Thứ Sáu, 08 Tháng Giêng, 2016 16:16

Chưa già đã lẩn thẩn ?

Mới bước qua hàng 4 mà anh ấy đã rất khác. Nhiều lúc đãng trí đến mức đi ra đi vào không nhớ mình cần gì, định làm gì. Lắm khi lạnh nhạt với gia đình, quên những ngày quan trọng của hai người, lười chuyện ăn uống, bếp núc. Lúc cần tỏ ra vui vẻ thì khó đăm đăm, lúc thì cười đùa không đúng chỗ, thậm chí thờ ơ luôn cả “chuyện ấy”. Tóm lại, anh ấy như một người đã già và thiếu sức sống. Phải làm sao để anh đừng có chậm chạp, trì trệ như thế nữa bác sĩ ơi?

(Lý H. - Bạc Liêu)

Trong não người có khoảng 4 tỉ neuron thần kinh, sau 25 tuổi, mỗi ngày có khoảng 3000 trong số đó bị phá hủy và không có sự tái tạo mới để thay thế. Trong khi đó, mỗi tế bào phần còn lại vẫn tiếp tục hứng chịu sự tấn công của 10.000 gốc tự do. Quá trình thoái hóa liên tục của bộ não dẫn đến hiện tượng suy giảm trí nhớ và nhận thức khiến con người rơi vào bệnh lãng quên (dementia). Trẻ hóa độ tuổi thoái hóa thần kinh là tình trạng chung của thế giới chứ không riêng ở nước ta. Chứng hay quên, giảm trí nhớ hoặc khó nhớ không chỉ là “bệnh già” mà còn gặp ở học sinh, sinh viên nữa đấy bạn ạ.

Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ sớm là do các căn bệnh thời đại (căng thẳng, thức ăn nhanh, dư cân, rượu bia thuốc lá và chất kích thích, ô nhiễm môi trường). Theo Huffinton Post, năm 2009 trên thế giới có 35 triệu người bị sa sút trí tuệ, hiện nay con số này khoảng gần 47 triệu người trong khi y học thế giới 10 năm nay chưa tìm ra loại thuốc điều trị mới nào.

Hiệp hội Azheimer của Australia cảnh báo rằng 35 không còn là độ tuổi quá sớm để phòng bệnh. Xã hội phát triển khiến người trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống dẫn đến stress. Các bệnh lý thoái hóa thần kinh vì vậy tăng cao mà không do tác động tuổi tác. Biểu hiện phổ biến là tình trạng mất thăng bằng: hoặc dễ kích động, cáu gắt, mất tập trung, xử lý công việc không hiệu quà, hay nhầm lẫn hoặc tư duy chậm chạp, lãnh đạm, vô cảm, “lười yêu”, đánh mất khiếu hài hước có khi cười đùa không đúng lúc (khi người khác bị đau, tai nạn, phẫu thuật, đuổi việc)... Họ chật vật hơn khi đi làm và xử lý các mối quan hệ xung quanh trong xã hội hiện đại. Khi bệnh nhân có dấu hiệu giảm trí nhớ người nhà cần đưa đi gặp bác sĩ, vì khoảng 50% sau 3 năm sẽ chuyển thành bệnh sa sút trí tuệ.

“Bệnh đãng trí” rất khó chữa nhưng bạn có thể giúp chồng khắc phục bằng cách cân bằng lại cuộc sống: kết hợp những thói quen ăn uống lành mạnh kết hợp với tập luyện đúng cách, làm tươi trẻ đời sống tinh thần, tham gia các hoạt động cộng đồng và kiểm soát tốt sự căng thẳng. Bắt đầu từ trong bếp và cuối cùng là cái giường bạn nhé. Cả nhà nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi có chất chống oxy hóa như cam, quýt, táo đỏ. Tăng cường thực phẩm giàu canxi, glucosamin. Hạn chế hoặc tránh rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Ngủ đủ 6-7 giờ/ngày, buổi trưa nên dành ít phút “chợp mắt, ngả lưng”. Thu xếp thì giờ cùng anh xã tập thể dục, yoga, dưỡng sinh mỗi ngày hơn nửa giờ xen kẽ nghỉ ngơi giải trí hợp lí (đọc báo, xem tivi, chăm sóc cây cảnh...) để cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai, giúp rèn luyện thể lực và cải thiện trí lực bởi nó thúc đẩy khí huyết lưu thông, tăng cường chuyển hóa và gia tăng tuần hoàn não, cân bằng tâm trạng. Những môn thể thao ngoài trời như bơi, đi bộ, đánh cầu lông, đạp xe cũng rất tốt cho trí nhớ.

Ths – BS Lan Hải

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm