứng quầy có thuốc nào cho thằng con trai đỡ đau đầu, uống bồi bổ trong mấy ngày ôn thi này. Kết quả, hai cha con ra về với túi thuốc đầy cùng lời nhắn dí dỏm của cô dược sĩ: “Giữ đầu óc thoải mái chút, đừng lo lắng nhiều không là uổng thuốc nha cậu nhỏ”. Tâm không biết số thuốc bổ và lời dặn giúp ích được gì cho nó, nhưng chắc mẩm một điều rằng, tình trạng của nó hiện tại không chỉ do lo cho kỳ thi mà còn vì phải ôm một khối buồn rầu nặng nề trong lòng. Càng ngày, Tâm càng thấy mình giống như thằng đi lạc. Lúc nào nó cũng ở trong tình trạng đứng giữa ngã ba, ngã tư không biết rẽ chỗ nào cho phải. Nó chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một ông thầy giáo, sơmi, quần tây, đóng thùng lịch sự, cầm phấn giảng thao thao trên bục, cũng như chưa từng dám chắc mình có thể làm tốt vai trò của một người thầm lặng, đưa hết chuyến đò này đến chuyến đò khác sang sông. Nó chỉ thích vẽ vời những bộ trang phục trên giấy rồi tự tay may vá theo ý thích của mình. Ngày trước, mỗi khi rảnh rỗi, không phải bận bịu bài vở, Tâm thường lân la tới chỗ ba đang làm việc rồi xin giúp. Lúc thì ông An giao cho nó đơm nút, làm khuy; lúc thì nhờ nó ủi mấy chiếc cổ áo cho thành nếp. Ông An chỉ nghĩ đơn giản con nít tò mò, táy máy, mà lại không ngờ rằng Tâm làm từng việc ấy bằng sự thích thú, say mê vô tận. Năm lên lớp 10, ông An ít cho Tâm lai vãng lại gần chỗ may, cũng như không nhờ nó giúp bất cứ một việc gì nữa. Một phần vì ông muốn Tâm tập trung hơn vào việc học, phần nữa có lẽ cũng vì ông đã lờ mờ nhận ra được điều gì qua chiếc khuy làm rất khéo, tay cầm thước đo rất chuẩn xác hay cái cách thằng con trai phủi phủi chiếc cổ áo mới ủi... Năm lớp 11, Tâm tham gia một cuộc thi thiết kế trang phục tổ chức bởi tờ báo dành cho tuổi mới lớn. Nó háo hức phác thảo từng bộ sưu tập rồi ép vào chiếc bìa cứng để gọn gàng trên bàn. Một bữa đi học về, nó thấy bên trong chiếc bìa cứng bị xáo trộn và tối hôm ấy, sau buổi nói chuyện cùng ông An, Tâm đã bỏ ngang cuộc thi. Cũng kể từ đó, nó biết mình nên chuyên tâm học hành, cố gắng thi vào sư phạm, trở thành giáo viên như mong ước của ba. Những ngày này, Tâm hay nhìn lại đoạn đường đã đi qua. Nỗi hối hận bất chợt trào lên dữ dội. Đôi khi trong chuỗi suy tư dài dằng dặc, Tâm cảm thấy, thoáng qua thôi, một chút bất mãn về ba. Ước mơ thuộc về một người có ý nghĩa không khi mà sự tồn tại của nó giết chết một mơ ước khác. Có lý gì điều nó đam mê lại không được tiếp tục chỉ bởi vì người khác muốn nó thực hiện một mong ước của họ. Giữa cơn ấm ức triền miên ấy, bao giờ Tâm cũng giật mình nghĩ lại, người khác này chính là ba nó. Nó nhận ra nếu nó cứ tiếp tục giữ lại ước mơ của bản thân thì cũng đồng nghĩa với việc lần hồi phá nát niềm ao ước bấy lâu của ông An. Tâm nhắm nghiền mắt, hồi tưởng lại cả một quãng thời gian dài từ khi mẹ mất đến nay, ba đã chăm lo cho nó thế nào. Một mình ông, đóng cả hai vai trò cùng một lúc : vừa chu toàn kinh tế, lo cho con học hành; vừa an ủi, động viên, làm bạn với Tâm. Duy chỉ có một điều, ông không chấp nhận con theo nghề thiết kế trang phục. Trên đời này, không có người cha nào hoàn hảo cả dù họ có tốt đến đâu, và Tâm nghĩ ba mình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tâm biết, dù làm bạn với Tâm, nhưng ông An không thể nào là thằng Huân, sẵn sàng nghe Tâm luyên thuyên về trang phục rồi nhọc công đi tìm quyển catalogue cũ về mở đường cho ước mơ của nó. Ba dù là người bạn lớn, luôn luôn che chở, ủng hộ nhưng cũng có riêng lập trường của mình. Tâm chưa bao giờ thôi thông cảm cho ba, cả trong giây phút tuyệt vọng cùng cực nhất về tương lai.

