Cha tôi đã hơn tám mươi tuổi, trải gần hết đời người trong đủ cảnh hỉ nộ ái ố và, như người xưa thường nói, ở vào ngưỡng “tri thiên mệnh”, từng lời nói cử chỉ của ông đều khiến người ta thấm thía đạo lý, kinh nghiệm ở đời.
Ông từng giàu, có chức phận và có chân trong giới thượng lưu ngày trước. Và cũng từng rất nghèo, hiểu thấu cái khó cái khổ trong nhân gian.
Giờ gần hết đoạn trường, cha sống đạm bạc gói ghém hết thảy chi tiêu trong “chế độ” của giới bình dân, cơm rau qua ngày, nhưng những khi có thể, ông sẵn lòng làm việc từ thiện rất hào phóng khiến mọi người bất ngờ.
Tôi chỉ là con nuôi, nương náu cùng ông bao tháng ngày. Những lúc khó khăn, cha luôn là người tìm cách giúp tôi tháo gỡ. Thậm chí, những lần đi đâu xa trong hoàn cảnh túng thiếu, cha lại cho tôi chút tiền làm lộ phí, không nhiều nhưng thấm đẫm tình thân. Có một điều đặc biệt, những lúc ấy, ông đều mang chiếc túi vải rộng thùng thình đã cũ lắm, kiểu túi đựng tiền của các nhà gia thế ngày xưa, và thận trọng mở dây túi, lấy những tờ tiền nhỏ phẳng phiu trao cho tôi. Có khi chỉ mấy chục ngàn đồng mà như một một món thừa kế to tát nào đó từ cử chỉ đến cách trao tiền, khiến tôi xúc động và cảm nhận được ý tứ của ông: đó là đồng tiền chắt chiu của người già và tâm của ông rộng hơn món tiền mọn kia rất nhiều. Nếu có, ông sẵn lòng mở túi cho tôi một món tiền lớn. Như vậy, cái tôi nhận được rất nhiều, nhiều gấp bao nhiêu lần mệnh giá trên mấy tờ giấy bạc ấy. Thông điệp tình cảm của người cha nghèo, có thể nói vậy, thật sâu sắc, có tính giáo dục và khó quên. Tôi hiểu, mình cần trân trọng đồng tiền và chi dùng cho xứng đáng.
Vậy đó, tôi không sao quên hình ảnh chiếc túi vải cũ kỹ và cách rút dây buộc, trao tiền cho con của người cha nuôi kính yêu. Ít ai làm như thế bây giờ. Cha đã cho tôi rất nhiều qua những cử chỉ đại loại như thế.
Mỗi lần nhớ đến cha, dù ở đâu xa xôi, tôi lại nhớ đến chiếc túi vải của ông, hình ảnh thân thiết và cảm động biết bao mỗi lần cho con chút tiền...
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Bình luận