Thứ Sáu, 25 Tháng Chín, 2015 23:05

Cùng con làm đèn trong tết đoàn viên

Cùng con làm đèn vào dịp Trung thu với nhiều phụ huynh là cả một kỳ công, nhất là trong thời buổi công nghiệp hóa với cuộc sống hối hả đưa đẩy người ta chọn những cái làm sẵn vì không có thời gian. Nhưng đây đó, vẫn có những người muốn hòa nhịp với con trẻ trong việc tự tạo lồng đèn để ôn lại ký ức một thời…

Các phụ huynh cùng làm lồng đèn và gợi thêm tinh thần sáng tạo cho trẻ

Lồng đèn trúc truyền thống

Dù việc “tự chế” lồng đèn chơi Trung thu không còn thịnh như xưa nhưng ở một số vùng quê, trước đêm rằm mấy hôm, cũng vẫn còn cảnh trẻ con và người lớn nhộn nhịp làm đèn. Anh Minh Triết, 45 tuổi (Bến Tre) cho biết, để con có được cái tết Trung thu đúng với tuổi thơ, anh và gia đình không mua các loại đèn với bóng điện, có nhạc với nhiều hình thù đẹp mắt. Tuy sản phẩm này có thu hút nhưng cũng khiến các bé mau chán và không cảm nhận được một mùa Trung thu đúng nghĩa. Vì thế, anh đã chọn cách hướng dẫn con làm lồng đèn, vừa vui mà cũng vừa nhằm giúp con có được một bài học về thành quả lao động. Từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình lắp ráp, mấy cha con đều hì hục tập trung cao độ. Ban đầu, chiếc đèn làm ra có phần không đẹp như các sản phẩm khác, các bé có sự ghen tị, không sử dụng. Nhưng người cha không “bỏ cuộc”, anh đã chỉ rõ cho các con thấy được những nguy hại của các loại đèn Trung Quốc và hiểu hơn ý nghĩa tuổi thơ của mình. “Từ đó mà mấy năm gần đây, tôi và các con cũng đều háo hức đi chọn trúc về làm đèn”, anh Triết nói.

Một số trường học dịp này đã tổ chức thi làm lồng đèn

Một số trường học trong dịp này còn tổ chức cuộc thi làm lồng đèn để phát huy tinh thần sáng tạo của học sinh. Vì thế, bên cạnh đèn hình ngôi sao phổ biến, các kiểu đèn hình thù khác như máy bay, ô tô hay con bướm, chiếc cặp, hoa sen... cũng được nhiều em sáng tạo thêm để thi thố. Chị Nguyễn Thị Ánh, 36 tuổi (ngụ Hóc Môn, TPHCM) cười tươi kể, năm nào cũng vậy, con gái 12 tuổi của chị cũng nhất quyết đòi làm lồng đèn để dự thi. Con bé đã theo mẹ đi mua nguyên liệu cùng các phụ kiện, rồi nghĩ cách trang hoàng chiếc đèn sao cho “bắt mắt” nhất. “Năm trước chiếc đèn của con và mẹ làm chỉ đạt hạng ba, năm nay con nhất quyết sẽ đạt hạng nhất”, bé Ánh Nguyệt (con chị Ánh) hồ hởi khoe.

Theo những người trong cuộc cho biết, để hoàn thành một chiếc lồng đèn bằng trúc, khâu dán giấy màu kiếng, trang trí đường viền thường mất nhiều thời gian nhất nhưng các bậc phụ huynh vẫn có thể hướng dẫn cho con tự làm. Qua đó, cũng gợi thêm tinh thần sáng tạo cho các trẻ để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo. Còn khâu chẻ trúc lại không đơn giản. Thông thường, cha mẹ không để cho con nhỏ làm công đoạn này vì sợ không khéo sẽ dễ bị đứt tay. Ông Châu Việt Minh, 52 tuổi (Long An) chia sẻ trải nghiệm: “Thân trúc rất bén và sắc, chúng có thể được xem là một lưỡi dao nên nếu không chú ý, có thể đứt tay như chơi, vì thế tôi luôn là người tiến hành thao tác tách trúc ra từng đoạn, sau đó việc lắp ráp mới để phần con làm”.

