Thứ Hai, 09 Tháng Năm, 2016 14:24

Con ngoan quá hóa... đần ?

Con gái em ngược hoàn toàn với tính mẹ, mẹ nhanh nhẹn hoạt bát bao nhiêu thì bé tự ti nhút nhát bấy nhiêu. Điều này khiến vợ em rất thất vọng và quyết tâm cải tạo con mình. Hằng ngày vợ em kèm con gái học và thúc bách bé chơi với đám con nít trong xóm cốt sao cho bé mạnh dạn hơn. Vậy mà con bé vẫn cúi gằm mặt khi nghe cô giáo gọi, trả lời lí nhí mỗi khi phải phát biểu. Bé rất vâng lời nhưng rụt rè và ngại giao tiếp, có vẻ “đần” hơn các bạn cùng tuổi. Em không biết phải làm sao để bé tự tin hơn?

(Một phụ huynh ở quận Gò Vấp, TPHCM)

Có bao giờ bạn nghe thấy mẹ con nhà bé trò chuyện với nhau theo kiểu: “Mẹ ơi con thấy bộ quần áo này hơi chật ạ”, “Cứ mặc vào. Chật gì mà chật, mặc tí khắc vừa” hoặc “Hôm nay con thích đọc truyện”, “Trời đẹp lắm, đi chơi đu quay với bạn vui hơn”… Nếu nhiều lần ý kiến của trẻ bị từ chối thì bé ngầm hiểu rằng lời nói của mình không đáng được để ý, mẹ không tin tưởng vào quan sát và cảm xúc của mình. Đứa trẻ bị chính bố mẹ phản đối ý kiến lâu dần sẽ mất tự tin và khả năng độc lập. Khi trẻ muốn thử điều gì mà cha mẹ không cho làm là đã bị tước mất cơ hội để tin vào bản thân. Một bé như thế không nhút nhát mới là lạ.

Các nhà tâm lý nhi đồng cho rằng, sự tự tin của trẻ bắt nguồn từ tình yêu thương vô điều kiện của gia đình. Ngay từ khi trẻ mới sinh cho đến suốt thời kỳ bú mớm, cha mẹ nên để con biết rằng dù con là đứa trẻ thế nào thì vẫn là một người độc nhất vô nhị, không cần phải so sánh với những đứa trẻ khác và luôn nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ.

Nếu một trẻ từ bé đã bị mẹ so sánh về cân nặng, chiều cao, lớn lên lại bị áp lực bởi điểm số, giấy khen, danh hiệu, luôn bị chê bai trước mặt người lạ “để bản thân cố gắng hơn nữa” thì sẽ cảm thấy mình chẳng bao giờ bằng “con nhà người ta”, mình không làm cha mẹ hài lòng và trở nên kém giá trị trong mắt mọi người. Thiếu tự tin là hệ quả của việc đánh giá thấp bản thân, khiến đứa trẻ không thể phát huy được những khả năng tiềm ẩn, nhụt chí, không dám nỗ lực, ngại thử thách và sống khép mình với xã hội.

Có bao giờ bạn nghe thấy vợ cằn nhằn: “Con chẳng giống ai trong cái nhà này”, “Sao nói mãi mà con không hiểu”, “Con không bằng bạn A, B, C”… Trẻ nhỏ có lòng tự trọng và cần được mọi người tôn trọng. Một cậu bé có thể không làm toán giỏi nhưng lại có tài chơi bóng, một bé gái có thể không giỏi vẽ nhưng lại thuộc nhiều bài thơ, một học sinh không giỏi môn văn nhưng rất thích môn sinh vật… Tất cả các em đều có thế mạnh riêng và mỗi em cần được tôn trọng, khuyến khích, giúp đỡ để phát huy sở trường của mình.

Đừng đòi hỏi quá cao ở trẻ mà hãy bắt đầu đơn giản từ những hành động nhỏ. Khi một đứa trẻ được mọi người đánh giá đúng, chúng sẽ cảm thấy vui vẻ, tự nhiên, muốn khẳng định mình hơn, cảm thấy tự hào và tự tin hơn. Trái lại, trẻ nào hay bị mắng mỏ, phê bình, thậm chí mỉa mai sẽ cảm thấy mình “chẳng ra gì” từ đó mặc cảm, mất đi hứng thú trong việc học và trong cuộc sống. Khi khiển trách những hành động sai của con, cha mẹ đừng tỏ ra uy quyền bằng cách đứng la mắng và chỉ thẳng vào mặt trẻ. Làm vậy là thiếu tôn trọng trẻ con, khiến con bị ức chế và nảy sinh tâm lý tiêu cực. Hãy ngồi xuống ngang hàng với bé và nói chuyện ôn tồn, giúp trẻ phân định đúng - sai và biết thừa nhận điểm sai.

Nếu cha mẹ thường xuyên ra lệnh cho con nên làm gì và làm thế nào thì trẻ sẽ luôn thực hiện theo lời của bố mẹ và không được đưa ra lựa chọn của chính mình. Từ đó, trẻ sẽ trở nên thụ động và thiếu sáng kiến, ngoan quá hóa… đần là vậy.

Trẻ chỉ tự tin khi biết mình làm đúng, mình được yêu thương và được tôn trọng bạn ạ.

THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm