VÕ HỒNG TUẤN
Chăm con vốn được xem là chuyện muôn thuở của phụ nữ nhưng ngày nay, nhiều ông bố cũng đảm đương nhiệm vụ này khi người mẹ phải bận rộn với công việc khác. Chuyện thay tã, cho con ăn, dắt các bé đi chơi giúp phái mày râu gắn kết thêm tình phụ tử dù cũng có không ít những tình huống dở khóc dở cười.
1. Do có việc đột xuất phải đi làm vào ngày Chúa nhật nên chị Nguyễn Thu Thủy (quận 3, TP.HCM) đã nhờ chồng trông con giúp. Để yên tâm hơn khi đến cơ quan, chị Thủy phải dậy thật sớm để lo cơm nước cho buổi trưa, nhân tiện bắc thêm nồi cháo nhỏ cho con. Sợ chồng quên, chị còn ghi rõ ra tờ giấy những chi tiết cách pha sữa, cho con ăn lúc mấy giờ, ngủ thời gian nào... Anh chồng ậm ừ cho qua chuyện vì còn đang ngái ngủ. Đến khi đã thật sự tỉnh thì anh mới tá hỏa đi tìm mảnh giấy của vợ. Mấy giờ đầu hai ba con ở nhà với nhau rất vui vẻ, nhưng đến khi cho bé ăn, anh lại sực nhớ thằng nhóc nhà mình rất lười ăn, mọi khi vợ phải bồng đi khắp xóm mới xong bát cháo. “Lúc đó tôi không biết phải làm sao, tìm đủ mọi cách, mở nhạc, mở quảng cáo, cả phim hoạt hình mà hai tay bé cứ đẩy muỗng cháo ra, không chịu ăn làm cháo vung khắp nhà. Hì hục cả buổi bé ăn chỉ vài muỗng”, anh Nguyễn Hữu Công - chồng chị Thủy kể lại. Sợ chồng ở nhà không làm đúng những điều mình ghi trên giấy, chị Thủy nóng ruột gọi điện về hỏi thăm. “Sợ vợ chê vô dụng nên tôi cũng ậm ừ bảo con ăn xong rồi, đang pha sữa để chút nguội cho bé bú thêm”, anh nói. Sau cú điện thoại ấy, anh nẩy ra sáng kiến cho bé ngồi vào xe đẩy, còn mình lấy cái áo khoác của vợ mặc vào người, đầu đội chiếc nón rộng vành, tay cầm chén cháo dỗ dành con. Thấy bộ dạng quen quen của mẹ, bé Ben nhà anh đã ăn được gần một chén.
![]() |
Anh Nguyễn Hữu Công tắm gội cho con trai |
2. Câu chuyện nhớ đời mà anh Huỳnh Bá Phúc (quận Bình Tân, TP.HCM) nhắc tới khiến không ít người cười ngất. Số là hôm ấy nhà đồng nghiệp có tổ chức một buổi tiệc ăn mừng. Bạn bè đến tận nhà để mời gọi, nhưng do vợ đi vắng, con còn nhỏ nên anh từ chối. Đám bạn chí cốt “hiến kế” cho anh là đèo theo con. Nghe cũng êm tai, anh vội vào nhà pha sữa, mặc tã và mang con đi. Đây là lần đầu tiên anh tham gia cuộc nhậu có sự góp mặt của “cu Tý”. Trong lúc “chén chú chén anh” thì nhóc con bật khóc vì không có ai quan tâm. Anh bế con ngồi vào lòng, thằng bé thấy mọi người rôm rả cười nói cũng thích chí vui theo. Anh vô tình lấy ống hút chấm vào cốc bia cho con ngậm, thấy nó chịu ngồi yên nên anh làm đi làm lại vài lần, đến lúc mặt thằng bé đỏ bừng, khóc quấy, anh lại tưởng con bị đau bụng nên xin phép về sớm đưa con đi bác sĩ. “Sau khi xem xét kỹ lưỡng mà không thấy nguyên nhân, lại thấy miệng cháu có mùi bia, bác sĩ hỏi và lúc biết rõ sự tình, ổng la tôi và bảo bé bị say. Hú hồn, trên đường đưa con về nhà mà tôi cứ sợ vợ phát hiện, rất may sau một tiếng ngủ dậy, thằng bé lại tỉnh táo bình thường”, anh Phúc nhớ lại. Cũng trường hợp cho con đi chơi cùng với bạn hữu, anh Đào Ngọc Dũng (Bến Lức, Long An) trong lúc ngồi xem đá banh đã không để ý con mình đang “nghịch” với cốc cà phê sữa. Khi thấy miệng bé dính đầy những vết lấm chấm đen, anh vội lấy khăn lau và rửa tay, mặt mũi sạch sẽ cho con, sau đó xem tiếp hiệp hai của trận đấu. Về nhà, cả đêm hôm đó, anh phải cùng vợ thay phiên nhau trông con vì cô bé không ngủ được, cứ ngọ nguậy suốt. Sau một hồi bị vợ truy vấn, anh giật mình nhớ lại mọi chuyện, thì ra con bé mất ngủ vì đã uống phải cốc cà phê hồi chiều. Anh bị cả nhà “cho một trận” vì cái tội lơ đãng khi trông con.