- Chắc tao bỏ, không vào thiết kế nữa. Tao sẽ tập trung thi cho tốt vô trường sư phạm mày ơi!

- Thì mày cứ thi có sao, việc gì phải nói trước bỏ hay không. Dù gì thi xong vẫn còn cơ hội nghĩ lại để nộp hồ sơ.

- Không, tao xác định ngay từ đầu, tao sẽ thi cho cái nghề giáo viên này, chỉ nó thôi.

- Tao không rơi vào hoàn cảnh như mày, tao không biết cái khỉ khô gì mới tốt, nhưng tao thấy nếu mày không vui, ba mày cũng sẽ không cảm thấy vui vẻ con khỉ gì đâu. Bây giờ hay về sau này thì vẫn vậy.

- ...

Tâm nghiêng người, để hàng nước mắt chạy dài vào chân tóc. Nó không muốn khóc nhưng mấy giọt buồn bã ấy cứ như được dịp lăn ra. Từng lời thằng Huân nói vang lên trong trí nhớ. Âm sắc mỗi câu, mỗi chữ như chiếc búa gõ cồm cộp làm đầu nó nhức buốt. Đêm qua trong giấc ngủ chập chờn, nó nghe ba ở phòng bên cạnh la ú ớ mấy hơi. Có lẽ ông vừa mơ thấy một giấc mơ buồn và có thể Tâm cũng vừa xuất hiện trong câu chuyện không thực ấy. Thằng Huân nói đúng, ba nó sẽ chẳng vui gì khi nó không vui nhưng Tâm sẽ có được niềm vui không, nếu thời điểm này, nó làm cho người bạn lớn kia thất vọng?

***

Như người say, ông An ngồi bệt xuống nền gạch lạnh, lưng dựa hẳn vào thành giường, mặt đỏ lựng. Phía chân ông, chiếc rương gỗ mở toang, bên trong lỉnh kỉnh vật dụng mà thoáng nhìn cũng biết dùng cho việc gì. Tay ông cầm một quyển sổ bìa nâu đen được lấy lên từ đáy rương. Từng dòng tâm sự trong quyển sổ này là vô số mũi kim đâm vào gáy ông. Ông đọc hết không sót một chữ nào. Đam mê của thằng Tâm, thực, đã vượt ngoài sức tưởng tượng của ông. Tình yêu thương mà nó dành cho ông cũng vậy. Ông An toát mồ hôi khi nhớ lại cơn ác mộng mình vừa gặp phải. Ông mơ thấy ông trong hình hài của một mặt trăng hung dữ đang bấu lấy mặt trời là thằng Tâm và cố gắng nuốt nó. Từng mảnh sáng chìm dần, chìm dần vào bóng tối. Mặt trăng thét lớn một tiếng rồi bục vỡ tan tành...

***

Tâm ngồi trên ghế ngóng ba nó mòn mỏi. Quái lạ. Thi xong cả tiếng rồi mà ông chưa đến rước. Học sinh về gần sạch hết, trên sân chỉ còn lác đác mấy đứa ở lại đọ bài. Tâm nhìn đồng hồ, nó quyết định ra cổng bắt xe ôm về. Mưa vừa tạnh. Sân trường loang loáng nước. Trên những hàng cây chạy dọc lối đi, mấy tia nắng chiều mỏng mảnh chiếu lấp lánh mặt lá ướt. Tâm làm bài rất tốt. Tâm trạng bỗng nhiên khoan khoái lạ kỳ. Bước nhẹ tênh dưới vòm cây, nó không hay biết rằng có một người giờ này đang chạy ra hiệu sách mua bộ hồ sơ mới đăng ký vào đại học, trên đường đi còn tập dượt làm sao để nói câu này với thằng con trai cho tự nhiên nhất, rằng: “Hãy thực hiện ước mơ của con đi, của một mình con thôi!”.

