Con trai em học năm cuối cấp 2 gặp vấn đề về tâm lý, cháu chậm chạp và ít giao tiếp. Cháu quá nhút nhát không thể trả lời khi bác sĩ hỏi nên em luôn phải đi cùng để nói thay cho con từ tên, tuổi đến diễn biến bệnh tật. Cháu cũng không điền nổi một mẫu giấy tờ nhà trường yêu cầu. Cháu chỉ làm khi được người khác sai bảo. Kết quả học tập của cháu không tồi thậm chí được khen thưởng. Làm thế nào để cháu tự lo được cho mình và có thể tự lập sau này?
(Một bà mẹ gọi điện hỏi)
![]() |
Những đứa trẻ không có cơ hội để nói, để tự phục vụ mình từ việc ăn uống, chọn quần áo đến chọn nghề nghiệp sau này phần nhiều là do cha mẹ đã giành phần làm hết thay con, thậm chí nhiều ông bố bà mẹ vẫn giữ thói quen can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con kể cả khi con đã lập gia đình riêng. Nhưng có bậc phụ huynh nào có thể theo con suốt cuộc đời, phải không ạ? Thế nên việc dạy cho trẻ tự lập là rất quan trọng.
Bên cạnh việc hướng dẫn con tự chăm sóc bản thân và tạo cơ hội được thực hành thì bố mẹ cũng nên khuyến khích con độc lập ngay trong suy nghĩ và tự tìm cách giải quyết vấn đề. Chị nên cho phép con có lựa chọn riêng từ tấm bé, từ việc chọn mặc quần áo, đi giày dép, đội mũ nón khi đi học Mẫu giáo và lúc khi đi chơi đến việc chọn học thêm môn năng khiếu gì, mua xe đạp loại nào khi lớn hơn... Điều đó sẽ giúp trẻ có khả năng tự quyết sau này khi lựa chọn sự nghiệp, lối sống, người yêu, lập gia đình. Có thể ngày đó chị đã từng nghĩ#, con còn bé mà, phải giúp nó chứ. Thế là con 4 tuổi mẹ vẫn đi dép cho; 6 tuổi mẹ bón cho từng muống cơm; 8 tuổi đừng mặc áo vàng, áo trắng mới đẹp; 15 tuổi không cần tập xe đạp, để mẹ đưa đón đi học... Và giờ đây trong nhà có một chú rô-bốt!
Muốn chàng “rô-bốt biến hình”, anh chị sẽ phải làm cuộc cách mạng thay đổi thói quen và quy tắc trong nhà:
- Thể hiện tôn trọng về việc làm của trẻ. Khi các cố gắng được đánh giá, trẻ sẽ hình thành lòng dũng cảm để tự mình giải quyết các khó khăn. Cha mẹ chỉ là người khéo léo định hướng và góp ý.
- Hãy dũng cảm mời “người thứ ba” (ngoài gia đình và trường học) giúp dạy dỗ con mình, bằng cách tạo cơ hội cho trẻ dùng kinh nghiệm của người khác. Chẳng hạn cho con tham khảo bạn bè khi tìm thầy học thêm hoặc tập môn thể thao nào đó, nói chuyện với nha sĩ để học cách bảo vệ răng, học hỏi người bán hàng về cách chọn đồ tốt, xem thợ sửa điện nước làm việc,...
- Đừng vội trả lời thay con, hãy kiên nhẫn đợi con suy nghĩ và nói ra. Ngay cả khi con thắc mắc thì cũng khoan mau mắn cho ngay “lời giải” mà hãy gợi ý giúp trẻ tư duy, suy luận.
- Không vội làm thay con. Nhiều cha mẹ sốt ruột, khó chịu khi thấy con lóng ngóng, vụng về và bực mình khi con thực hiện một việc gì đó không được hoàn hảo. Hãy cho con làm theo ý riêng và được phép sai sót. Theo khoa học, gọi là phương pháp “Thử và Sai”. Lắm gia đình còn bị cản trở vì ông bà nuông chiều, can thiệp.
- Khi con bày tỏ nguyện vọng muốn theo đuổi việc gì, chị đừng dập tắt hy vọng của trẻ, kiểu như “Học dốt như con thì đừng mơ làm nhà sáng chế”, “Nhát cáy mà cũng đòi làm phẫu thuật viên cơ à” mà hãy gợi mở: “Con nghĩ sao về công việc này?” để trẻ tự suy nghĩ và biết phải cố gắng như thế nào, lên kế hoạch ra sao.
Có lẽ cả chị và cháu đã trải qua những cảm giác tiêu cực: cha mẹ thất vọng khi thấy con yếu kém, bị phụ thuộc. Cháu cũng có thể trách cứ bố mẹ vì đã không cho mình cơ hội được trải nghiệm như “con nhà người ta”. Hãy cho con “quyền được tự làm”, chị ạ.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.