3. Dở khóc dở cười không kém là chuyện của anh Đặng Hữu Tùng (quận 9, TP.HCM). Việc đưa đón con trai 3 tuổi đến lớp trước giờ thường là vợ anh đảm đương. Do bận công việc hay đi sớm về trễ nên anh không mấy quan tâm đến chuyện này, nhưng có lần bà xã đi công tác xa một tuần, anh phải giúp vợ chăm con. Hôm đầu tiên nhận nhiệm vụ đón con, anh xin nghỉ nửa buổi để về sớm, lo chuẩn bị bữa ăn cho thằng bé. Nấu nướng xong, anh định nhắm mắt nghỉ ngơi một lát, ai dè ngủ thiếp đi. Đến gần 5 giờ 30 chiều, anh nhận được điện thoại từ cô giáo của con, hỏi sao đã muộn mà không thấy ai đến đón bé cả. Lúc ấy anh mới giật mình, buột miệng: “Thôi chết, mình quên mất!”. Hôm ấy, anh đón con trễ nhất. Lúc đến lớp, thằng bé ngồi thút thít khóc bên cô chủ nhiệm. Chuyện trông con để xảy ra sự cố cũng khiến anh Bá Lâm (Thủ Đức, TPHCM) và cả nhà một phen hết vía. Do bà xã đi chợ sớm, dặn anh trông con cẩn thận. Lúc về thấy chồng còn ngủ, chị lay dậy hỏi con đâu. Anh nửa tỉnh nửa mê bảo con nằm bên cạnh. Chị òa khóc vì không thấy, anh mới lòm còm bò dậy lo lắng. Hai vợ chồng chạy khắp xóm tìm kiếm, cứ thấp thỏm sợ con mình bị bắt cóc. Đến lúc anh định báo công an thì con bé từ trong tủ quần áo chui ra. Số là nó chơi trốn tìm với bố, rồi anh ngủ quên, con bé trốn bố trong tủ cũng ngủ lúc nào không hay.
![]() |
Con gái của anh Đào Ngọc Dũng quấn quýt bên ba |
Từ những câu chuyện “dở khóc dở cười”, những ông bố trẻ đã rút ra được vô số bài học đáng kể trong việc chăm con. Cũng nhờ những trải nghiệm này, các đức ông chồng mới thấy được sự vất vả của người phụ nữ, người mẹ khi một nách với con nhỏ và hiểu mình cũng cần phải học cách giữ trẻ để chia sẻ trách nhiệm với vợ. Chính những lúc giữ nhiệm vụ trông con, các ông bố lại cảm nhận rõ nét hơn tình cảm cha con gắn bó, như chia sẻ của anh Lê Bảo (Bình Tân, TPHCM), cũng là tâm sự của không ít người cha trong cuộc: “Vì vợ phải đi làm nhiều giờ hơn nên tôi thường giữ con và nhận ra sau một thời gian mình đã thành thạo tất cả các kỹ năng chăm trẻ, từ chuyện pha sữa, thay tã lót, đến tắm cho con, ru con ngủ. Tình thương trở nên sâu đậm hơn cũng vì cha con gần gũi nhau nhiều. Đôi khi cũng mệt nhưng được cái là thằng bé rất quý và bám ba nên mình thấy vui lắm”.
VÕ HỒNG TUẤN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.