Biến tấu với vật dụng tái chế

Không chỉ được làm từ trúc, tre, lồng đèn “tự chế” còn được các chủ nhân tận dụng vật liệu từ những đồ dùng bỏ đi như vỏ lon, giấy, đôi dép... Đôi khi phụ huynh cũng chắp cánh ý tưởng để con mình có thể có được một món đồ chơi thú vị, tiết kiệm chi phí, không “đụng hàng” mà niềm vui lại nhân lên. Như trường hợp của anh Nguyễn An Bằng, 36 tuổi (Tiền Giang) đã tái chế đôi dép cũ thành một chiếc xe đẩy hiện đại cho đứa con nhỏ của mình. Nguyên liệu mà anh chọn chủ yếu là một đoạn trúc ngắn để làm thân, một chiếc lon để làm nơi chứa nến và chiếc dép cũ làm bánh xe. Lần đầu anh vừa làm vừa chỉ rõ cho con biết để lần sau cậu bé có thể tự làm một mình. Anh hồi tưởng lại một thời tuổi thơ, mình cũng được ba hướng dẫn làm loại đèn này nên “bây giờ chỉ lại cho con cũng cảm thấy thú vị. Tuy đơn giản nhưng sản phẩm làm ra rất đặc biệt, vừa có thể đẩy như một loại xe, mà khi xe chạy do bánh xe quay, chiếc lon phía trên cũng quay theo. Ánh sáng trong chiếc lon sẽ xoay chuyển trông rất đẹp mắt”.

chiếc lồng đèn đơn giản được làm từ lon sữa

Bận rộn với công việc, nhưng anh Thái Văn Khương (ngụ Bình Chánh, TPHCM) vẫn cố gắng tư vấn cho con làm một loại đèn trái bí bằng vỏ lon nước ngọt. Biết con thích làm thủ công từ nhỏ nên anh gợi ý con tận dụng nguyên liệu cũ để chế lồng đèn. Người cha này đã lên mạng tìm kiếm cách làm, sau đó tổng hợp lại và đem in ra, rồi tranh thủ ngày nghỉ, anh cùng cô con gái đem hết những phụ liệu cần có ra và ngồi chế tác. “Những chiếc đèn ban đầu khi làm ra trông rất thô và xấu, nhưng lòng quyết tâm đã giúp cho hai cha con tạo ra được khá nhiều chiếc đèn ưng ý. Con bé đem treo khắp nơi trong phòng, vừa làm vật trang trí mà còn để chơi khi ngày Trung thu đến”, anh Khương kể.

Cũng là vỏ lon, nhưng nhiều phụ huynh đã chọn loại sữa hộp nhỏ để làm ra những chiếc đèn cầm tay khá lạ mắt. Anh Nguyễn Bá Lộc (Bến Tre) hướng dẫn rõ về cách thức làm ra những chiếc đèn đặc biệt này: Trước tiên, rửa sạch và lau khô lon sữa đã sử dụng hết, sau đó lấy một chiếc đinh nhỏ, lật úp chiếc lon lại, dùng đinh tạo thật nhiều lỗ nhỏ, cách đều nhau ở đáy hộp. Tùy hình thù sáng tạo, có khi là ngôi sao, con thỏ, mặt trăng...  Sau đó, đục thêm hai cái lỗ ở thân lon. Cho một sợi dây kẽm làm tay cầm. Như vậy là sản phẩm đã hoàn tất. Khi tối đến, đốt nến trong chiếc lon, những hình thù đục tại đáy lon hiện lên trong đêm, trông đẹp mắt mà rất sống động. Anh bảo: “Như vậy, không tốn bất kỳ chi phí cho việc mua nguyên liệu, sử dụng vật dụng sẵn có cũng có thể cho con một chiếc đèn đặc biệt để vui chơi”.

Dù là sản phẩm được làm bằng tre, trúc hay chỉ là vật dụng tái chế nhưng những chiếc đèn mùa tết đoàn viên này đã nói lên được sự quan tâm của ba mẹ dành cho con trẻ. Với họ, đó không chỉ là việc tạo ra những chiếc đèn độc đáo mà còn là hình thức giúp con thấy được cái hay, cái thú vị của những sản phẩm từ chính đôi tay mình. 

VÕ HỒNG TUẤN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm