Để đảm bảo an ninh tuyệt đối, hãng hàng không American Airlines không tiết lộ bất cứ điều gì về chuyến bay chở Đức Giáo hoàng Phanxicô trong năm ngày cuối tháng 9 vừa qua. Chỉ sau khi mọi việc kết thúc hoàn hảo, lần đầu tiên phi hành đoàn mới được phép tiếp xúc báo chí vào ngày 5.10.
Là người thành phố Euless (hạt Tarrant, bang Texas), tiếp viên Jeff Gross (47 tuổi) có mặt trong số nhân viên hãng American Airlines (các phi công, tiếp viên, nhân viên an ninh, chuyên viên kỹ thuật, ...) được chọn lọc tại căn cứ của hãng đặt tại thành phố Fort Worth (bang Texas). Máy bay được thuê để đưa Đức Phanxicô từ sân bay quân sự Andrews (hạt Prince George, bang Maryland) đến sân bay quốc tế John F. Kennedy (thành phố New York, bang New York), rồi tới thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), và sau cùng rời Mỹ bay thẳng về Rôma.
Alan Relph và George Aggas, hai kỹ thuật viên của Armerican Airlines, dán huy hiện Đức Phanxicô lên thân Boeing 777-200ER |
Có bốn phi công và mười lăm tiếp viên trên chuyến bay lịch sử ấy. Ngoài ra, để dự phòng trường hợp khẩn cấp, hãng American Airlines dành riêng một máy bay Boeing 777 thứ hai sẵn sàng thay thế bất kỳ lúc nào, vì nó cũng đầy đủ phi hành đoàn và đội ngũ kỹ thuật... Cả hai phi hành đoàn được tuyển chọn trong số 17.000 nhân viên của American Airlines, vốn có kinh nghiệm năm 1993, khi chở Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từ thủ phủ Denver (bang Colorado, Mỹ) bay về Rôma trên chiếc Boeing 767-300ER.
Vừa qua, khi chiếc Boeing 777-200ER đang hướng về Rôma, Đức Phanxicô mời tất cả phi hành đoàn gặp ngài, và họ liền hoan hỷ xếp hàng để yết kiến vị khách rất tôn quý. Phụ trách cabin chính và đứng ở vị trí thứ hai trong hàng người ấy, Gross thú thực: “Tôi không khỏi nôn nao, hồi hộp”.
Phi hành đoàn diện trưng quốc kỳ Mỹ, Ý, và Vatican |
Đến lượt Gross đối diện Đức Giáo hoàng, ông xin ngài ban phúc lành. Gross thổ lộ: “Lúc Đức Giáo hoàng bước đến, cũng giống như tôi thấy Chúa. Ngài ban phép lành cho tôi và nắm lấy tay tôi. Đó là một trải nghiệm tâm linh”. Tuy không phải giáo dân, Gross vẫn mang theo các xâu chuỗi và thánh giá để xin Đức Phanxicô làm phép cho tất cả các thứ.
Trở về nhà sau chuyến bay, lòng Gross lúc nào cũng chan chứa niềm vui và an lạc. Ông tâm tình: “Phục vụ trên chuyến bay vốn là công việc bình thường của mỗi tiếp viên hàng không, thế nhưng chúng tôi cứ cảm thấy dường như hành trình vừa qua rất thiêng liêng. Đó là một trải nghiệm lạ thường nhất trong đời tôi, là một dấu ấn sâu đậm trong nghề của tôi”.
Là người thị trấn Flower Mound (thuộc hai hạt Denton và Tarrant, bang Texas), cơ trưởng George Griffin (53 tuổi) cho biết mỗi khi Đức Giáo hoàng bước lên máy bay, ông đều đích thân ra chào đón. Mỗi lần như thế, ông được dịp gặp Đức Phanxicô vài phút ngắn ngủi; tuy nhiên, đối với một tín hữu Công giáo như Griffin, vậy đã là quá nhiều lắm rồi.
Trong chuyến bay, cơ trưởng Griffin thay mặt hãng American Airlines dâng Đức Giáo hoàng một quà biếu, nhưng không tiết lộ đó là gì. Khi máy bay trực chỉ thành phố Philadelphia, Griffin xin Đức Giáo hoàng ban phúc lành cho ông hạ cánh suôn sẻ. Đức Phanxicô nhậm lời nhưng ngược lại, ngài nhờ Griffin hãy cầu nguyện cho tông vụ Giáo hoàng tại Philadelphia sẽ đạt được kết quả mỹ mãn.
