Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai, 2015 16:40

Cho nhau thời gian trong gia đình

Thời đại công nghiệp hóa, các gia đình dường như ít thời gian dành cho nhau hơn vì mải cuốn vào công việc. Cha mẹ, con cái sau giờ làm, giờ học lại bị cuốn vào các phương tiện công nghệ như facebook hay lướt web… Tuy nhiên, vẫn có những gia đình ý thức được sự “lắng nghe và thấu hiểu” đối với các thành viên trong nhà nên đã luôn tận dụng thời khắc bên nhau, trong bữa cơm chung hoặc dành ra một ngày, một tối trong tuần cùng mang lại niềm vui cho nhau.

Từng lớn lên trong một gia đình nề nếp, anh Trần Văn Huy, 40 tuổi (ngụ quận 3, TPHCM) vẫn không quên những buổi tối sau giờ cơm, các thành viên trong nhà mình cùng tập trung ở căn phòng nhỏ, anh học bài dưới sự kèm cặp của ba, còn mẹ ủi đồ, sắp xếp quần áo cho ngày mai. Đó là những giờ phút thật ấm cúng của gia đình anh. Vì vậy, khi lớn lên, có gia đình riêng, anh cũng luôn cố tạo một nếp sinh hoạt đầm ấm cho cả nhà, dù thời gian mọi người bên nhau không được nhiều như xưa. “Vợ tôi luôn tăng ca, con gái cũng tối mắt vì học hành. Tôi đành đặt ra tối thứ bảy và Chúa nhật là ngày của gia đình. Thứ bảy chúng tôi sẽ dùng cơm tối cùng nhau, rồi đưa nhau đi xem kịch tại Idecaf, cũng có khi xem phim...”, anh chia sẻ. Khi nghe chúng tôi hỏi có gặp khó khăn trong việc duy trì “ngày của gia đình” không, anh Huy cười: “Không đâu, bởi ngay từ khi con gái mới lên cấp 2, tôi đã ra ‘tối hậu thư’ ngày thứ bảy không học thêm, không đi chơi đàn đúm bạn bè gì mà dành riêng cho gia đình”. Vợ chồng anh giáo dục con biết quý trọng những giờ phút gia đình bên nhau, vì một ngày nào đó con sẽ có cuộc sống riêng, có muốn gần gũi với ba mẹ cũng không được. Những thời khắc bên nhau ấy, gia đình anh ngoài việc cùng nhau đi xem kịch, xem phim, còn ở nhà nấu chè hay hát karaoke. Nhờ sinh hoạt chung, con gái anh luôn thấy gần gũi và chia sẻ những khó khăn trong quan hệ bạn bè, trường lớp...

Gia đình anh Nguyễn Văn Lộc (giáo dân giáo xứ Chợ Quán, quận 5 – TPHCM) từ lâu đã đặt ra “lệ” là sáng Chúa nhật, vợ chồng con cái cùng đi lễ thiếu nhi, sau đó ăn sáng ở một quán nào đó rồi về nhà cùng nấu cơm trưa và xem tivi hay video. Buổi chiều, mọi người lại nghĩ ra món gì đó để nấu ăn như chè, cháo... Và tối đến, bao giờ họ cũng dành thời gian để cùng nhau đọc kinh. Chị Lộc cho biết: “Thập niên 80 - 90 thế kỷ trước, phim video rất thịnh, gia đình tôi hay dành ra buổi tối thứ bảy cùng mướn phim về xem. Sau này, ít xem video, chúng tôi lại hay đi hát karaoke...”. Chồng chị bổ sung: “Khi ra ngoài xem ca nhạc hay phim, chúng tôi không đến một nơi cố định mà theo dõi nếu ở đâu có chương trình hay thì đến đó, ví dụ có lần đọc báo thấy giới thiệu vở kịch “Người vợ ma” ở rạp Phú Nhuận, chúng tôi liền mua vé đi xem vào cuối tuần”.

Kể về ngày cuối tuần của gia đình mình, chị Phạm Thị Mỹ, 29 tuổi, hiện làm việc tại một nhà xuất bản ở TPHCM, nhắc đến một chi tiết khá ấn tượng: “Chiều thứ bảy dành cho gia đình, chúng tôi thường tắt điện thoại di động, không lên mạng hay vào facebook để dành trọn thời gian bên nhau”. Chị cũng cho biết, từ khi mình còn nhỏ, cha mẹ không cứng ngắc trong chuyện bắt con cái cắt hết quan hệ bạn bè ngày thứ bảy hay Chúa nhật. Nếu có ai mời sinh nhật hay trường tổ chức cắm trại thì vẫn cứ đi. Vì vậy với chị, những giờ phút sống bên gia đình là hạnh phúc và niềm vui hơn là một sự áp đặt hay cảm giác bị áp lực phải từ bỏ những sinh hoạt với bạn bè.

Có một căn nhà nhỏ với vườn bao quanh ở Củ Chi, gia đình ông Lê Văn Quốc (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) thường dành ngày cuối tuần để về đây nghỉ ngơi, vui chơi. Họ đi từ chiều thứ bảy đến tối Chúa nhật mới về. Đến đó, vợ chồng con cái cùng nhau nấu nướng ăn uống, chuyện trò. Họ cũng không lên mạng và hạn chế tối đa việc dùng điện thoại di động.

Tuy nhiên, không phải ai cũng rảnh rang chiều thứ bảy hoặc sáng Chúa nhật để dành thời gian cho nhau trong gia đình. Ông Võ Văn Vinh, 52 tuổi, làm việc tại một nhà hàng ở TPHCM nhiều năm. Con trai ông cũng làm việc tại một shop thời trang. Ngày cuối tuần, công việc của hai cha con rất tất bật, không thể nghỉ được song họ được nghỉ bù ngày thứ hai. Do vậy, cả nhà đã đồng ý chọn thứ hai để dành thời gian cho nhau. Họ cùng hát karaoke hoặc cùng đi ăn lẩu, xem phim, ca nhạc. Ông Vinh bộc bạch: “Tùy công việc và hoàn cảnh mà mình sắp xếp thời gian, miễn là trong tuần có thời khắc nào đó, các thành viên trong nhà cùng bên nhau để tình cảm gia đình thêm gắn bó, làm sao tạo được sự thoải mái một cách tự nhiên chứ gò ép quá cũng mất vui!”. Là chủ một quán lẩu dê ở quận 3 (TPHCM), việc buôn bán không thể bỏ được vào thứ bảy, Chúa nhật nên gia đình chị Nguyễn Thị Huệ cũng tìm thời gian bên nhau vào ngày thứ hai trong tuần. Họ đóng cửa để đi chơi cùng nhau, có khi ra Vũng Tàu, có lúc chỉ đơn giản ở nhà nấu nướng, ăn uống và chuyện trò. “Vui nhất của gia đình chúng tôi chính là những khoảng thời gian bên nhau đó”, chị Huệ khoe.

Cuộc sống tất bật nhưng nếu biết tận dụng những khoảng thời gian dành cho nhau trong gia đình để sống hết mình cùng nhau, quan tâm chăm sóc nhau, dù chỉ vài tiếng trong một tuần thôi, cũng ít nhiều tạo thêm chất keo gắn bó, hiểu nhau hơn giữa các thành viên trong nhà. Hạnh phúc gia đình phải chăng cũng nảy nở từ đó?

Nguyễn Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm