Thứ Sáu, 31 Tháng Bảy, 2015 15:36

Chuyện ngược đời

Gần đây con trai 5 tuổi của em bỗng cư xử rất lạ: cu cậu bực bội, khó chịu, vùng vằng như đang "ghen" mỗi khi ba ngồi cạnh mẹ, nằm chen vào giữa ba mẹ những khi cả nhà xem TV hoặc đi ngủ, thậm chí còn nói dứt khoát rằng "lớn lên con sẽ cưới mẹ". Vợ chồng em lo lắng đến mất ăn mất ngủ cho sự phát triển nhân cách và giới tính của con.

(Một phụ nữ giấu tên ở An Giang)

 

Gửi người mẹ đang bối rối,

Điều mà bạn lo lắng về khuynh hướng của “thằng cu con” cứ quấn lấy mẹ và tức tối với cha có tên là phức cảm Ê - đíp, xuất xứ từ câu chuyện trong Thần thoại Hy Lạp. Truyện kể rằng Oedipus - một người anh hùng đã chiến thắng con nhân sư quái ác - đã giết một người đàn ông mà không biết rằng người đó là cha mình rồi lấy vợ của người ấy mà không biết rằng đó chính là mẹ mình. Chàng đã thực hiện như lời tiên tri kỳ lạ của nữ thần trong đền Delphi.  Bỏ qua nội dung có vẻ loạn luân và bi đát của truyền thuyết, ở đây, nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud (1856 – 1939) dùng để đặt tên cho một đặc điểm tâm sinh lý ở trẻ nhỏ từ 3 - 6 tuổi: tình cảm quyến luyến đặc biệt giữa con trai với mẹ mình và con gái với cha mình (nghĩa là đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh ra mình thuộc giới tính khác mình và có vẻ đố kỵ với đấng sinh thành cùng giới với mình). Ở bé gái được gọi là phức cảm Electra (cô bé cảm thấy thích cha hơn và ghen tỵ với mẹ nó).

Có lẽ bạn cũng thấy: ngay từ khi còn nằm trong cung lòng của người mẹ, đứa trẻ luôn tiếp xúc và được mẹ che chở. Rồi từ khi sinh ra, được mẹ ôm ấp, ẵm bồng, bú mớm, vỗ về. Có thể nói, ngay từ lúc mở mắt chào đời, người mẹ chính là đối tượng đầu tiên, duy nhất và hoàn hảo đem đến cho cậu bé sự an toàn, no nê, thỏa mãn. Lớn thêm vài tuổi, cậu bé có xu hướng phụ thuộc mẹ, thèm được ở gần và rất cần mẹ đồng thời cũng “giương vây” lên với cha nó, người mà bé coi như là đối thủ tranh giành những thương yêu từ mẹ. Cậu bé cũng cảm thấy tức tối khi thấy mẹ để ý đến người khác. Đây là sự phát triển bình thường về tâm lý, không chỉ giúp trẻ phát triển lành mạnh về tinh thần và tình cảm mà còn là cơ sở cho những quan hệ đúng đắn đối với người khác phái sau này (chẳng hạn, khi trưởng thành, nó sẽ chọn người bạn đời rất giống với mẹ mình hoặc khác hẳn mẹ mình).

Ai đó đã nói rằng “người cha là anh hùng của con trai mình và là người yêu của con gái mình”. Vợ chồng bạn nên gần gũi trò chuyện với cậu bé nhiều hơn, tránh những biểu hiện quá riêng tư thân mật trước mặt con, khuyến khích bé cùng bố giúp mẹ những việc mà “phụ nữ chân yếu tay mềm khó mà làm nổi”, khéo léo chuyển cái cảm giác “đố kỵ” của cu cậu thành tình cảm “thần tượng” cha mình, sao cho cu cậu tự tin “con là chỗ dựa của mẹ, mai sau con chính là người thay bố chăm sóc mẹ và các em”...■

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm