Đó là thông điệp, cũng như khẩu hiệu của nhóm Bảo vệ sự sống “Lòng Chúa Xót Thương” trong các chương trình bác ái xã hội.
Nâng niu sự sống
Được thành lập từ năm 2010 ở giáo xứ Ngưỡng Nhân, GP Bùi Chu, đến nay nhóm đã quy tụ được hơn 70 thành viên cả phía Bắc và Nam dưới sự hướng dẫn của linh mục Giuse Lê Thành Tâm. Nhóm chuyên đi gom thai nhi bị phá bỏ về mai táng, sau 6 năm hoạt động, đã có khoảng 13.000 thai nhi được chôn cất tại nghĩa trang đồng nhi của giáo xứ. Nhóm cũng làm nhịp cầu đỡ nâng cho nhiều cô gái trẻ lỡ mang bầu ngoài ý muốn, giữ lại thai và sinh con an toàn tại một số mái ấm.
![]() |
Anh Phạm Văn Bút, cư ngụ ở giáo xứ Bình Thuận, quận Bình Tân - TPHCM, trưởng nhánh phía Nam cho biết: “Là những người con của giáo xứ Ngưỡng Nhân vào Nam làm ăn, vài anh em chúng tôi gặp nhau, tự dưng nghĩ đến chuyện lập thêm nhóm tại Sài Gòn để tiếp tục được làm công việc ý nghĩa mà mình đã từng tham gia ở xứ đạo ngoài quê. Thế là bắt tay vào, mời gọi thêm nhiều người khác cùng góp sức”. Nhóm hình thành năm 2013, hiện có hơn 40 thành viên, thuộc nhiều xứ đạo trên địa bàn TPHCM, phần lớn ở độ tuổi từ 30 - 40. Ngoài ra còn có một số cộng tác viên là sinh viên đại học. Hoạt động của nhóm chủ yếu là truyền thông và triển khai thêm những chương trình bác ái khác. Các thành viên tuy nhiệt tình hưởng ứng với chuyện mai táng cho thai nhi bị bỏ rơi nhưng do chưa có điều kiện về cơ sở, đất đai nên chỉ góp phần bằng cách đem xác thai nhi thu gom được rồi chuyển cho một nhóm Bảo vệ sự sống khác hỏa táng hoặc chôn cất.
Để thực hiện tốt công tác truyền thông, anh Bút đã về Nam Định tham gia những khóa tập huấn do linh mục Giuse Trần Hưng Đạo - giám đốc Caritas giáo phận Bùi Chu chủ trì. Những kiến thức, kỹ năng thu thập được từ lớp đào tạo này được anh chuyển tải cho mọi người trong nhóm. Bên cạnh việc trực tiếp gặp gỡ tư vấn, động viên các bạn gái lỡ mang bầu không nên phá thai, giúp họ đến được các mái ấm để sinh nở, nhóm còn lập trang mạng (facebook) nhằm mở rộng, kết nối nhiều người cùng quan tâm. Trang mạng này luôn có người túc trực, sẵn sàng chia sẻ những thắc mắc, tâm tư của những “bà bầu” đang rơi vào bế tắc, có nguy cơ dẫn đến tình trạng phá thai. Theo anh Bút, có những cô gái trong cuộc rất ngại tiếp xúc, không thoải mái tâm sự chuyện được cho là thầm kín, tế nhị thì thông qua trang mạng này, họ dễ dàng thổ lộ hơn bằng hình thức “chat”, từ đó có thể giải tỏa được ít nhiều nỗi niềm. Có người muốn sinh con nhưng đang bơ vơ không biết đi về đâu, không có ai nương tựa, qua đây cũng tìm được những địa chỉ đáng tin cậy để được trợ giúp. “Đã có gần 100 cô gái lỡ mang thai được chúng tôi tư vấn và hỗ trợ bằng nhiều hình thức để không phá thai và sinh nở ‘mẹ tròn con vuông’, thậm chí có những người mẹ trẻ ban đầu tuyệt vọng, tưởng chừng bị bỏ rơi, nhưng rồi sau đó giải được khúc mắc, tiến đến hôn nhân được với người yêu”, anh Bút kể. Anh Phạm Thành, giáo dân xứ Hy Vọng - Tân Bình, TPHCM, cũng là người gắn bó với nhóm từ những ngày mới thành lập, chia sẻ thêm rằng, từ chuyện hỗ trợ chôn cất thai nhi đến giúp các cô gái lầm lỡ bỏ ý định phá thai, người tham gia vào việc bảo vệ sự sống cảm thấy rất ý nghĩa, biết nâng niu giá trị sống của một sinh linh. Khi làm những việc này, cá nhân mỗi người lại học được bài học nhân bản sâu xa, các bạn gái trẻ trong nhóm hay cộng tác viên cũng hiểu hơn tác hại của việc phá thai để ý thức cho chính bản thân, phái nam thì hiểu cần có trách nhiệm hơn, tránh cho người yêu không phải đi đến bước đường cùng để phải bỏ đi “giọt máu” của mình. “Truyền thông cho người khác, ít ra mình cũng không phạm phải sai lầm đó vì được trang bị kiến thức, sự hiểu biết và trải nghiệm lòng trắc ẩn khi chứng kiến những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi”, anh Thành nói.
