Thứ Bảy, 21 Tháng Năm, 2016 15:54

“Con muốn tự làm” !

Sau sinh nhật 2 tuổi, con gái tôi như biến thành đứa bé khác. Mới ngày nào cháu còn bám mẹ như cái đuôi thì nay đã đòi tự làm mọi thứ, thậm chí còn giành phần việc của người lớn! Cả nhà gọi yêu bé là “con ma xó” vì tuy không nói được thành câu dài nhưng bé hiểu khá nhiều điều người nhà nói chuyện và biết cái gì để ở đâu.

Vợ chồng tôi nhiều phen bối rối vì không biết phải dạy con thế nào cho đúng với độ tuổi của bé.

(Nguyễn H. N. - quận 7, TPHCM)

Trước 18 tháng tuổi, hầu hết các bé đều bám lấy cha mẹ, nhất là mẹ. Khi được 2 tuổi, trẻ có nhu cầu vận động toàn thân và ngôn ngữ phát triển vượt bậc, để rồi đến 2 tuổi rưỡi thì hiện tượng đột phá này tự nhiên biến mất. Các bậc cha mẹ nên biết đây là thời kỳ quý giá dành cho sự phát triển ngôn ngữ suốt đời của con.

Một số chuyên gia cho rằng đến 2 tuổi hầu hết các bé có khả năng nói được hơn 50 từ và có thể hiểu được gấp 10 lần khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ. Vì thế người lớn phải nói với trẻ bằng giọng chuẩn và cân nhắc những gì mình nói trước mặt trẻ. Theo đó, ở độ tuổi này, trò chơi ngôn ngữ là thích hợp nhất. Tạo môi trường giàu ngôn ngữ cho trẻ bằng cách đọc truyện, kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe, mỗi ngày lại hỏi thêm từ mới để bé tích lũy được vốn từ nhiều hơn. Hạn chế cho trẻ nghe TV, radio, video, CD mà mỗi ngày tranh thủ nói chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt, bởi vì nghe liên tục “tiếng máy”, trẻ sẽ bớt phản ứng nhanh nhạy với “tiếng người”.

Thỏa mãn tính thích làm việc vặt của con bằng cách giúp bé trở nên bận rộn và góp một tay vào việc nhà hằng ngày, chẳng hạn cho con tham gia vào việc chuẩn bị dọn cơm, hãy hỏi bé “bát đĩa ở đâu?”, nếu tủ bát ở chỗ mà bé có thể với tới, bé có thể lấy bát cho cả nhà. Hỏi “nước ở đâu?”, bé có thể chỉ vào tủ lạnh hoặc bình nước. Nhờ bé cầm chổi quét nhà, giặt khăn lau bàn, vứt rác vào thùng, giúp bé nhận biết mối tương quan giữa các đồ vật…

Bên cạnh đó, giúp bé hình thành sự tự tin bằng cách dạy bé leo cầu thang. Hoạt động này giúp bé học cách kiểm soát các cơ bắp và chuyển động cơ thể khi leo lên, leo xuống với sự hỗ trợ của người lớn. Có thể sau đó bé sẽ thích leo lên giường, bàn ghế hoặc những thứ trong tầm với nên cha mẹ phải giám sát con thật kỹ, nếu cần có thể mua thảm chơi để phòng té ngã.

Đầu tư cho kho đồ chơi của bé, vì đây chính là “dụng cụ học tập” của trẻ 2 tuổi trở lên:

- Trẻ có thể bế ẵm, vuốt ve thú nhồi bông với cảm giác thích thú, chăm sóc trò chuyện nựng nịu như người bạn thân thiết.

-  Búp bê, nhà búp bê, bộ đồ gỗ xếp hình, cát, rối giật dây đơn giản kích thích trí tưởng tượng.

- Bộ đồ hàng, xe tải, tàu điện, thành phố đồ chơi, nông trường đồ chơi giúp trẻ học bắt chước người lớn.

- Các loại xe ba bánh, xích đu, cầu thang, cầu trượt, đệm nhảy lò xo, bóng, vòng… giúp bé phát triển vận động.

- Đồ chơi phát triển trí tuệ (nặn đất sét, lego, kính lúp, nam châm...)

Lúc này bé đã biết cầm bút, vẽ nguệch ngoạc trên giấy hoặc các bề mặt khác, cha mẹ nên chuẩn bị bút và thật nhiều giấy, một tấm bảng đủ lớn (loại xóa đi dễ dàng) kèm bút đánh dấu dễ tẩy rửa và không độc hại. Bé sẽ tha hồ “quậy” tưng và cho ra nhiều “tác phẩm” độc đáo.

Trong suốt quá trình huấn luyện “người lớn tí hon” 2 tuổi này, đừng quên khen ngợi những thành quả mà bé đạt được nha bạn.

THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm