Bước vào tuổi bốn mươi mốt, tuần báo CGvDT 2016 gởi đến bạn đọc một tranh bìa đẹp của họa sĩ nước ngoài, rất thích hợp với nhan đề bài viết của linh mục Antôn Vũ Thanh Lịch, để minh họa cho một “cover story” như cách tạp chí Anh Mỹ vẫn gọi. Thế nên dễ hiểu vì sao tôi mở ngay ra trang 2 tập báo để đọc.
Bài viết (hay bài giảng) ấy nhắc tới phép lạ của Chúa đã biến năm cái bánh lúa mạch nhỏ và hai con cá khiêm tốn của một em bé chẳng những giúp được khoảng năm ngàn người đàn ông (chưa kể phụ nữ và trẻ em) được ăn no nê mà còn thừa lại đầy mười hai thúng.
Chúng ta đều biết “phép nhân” mầu nhiệm này được chép ở Mátthêu 14,13-21, Máccô 6,30-44, Luca 9,10-17, và Gioan 6,1-14, khi Chúa và các tông đồ đang dừng chân tại nơi hoang vắng ở thành Bếtxaiđa (Luca 9,10), hay ở bên kia biển hồ Galilê, cũng gọi Tibêria (Gioan 6,1).
Dẫu rằng chúng ta đang cách xa buổi chiều tàn xa xưa hơn hai ngàn năm, “phép nhân” ấy của Chúa vẫn đang đến với chúng ta trong đời thường hôm nay, nếu chúng ta biết nhìn để thấy.
![]() |
Ngẫu nhiên hay không hề ngẫu nhiên mà trang 20-21 trong cùng số báo CGvDT 2016 có đăng bài của Minh Hải, viết về linh mục Phaolô Nguyễn Thực. Bài báo kể lại những chăm lo cho người khiếm thị trong thời gian hơn mười lăm năm của vị mục tử nay đã sáu mươi bốn tuổi. Và tôi thấy, với đồng cảm của mình, câu chuyện của linh mục Nguyễn Thực chính là một bằng chứng về “phép nhân” của Chúa được thị hiện giữa thời đại chúng ta, để chúng ta có mắt nhìn thì tin, có tai nghe thì tin. Tin rằng Chúa chẳng hề bỏ loài người, Phật Trời chẳng hề bỏ loài người. Vậy thì người và người chớ nên phụ bạc nhau, bất kể Trịnh Công Sơn có hát hò gì cũng mặc! ([1])
Hãy trở lại bài báo của Minh Hải. Từ vài chục hoàn cảnh cần giúp đỡ khi linh mục Phaolô khởi sự, cho đến lúc tăng lên ba ngàn người khiếm thị, từ khoảng hơn mười triệu một tháng khi mở đầu cho tới lúc tăng lên khoảng ba trăm triệu một tháng để có thể nuôi dưỡng dài lâu một chương trình bác ái, nếu đấy không phải là “phép nhân” mầu nhiệm của Chúa thì là gì nhỉ?
Linh mục Nguyễn Thực cho biết: “Ngày người mù đến với chương trình trợ giúp còn ít, tôi bỏ mỗi tháng trên mười triệu đồng và xin mỗi hộ khá giả trong xứ đóng góp vài trăm ngàn. Và như một phép lạ, số người hảo tâm lẫn số tiền quyên góp được nhiều hơn tôi tưởng. Người mù đến càng nhiều, tôi bỏ thêm nhiều hơn và bà con giáo dân cũng tự nguyện bỏ nhiều hơn nữa vậy nên công việc được duy trì trôi chảy…”.
Theo bài báo tường thuật, có những đợt mới đầu tháng, số tiền quỹ đã bằng không [quỹ rỗng], nhưng đến cuối tháng lại có những ân nhân rộng tay tìm đến và những nỗi lo lại được thay bằng những nụ cười nhẹ nhõm [vì tiền quỹ lại đầy lên, dồi dào hơn].
Tôi đọc bài báo của Minh Hải với sự đồng cảm đặc biệt. Nói là đồng cảm, bởi lẽ bản thân tôi cũng được hưởng một “phép nhân” mầu nhiệm tương tự. Xin bạn đọc hoan hỷ cho cho tôi được kể chút chuyện riêng vào đây, để làm chứng tá.
Đầu năm 2008, tôi bất ngờ được lãnh mười triệu đồng từ ngôi trường tôi đang công tác, trả qua máy ATM. Không phải lương, cũng không phải tiền thưởng. Thấy tôi ngơ ngác, vài cô giáo giải thích lý do chi chi đó về vấn đề tài vụ của nhà trường, nhưng tôi chẳng nhớ nổi vì chẳng hề lưu tâm các “tiểu tiết”. Điều quan trọng bấy giờ là tôi vừa có khoản tiền “trên trời rơi xuống”, và tôi muốn dùng vào một việc có ích cho cộng đồng tín hữu Cao Đài chúng tôi.