Sáng 26.9.2015, máy bay đáp xuống Philadenphia. Quốc kỳ Mỹ và Vatican tung bay trước buồng lái |
Griffin còn xin Đức Giáo hoàng ban phúc lành cho ông và gia đình, cũng như làm phép các thánh giá và các xâu chuỗi ông mang theo. Đức Phanxicô liền nhậm lời, khiến cho cơ trưởng vô cùng hạnh phúc. Đó là một trải nghiệm không sao diễn tả cho xiết. Ông tâm sự : “Khi đứng trước Đức Giáo hoàng... bạn cảm thấy rất mạnh mẽ. Tôi thấy mình được ban phúc rất nhiều”.
Là người thành phố North Richland Hills (hạt Tarrant, bang Texas), chuyên viên kỹ thuật Tom Howard (59 tuổi) cho biết sau khi hãng American Airlines được chọn để phục vụ chuyến tông du của Đức Giáo hoàng trên nước Mỹ và đưa ngài trở về Rôma, việc chuẩn bị triển khai từ tháng Giêng, bao gồm chọn hai máy bay (một chánh thức, một dự phòng), hai phi hành đoàn, hai đội ngũ bảo trì sửa chữa... Phải đảm bảo mọi thứ và mọi người đều hội đủ tất cả yêu cầu gắt gao của cơ quan mật vụ Liên bang Hoa Kỳ và bộ phận an ninh của Vatican.
Từ phải sang trái: Cơ trưởng Griffin, chuyên viên kỹ thuật Howard, và tiếp viên Gross với lá cờ của Vatican từng tung bay trước buồng lái. Ảnh: Paul Moseley, AP. |
Howard kể: “Đức Phanxicô không muốn được dành riêng bất kỳ một phục vụ đặc biệt nào. Ngài muốn tất cả mọi người ngồi trên máy bay đều được phục vụ giống y nhau”. Có vài thay đổi nho nhỏ được thêm vào chiếc Boeing 777-200ER: Huy hiệu của Giáo hoàng được dán trên thân máy bay, bên cạnh cửa lên xuống; hai lá cờ của Mỹ và Vatican được gắn phía trước buồng lái (cockpit). Vài tấm màn được tháo ra khỏi một chiếc máy bay khác để treo bổ sung trong khu vực hạng nhất, nơi Đức Giáo hoàng ngồi. Howard giải thích: “Đức Giáo hoàng không muốn có những sửa đổi, thêm thắt nào khác trên máy bay khiến cho chi phí phải tăng lên”.
Howard xin Đức Giáo hoàng ban phép lành cho máy bay và được nhậm lời. Ông nói: “Tôi không nghe được ngài nói gì... nhưng thấy ngài làm dấu thánh giá”. Là người Công giáo, có chín anh chị em, Howard mang theo cả một túi đầy các xâu chuỗi, thánh giá và Kinh Thánh để xin Đức Phanxicô làm phép lành cho tất cả các món trong túi đó. Đức Giáo hoàng vui vẻ nhậm lời nhưng lại đặt điều kiện với Howard: “Bây giờ con phải làm một việc này cho cha. Hãy cầu nguyện cho cha”. Ngay lúc ấy và rồi suốt cả chuyến bay, Howard lúc nào cũng cảm thấy lâng lâng.
Howard tiết lộ: Sau khi máy bay rời Rôma trở về Mỹ, đội bóng chày Texas Rangers cần đi xa thi đấu, nên tha thiết xin thuê đúng chiếc máy bay đã chở Đức Giáo hoàng và đã được ngài ban phép lành. Có lẽ họ muốn “lấy hên” và đại thắng. Tiếc thay, hãng American Airlines không thể thỏa mãn họ bởi vì máy bay Boeing 777-200ER phục vụ Đức Giáo hoàng lớn hơn so với nhu cầu của đội bóng chày. Hơn nữa, sau khi gỡ huy hiệu Giáo hoàng và hai lá cờ trước buồng lái, máy bay đã tiếp tục những chuyến bay bình thường theo kế hoạch khai thác kinh doanh của American Airlines.
Huệ Khải
Bình luận