NGUYỄN NGỌC HÀ
Chấn thương tâm lý thường đến sau một biến cố trong đời như mất mát người thân, người mình yêu thương, mất việc làm, bị phản bội hay chỉ vì một sự tổn thương do lời nói, hành động của ai đó. Nhiều người trong cuộc đã vượt qua những cơn chấn thương ấy như thế nào?
Từ những cú sốc…
Mất cha mẹ, vợ chồng, con cái là chuyện đau buồn, dễ khiến không ít người rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần. Chị Thúy Hằng, 35 tuổi (quận 5, TPHCM) hồi tưởng lại sau cái chết của ba mình, cho biết đã chao đảo một thời gian, không thiết ăn uống. Ba từng là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho chị nên khi ông không còn nữa, chị như cảm thấy một khoảng trống không gì bù đắp được. Còn anh Nguyễn Sơn, 45 tuổi (quận 6, TPHCM) cho biết, mình từng phải vào bệnh viện điều trị bệnh trầm cảm sau cái chết của mẹ. Từ một người năng động, vui vẻ, anh trở nên trầm buồn, ít nói hẳn. Anh Vĩnh Khang (quận 3, TPHCM) – một thanh niên khá đẹp trai, hiền lành, cũng tiết lộ mình đã có lúc phải điều trị tại bệnh viện tâm thần do cú sốc người yêu đi lấy chồng. Hồi ấy, không chịu nổi sự hụt hẫng này, anh đã ngã qụy đến độ phải mất hơn một năm điều trị tâm lý.
![]() |
Một câu nói vô tình hay tiếng chửi ác ý cũng là nguyên nhân khiến một số người bị sốc nặng. Bà Bích Nhàn, 60 tuổi (quận 5, TPHCM) tâm sự, hồi nhỏ bà từng rất buồn và sống thu mình trong cô đơn, những tưởng mình là người bất hạnh nhất. Tất cả chỉ vì bà bị hai người chị chê mình quá xấu xí, từ mắt, mũi đến miệng. “Tao thấy mặt mày chẳng có gì đẹp. Câu nói ấy từng ám ảnh tôi một thời, tuổi nhỏ mà, dễ tự ti và sốc”, bà Nhàn kể. Anh Nguyễn Văn Nghi, 35 tuổi (Đồng Nai) cũng có nỗi lòng riêng là từ nhỏ luôn bị ba mẹ so sánh với người anh học giỏi. Anh từng sống trong mặc cảm, tự ti và tổn thương bởi những câu nói đại loại như: “Phải chi mày bằng 1/3 anh mày”, “Lớp 9 của mày bằng mẫu giáo của anh mày”.
Giải tỏa nỗi niềm
Sự chia sẻ, động viên của bạn bè, người thân trong gia đình chính là một trong những “liệu pháp” giúp nhiều người vượt qua những chấn thương tâm lý. Chị Thúy Hằng thừa nhận: “Khi thấy tôi quá buồn vì cái chết của ba mình, bạn bè thường xuyên đến thăm hỏi, rủ tôi đi chơi cho khuây khỏa. Đặc biệt mẹ tôi rất quan tâm, dù bà cũng buồn nhưng luôn tỏ ra vững vàng, trở thành chỗ dựa cho tôi trong lúc hụt hẫng. Rồi nỗi đau cũng nguôi ngoai dần”. Bà Bích Nhàn cho biết, suốt một thời gian mình tự ti vì bị chê bai, chỉ khi bước chân vào giảng đường đại học, bà mới lấy lại được sự tự tin. Ở đó, bà được gặp nhiều bạn bè cùng chia sẻ, động viên, thậm chí, trong những tấm hình chụp chung với lớp, ai cũng khen bà có nụ cười thật đẹp. Với bà lúc ấy, những ám ảnh về khuôn mặt xấu xí trong quá khứ mới không còn. Anh Nguyễn Văn Nghi thì may mắn được học một ngôi trường với những giáo viên tốt. Tại đây, thầy cô đã vô tư khen Nghi thông minh, khéo tay trong trang hoàng lớp học những ngày lễ và hát hay, có khiếu văn nghệ. Năm lớp 9, Nghi tâm sự cùng cô giáo chủ nhiệm, cô nhẹ nhàng an ủi: “Ba mẹ đôi khi sai lầm trong nhận định về con cái. Hoặc có thể vì muốn con tiến bộ hơn, lo học hơn nên có những so sánh như thế. Dù bất cứ lý do gì, em hãy ráng học để tự khẳng định mình”. Nghi như được mở lòng, thoát ra khỏi cái bóng của người anh. Rồi anh trúng tuyển vào đại học Bách Khoa và hiện là một kỹ sư khá thành đạt.
