Bé nhà em được 3 tuổi, chơi với trẻ hàng xóm thường khư khư giữ đồ chơi của mình, không cho ai động vào. Ở nhà, mỗi khi bé mặc đồ mới hoặc ăn món quà gì, ông bà cha mẹ “thử lòng” hỏi xin, bé thường rụt tay lại không cho hoặc lờ đi. Gặp thứ gì thích mắt trong nhà, đều đòi “của con, của con”…
Trong gia đình cứ như có một “ông thần giữ của” mặc dù cha mẹ tính tình hào phóng. Cả nhà muốn dạy bé lòng quảng đại bằng việc biết chia sẻ đồ chơi hoặc quà vặt với bạn mà khó quá. Liệu có thể “cải tạo” bé được không?
(Hoàng Anh T. - Hà Nội)
![]() |
Việc trẻ con ở lứa tuổi này không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn bè ít nhất là kết quả của 2 điều tích cực: thứ nhất là tự ý thức của trẻ đã bắt đầu phát triển, giúp bé phân biệt được cái gì là của mình thì không ai được phép động vào và dần sẽ hiểu cái gì của người khác thì cần được tôn trọng. Thứ hai, bé đã có kinh nghiệm của mình thông qua việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chẳng hạn đã có lần bị bạn cùng tuổi không trả lại đồ chơi sau khi mượn, đồ chơi bị phá hỏng sau khi cho mượn, bị cha mẹ bắt nhường món đồ mình yêu thích nhất cho em nhỏ hoặc bị anh chị giành mất.
Điều đáng buồn, nhiều người lớn chúng ta lại cho bé “bài học kinh nghiệm nhớ đời” qua việc “dạy” trẻ, kể cả trêu chọc trẻ. Có nhiều bậc phụ huynh có lần vì xã giao đã thuyết phục con thậm chí giành quyền của con cho đứa trẻ khác (con của sếp, của hàng xóm, bạn bè, họ hàng) mượn đồ chơi, đôi khi là… “sang tay” luôn! Và lần khác lại tiếp tục “xâm phạm quyền sở hữu” của trẻ không thương tiếc, mà trẻ không được tự mình quyết định. Bé thấy bố mẹ không “bảo vệ” mình lại còn cho người khác “cướp” đồ chơi của mình nên từ đó phải tìm cách tự vệ. Đó là chưa kể, hễ có dịp lại “thử lòng” trẻ bằng cách xin cái này cái kia, từ bộ quần áo mới đến thức ăn, từ món đồ chơi đang cầm trên tay đến đôi dép đi dưới chân…, trẻ có cái gì cũng bị người lớn đem ra “thử lòng”. Càng “dạy” kiểu đó càng khiến trẻ khó chịu và tạo ra phản ứng tự nhiên là càng xin, bé càng giữ rịt lấy đồ. Đây cũng là một kiểu người lớn sử dụng hàng ngày để trêu chọc trẻ theo thói quen truyền đời. Liệu có ai nghĩ đó cũng là một trong vô vàn cách “bắt nạt trẻ con” khi đẩy đứa bé vào tình trạng khó xử để rồi trêu chọc, dè bỉu, chê bai, cười cợt chúng là “đồ ki bo”, “đồ kẹt xỉ”, “tham ăn”, “không biết điều”? Liệu có ai nghĩ rằng làm thế là chưa tôn trọng cảm xúc của trẻ giống như cảm xúc của chính mình? Đây là cảm giác mà rất nhiều đứa trẻ xung quanh chúng ta phải chịu đựng hàng ngày.
![]() |
Bởi vì, thật lòng mình, bạn có thích thú và sẵn lòng cho hết mọi thứ khi người khác xin không? Điều mình không thích thì đừng làm cho người khác, nhất là khi đó là một đứa trẻ. Sự ích kỷ và thói “thần giữ của” của các bé có thể bắt nguồn từ những trò đùa dai này. Và như thế, dần dần trẻ lại trở nên keo kiệt và tham lam.
Để dạy trẻ sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, để dạy trẻ biết nhường nhịn, biết hy sinh bản thân cho người, đầu tiên cha mẹ hãy làm gương. Sau nữa, cho chúng tham gia chơi chung với mọi người, cùng chia sẻ đồ chơi, thức ăn. Trước khi đi chơi, nhắc con chọn đồ chơi hoặc truyện tranh nào có thể cho bạn mượn hoặc trao đổi với bạn. Biết món đồ chơi nào là “vật bất ly thân” của con để tránh không gây khó dễ cho bé. Kể cho trẻ nghe những câu chuyện về sự nhường nhịn, giúp đỡ người khác. Đưa chúng đến tham gia các hoạt động từ thiện, để chúng thấy niềm vui của việc trao quà tặng với thành ý. Những cách làm ấy dần dần khiến trẻ cảm nhận về sự nhường nhịn, chia sẻ, đùm bọc người khác.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.