THIÊN LÝ

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Để lòng tha thứ được nhân lên
Để lòng tha thứ được nhân lên
Thiên Chúa hằng dạy con người cần mở lòng tha thứ. Các tôn giáo cũng gặp nhau ở điều khuyên này: không chấp giữ nuôi dưỡng hận thù mà độ lượng, lấy nhân nghĩa hóa giải. Biết vậy, nhưng để thứ tha đâu có dễ…
Thật thì mới bền
Thật thì mới bền
Khi chọn bạn đời, cần tìm hiểu về những giá trị thực. Những thứ hào nhoáng, lấp lánh, ảo ảnh ban đầu rồi cũng biến mất khi “mặt nạ tình yêu rơi xuống”.
“Thượng đế” cũng khen… người bán hàng!
“Thượng đế” cũng khen… người bán hàng!
Thường thường, theo nếp “khách hàng là thượng đế”, người ta quen thấy cảnh đôi co trả giá, chê bai của khách và sự nhũn nhặn, mềm mỏng ân cần của chủ hàng. Nhưng không ít người hẳn cũng chứng kiến hiệu ứng đẹp khi khách khen sau lúc mua...
Để lòng tha thứ được nhân lên
Để lòng tha thứ được nhân lên
Thiên Chúa hằng dạy con người cần mở lòng tha thứ. Các tôn giáo cũng gặp nhau ở điều khuyên này: không chấp giữ nuôi dưỡng hận thù mà độ lượng, lấy nhân nghĩa hóa giải. Biết vậy, nhưng để thứ tha đâu có dễ…
Thật thì mới bền
Thật thì mới bền
Khi chọn bạn đời, cần tìm hiểu về những giá trị thực. Những thứ hào nhoáng, lấp lánh, ảo ảnh ban đầu rồi cũng biến mất khi “mặt nạ tình yêu rơi xuống”.
“Thượng đế” cũng khen… người bán hàng!
“Thượng đế” cũng khen… người bán hàng!
Thường thường, theo nếp “khách hàng là thượng đế”, người ta quen thấy cảnh đôi co trả giá, chê bai của khách và sự nhũn nhặn, mềm mỏng ân cần của chủ hàng. Nhưng không ít người hẳn cũng chứng kiến hiệu ứng đẹp khi khách khen sau lúc mua...
Vật giá “leo thang”, gia đình kiểm soát thế nào?
Vật giá “leo thang”, gia đình kiểm soát thế nào?
Không lạ khi chuyện tăng lương của người lao động cùng lạm phát đều đặn, đã kéo theo sự tăng giá của dịch vụ, hàng hóa. Không ít người vẫn mong giá cả bình ổn sao cho đồng lương tăng thực sự có giá trị.
Thơm ngon thịt cá lóc đồng
Thơm ngon thịt cá lóc đồng
Ở những vùng quê, mùa mưa hay mùa nước nổi là thời gian thích hợp cho việc câu, bắt cá đồng. Trong “nhóm” cá đồng, cá lóc được nhiều người xếp vào hạng có thịt thơm ngon nhất.
"Dị ứng" với loài người
"Dị ứng" với loài người
Ban đầu, cô giáo cho rằng học sinh này đang ở thời kỳ nổi loạn nên nghĩ thế thôi. Về sau, tìm hiểu sâu hơn và trò chuyện với em ấy, cô nhận ra em đã luôn không thể hòa hợp với các bạn. Ở nhà, cha mẹ em rất...
Tản mạn sách giáo khoa trước thềm năm học mới
Tản mạn sách giáo khoa trước thềm năm học mới
Đã có lịch tựu trường, sắc phượng không còn, tháng 8, nhiều học sinh hớn hở mang sách giáo khoa mới tinh tươm về nhà. Lòng tôi lại bồi hồi nhớ những ngày xưa cũ của thời đi học.
Lục bình tím thương
Lục bình tím thương
Quê ngoại tôi tới mùa nước nổi, trên dòng sông đỏ hồng phù sa, dưới bầu trời xanh thẳm hiền hòa, lênh đênh từng cụm lục bình mượt lá ôm những chùm bông tím dịu dàng nở rộ.
“Ăn ký ức”
“Ăn ký ức”
Người quê lên thành thị, sang tỉnh khác hoặc ra nước ngoài sinh sống, thường nhung nhớ những món ăn điạ phương nơi mình sinh ra và lớn lên.