![]() |
Trong buổi nói chuyện về “Chấn thương tâm lý” do Trung tâm Hoa Kỳ tại TPHCM tổ chức cuối tháng 1.2016, giáo sư James Keim – chuyên gia thuộc Trường Cao đẳng nghề West Virginia cho biết, ở Mỹ, trong những tang lễ tại nhà thờ, người ta thường đề nghị những người thân, bạn bè của người vừa qua đời lên bục nói về những kỷ niệm vui buồn, những tính xấu, dễ thương hay nổi bật của người này. Nhờ vậy sau đó, tang quyến được an ủi rất nhiều và chấp nhận sự mất mát. Cũng theo giáo sư James Keim, khi bị một chấn thương tâm lý, tốt nhất người trong cuộc nên thổ lộ ra. Nói ra càng nhiều, sự đau khổ, áp lực chịu đựng càng giảm và người ta mau chóng trở lại bình thường. Nếu cất giữ trong lòng có thể dẫn đến trạng thái mất tự chủ, sợ hãi dễ dẫn đến kích động hoặc bị ảo giác.
“Với những trường hợp người trẻ bị rơi vào những cú sốc tâm lý, phải nói đến trách nhiệm của cha mẹ. Ngoài nuôi dạy con cái, các bậc phụ huynh cũng nên thường xuyên theo dõi những diễn biến tâm lý của con. Hãy đặt mình vào vị trí của con mà phán xét vấn đề. Thí dụ như con buồn vì sự chia xa bạn bè, hãy nghe con nói về người bạn đó thay vì la mắng ‘chuyện nhỏ như vậy mà cũng buồn’. Hãy hiểu rằng, tình yêu, tình bạn là thứ khó có thể thay thế dễ dàng. Không nên quy chụp những cảm xúc, những mất mát của con mà hãy hỏi và lắng nghe con cái trước” . Tiến sĩ Võ Văn Nam (Khoa Tâm lý Giáo dục trường Đại học Sư Phạm TPHCM) |
Tuy nhiên, với một số người, việc đem chuyện mình kể cho người khác chưa hẳn là điều hay, nhất là chuyện liên quan đến tình cảm. Họ sợ sau khi thổ lộ ra, người ngoài sẽ không hiểu hết và có khi lại đi kể lung tung hay nói xấu sau lưng mình. Cô gái trẻ Phạm Trúc (quận 3, TPHCM) từng bị hụt hẫng vì mất đi người bạn thân, đã chọn giải pháp viết nhật ký cho riêng mình. Cô cứ viết về những kỷ niệm, sự nhớ nhung bạn mình cho đến ngày lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống và nỗi nhớ nguôi đi. Trong khi đó, Như Mai – cô sinh viên đại học Luật lại sợ viết nhật ký biết đâu một lúc nào đó quyển nhật ký ấy rơi vào tay người khác, hoặc trường hợp bị bạn bè phát hiện, đôi khi lại gây thêm áp lực hay chí ít cũng làm trò cười cho mọi người. Mai suy nghĩ như quan điểm của giáo sư James Keim là nói ra chuyện gây tổn thương cho mình, tuy nhiên, hãy tìm một người bạn thân, đủ tin tưởng để tâm sự, đó cũng là cách giải tỏa nỗi lòng.
Một số người Công giáo cho biết, khi gặp những cú sốc, tổn thương tâm lý, họ tìm được sự bình an, nhẹ nhàng hơn khi đến với Chúa, với Mẹ Maria. Có người tham gia các hội nhóm trong đạo, cùng đi đọc kinh, đi hoạt động bác ái xã hội. “Lúc chồng tôi mới mất, tôi thật sự hoảng, tưởng không biết làm sao mình có thể đứng vững để làm điểm tựa cho con cái. Nhưng rồi nhờ cầu nguyện, tham gia đọc kinh với nhóm Lòng Chúa Thương Xót mà dần dần tôi đã lấy lại được sự bình tâm”, bà Nguyễn Minh (Tân Bình, TPHCM) chia sẻ.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.