Cháo đêm cho người vô gia cư
Không dừng lại ở hoạt động bảo vệ sự sống, hằng tháng, nhóm phía Nam lên kế hoạch cho những việc bác ái khác như vận động hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân tộc nơi các xứ đạo Tây Nguyên, gởi những phần quà Tết về tặng người già neo đơn, các hộ nghèo ở xứ Ngưỡng Nhân, nơi xuất thân của nhiều thành viên trong nhóm.
![]() |
Chương trình “Cháo đêm cho người vô gia cư” đã được nhóm thực hiện 6 tháng nay, mỗi tháng một lần. Nồi cháo gà khoảng 500 suất được nhiều người góp phần, ngoài ra, nhóm còn vận động để có thêm hộp sữa tươi kèm theo mỗi suất. 11 giờ đêm, tất cả cùng xuất phát, chia ra nhiều tốp, mỗi tốp từ 6 - 8 người, tìm đến các vỉa hè, gầm cầu, công viên - nơi người vô gia cư thường ngả lưng. Anh Nguyễn Văn Đức nhớ lại những chuyến đi: “Không chỉ đến đưa cháo rồi đi, chúng tôi còn lân la trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh của những người cơ nhỡ ấy. Có người không nhà, người không con cháu, không nơi nương tựa… Anh em cảm động, rớt nước mắt trước những mảnh đời khốn khổ!”. Cũng theo anh, có cùng đi phát cháo đêm cho người vô gia cư mới cảm nhận rõ nét hơn một mái nhà ấm áp mà mình đang có. Chính sự may mắn ấy nên mỗi người lại thấy cần chia sẻ cho những người kém may hơn. Anh Phạm Thành còn cho biết thêm, điều mình rất vui là khi đi làm bác ái như thế, gia đình rất ủng hộ, thậm chí người bạn đời của anh còn khích lệ đóng góp hơn nữa cho những việc thiện nguyện này. Trưởng nhóm Bút cũng thấy hồ hởi vì bên cạnh những người thân, còn có cả người chưa quen, khi biết đến những gì nhóm đang thực hiện, đã sốt sắng xin góp phần: “Không vui sao được khi mỗi lần chúng tôi tụ tập nấu cháo, các chị em ở tổ dân phố gần đó lại sang cùng giúp mỗi người một tay; trên trang facebook của nhóm cũng nhận được nhiều động viên, khích lệ và đóng góp thêm cho nồi cháo tình thương này được duy trì và phát triển”. Công việc này của nhóm được cha linh hướng Lê Thành Tâm rất đồng tình, thỉnh thoảng ngài lại vào thăm anh em, dâng thánh lễ và cùng rong ruổi với mọi người trên những chuyến công tác xã hội, tạo thêm động lực cho cả nhóm.
Dù đều vất vả, bươn chải với nhiều nghề, có người buôn bán ở chợ, người làm may... nhưng khi tình nguyện tham gia vào việc chung, phần lớn các thành viên trong nhóm đều tìm thấy ý nghĩa của những gì mình cho đi, nói như anh Nguyễn Văn Đức: “Cho đi thì còn mãi, giữ lại thì một ngày nào đó cũng sẽ hết”.
Liên Giang
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.