Cộng đồng tín hữu Cao Đài chúng tôi nhiều thập niên đã qua không có xuất bản kinh sách, không có báo chí, mà việc đào tạo giáo lý cho có lớp lang hệ thống như phía tôn giáo bạn cũng thiếu vắng. Mức độ hiểu biết giáo lý của phần đông tín hữu chúng tôi ra sao là điều dễ hiểu, dễ suy đoán. Do đó, bấy lâu tôi vẫn ôm ấp hoài bão phải làm cái gì đó để bù đắp vào lỗ trống tri thức giáo lý của bà con tín hữu. Tôi bèn nghĩ ngay đến việc “ấn tống”, tức là in kinh sách Cao Đài để biếu không bổn đạo. Với khoản tiền mười triệu khiêm tốn đó, tôi làm vài phép tính nhỏ và thấy có thể in được một ngàn bản sách 96 trang khổ A5, giấy trắng ngoại nhập.
Hai triệu tín đồ, in một ngàn bản sách chỉ để biếu không, như muối bỏ biển! Chẳng thu hồi vốn, sau đó lấy gì in tiếp? Tôi tự biết thế, nhưng không bận tâm chi cả. Tôi nghĩ đơn giản: Cứ tiến hành đi, chuyện tương lai cứ mặc tương lai.
Vừa in xong quyển Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo), tôi viết thư mời bổn đạo gần xa tựu về thánh thất Cao Đài Bàu Sen (đường An Dương Vương, quận 5, TpHCM) để nhận sách biếu vào sáng Thứ Sáu 06-6-2008. Hoàn toàn không ngờ! Trong một buổi sáng, bà con hớn hở “rinh” đi chưa đến phân nửa số sách, nhưng đã mở lòng gởi lại cho chúng tôi hơn sáu mươi triệu để có thể ấn tống tập sách thứ hai.
Công việc cứ suôn sẻ như thế. Tôi chỉ tập trung lo làm sách ấn tống. Bà con đạo hữu lo góp tiền in sách, lo phân phát sách đi các nơi giúp tôi… Trong bảy năm (tháng 6-2008/tháng 6-2015), không kể những lần tái bản, tôi in được 104 đầu sách dày mỏng khác nhau, mỗi đầu sách thường in năm ngàn bản. Sách nào ‘ăn khách”, tôi in mười ngàn bản, rồi lại sớm tái bản. Tính tới tháng 6 năm nay, tôi in được 764.000 bản sách, tổng cộng là 100.158.000 trang mỹ miều. Mà tất cả chỉ khởi đầu từ mười triệu đồng, với một ngàn bản in mỏng manh!
Trong chỗ thân tình nhiều năm giao dịch, một chị ở nhà in hỏi tôi: “Chú in kinh sách để biếu, không bán, cớ sao lại chọn in giấy ngoại nhập, tốt thế! Dùng loại giấy khác rẻ hơn cũng được mà, phải không chú?”
Tôi đáp: “Chính vì in để biếu, không kinh doanh, không vì lợi nhuận nên tôi càng phải in thật tốt, thật đẹp. Đó là lòng tôi trân trọng bạn đọc, và để kinh sách được lan truyền dài lâu, rộng rãi, bền dai. Kinh sách Cao Đài chở chuyên lời Tiên tiếng Phật, lòng Trời ý Chúa và Thánh Thần… Phải in đẹp, in tốt để mọi người ý thức mà cùng biết trân trọng.”
Bổn đạo Cao Đài phần đông không giàu. Tôi chỉ là một thầy giáo đồng lương eo hẹp. Vậy mà in sách, in kinh chỉ để biếu không, tặng không thì lại bền bỉ và “phát đạt” đến thế. Hiển nhiên “phép nhân” đã đến. Bởi, nếu không có “phép nhân” của Thiêng Liêng, kết quả đã không được vậy.
Câu chuyện của linh mục Phaolô Nguyễn Thực, hay trải nghiệm bản thân tôi như vừa kể trên, đã từng được Đức Cao Đài (là Thầy) dạy rõ lý lẽ huyền nhiệm trong một đàn cơ tại Thiên Lý Đàn (Hòa Hưng, Sài Gòn) vào ngày 07-11-1965:
Của con Thầy để thiếu chi đây
Hễ đứa nào ngoan cứ lấy xài
Chung lại thì giàu, chia phải khó
Kho tàng vô tận máy vần xoay.
Kho tàng của Trời vốn vô tận. Kho ấy chẳng khóa kín bao giờ, và cũng chẳng dành riêng cho một ai. Chúa dạy chúng ta hãy mạnh dạn tìm tới kho tàng ấy: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (Mátthêu 7,7-8)
Dĩ nhiên, chúng ta đều hiểu kho Trời vô tận sẽ mở ra chỉ với một điều kiện: Ta muốn dùng kho Trời như thế nào.
Xã hội chúng ta đang cần rất nhiều chương trình bác ái như những gì đang hàng tuần được tường thuật sinh động qua các trang báo CGvDT ở chuyên mục “Dấu Chân Mục Tử Trên Vạn Nẻo Đường”. Các linh mục đã tạo dựng những công trình quy mô, cần kinh phí lớn với hai bàn tay thanh bạch. Kết quả mỹ mãn của các vị mục tử nhờ vào “phép nhân” của Chúa là để minh chứng cho lời Chúa dạy:
“Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em…” (Matthêu 6:28-30)
Vâng, huống hồ là anh em đang biết thành tâm phụng sự Chúa bằng cách hết lòng phụng sự Con Người, “những anh em bé nhỏ nhất” (Mátthêu 25,40).
Huệ Khải
(25-7-2015)
[1] "Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người. Này em, em cứ phụ người, này em xin cứ phụ tôi.” Trích trong Này Em Có Nhớ, bài hát của Trịnh Công Sơn (1939-2001).
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.