1. Gần đây, một nam ca sĩ nổi tiếng đến từ Hà Nội đã đăng lên mạng một hình ảnh kèm lời chú thích đầy phẫn nộ. Đó là hình ảnh kẻ nói xấu con mình trên facebook. Anh nhờ cư dân mạng tìm danh tính “thủ phạm”. Anh cũng thể hiện thái độ “anh chị” khi hăm dọa kẻ nói xấu con mình rằng sẽ tìm đến nơi để “cắt gân”, thậm chí “đâm chết cả nhà”. Câu chuyện này sau đó được các báo mạng dẫn lại kèm thông tin cho biết người nói xấu em bé đã gởi lời xin lỗi nam ca sĩ.
Nhận xét của cư dân mạng xoay quanh vấn đề này theo hai hướng. Một nhóm phê phán, chê bai chàng ca sĩ vô văn hóa vì lời lẽ hăm dọa hành hung người khác theo kiểu xã hội đen, chợ búa. Nhóm còn lại ủng hộ nam ca sĩ vì “ai xúc phạm con mình, mình cũng làm thế thôi”.
![]() |
2. Nhiều nhân vật của công chúng đã phải “giấu” con rất kỹ trước truyền thông vì muốn con mình phát triển một cách bình thường như mọi đứa trẻ bình thường khác. Nhưng rõ ràng, khi đã bước chân vào thế giới “người của công chúng”, ít nhiều họ phải chấp nhận việc con mình thường xuyên bị đặt vào tầm ngắm của các phương tiện truyền thông. Sự tò mò của dư luận có thể là cái nhìn tích cực, hoặc chê bai tiêu cực.
Các bậc cha mẹ, không nhất thiết phải là cha mẹ nổi tiếng mới có nguy cơ nhận được những lời nhận xét không hay, thậm chí nói xấu của người khác với con mình. Những bậc cha mẹ không phải người của công chúng cũng có xu hướng đưa hình ảnh con mình chia sẻ trên mạng xã hội. Đó là một nhu cầu bình thường. Trong mắt phụ huynh, con mình dù thế nào đi nữa thì luôn đẹp, luôn tự hào về con. Khi quyết định đưa hình ảnh trẻ con lên mạng, cha mẹ phải lường trước rằng, con mình có thể được “like”, được những lời khen, nhưng cũng có thể là lời chê ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.
![]() |
3. Khi đưa con lên mạng, tâm lý ai cũng muốn con mình được khen, được nhận nhiều “like” và tuyệt đối không bị chê bai. Do đó, việc chê con người khác một cách trực tiếp hay gián tiếp qua mạng cũng đều là hành động khiếm nhã, không nên xảy ra trong giao tiếp. Dù bạn cho rằng, mình chân thật, nhận xét rất khách quan, nhưng đối với các bậc cha mẹ, giá trị của con trẻ không đong đếm được bằng những chỉ số cụ thể. Hình ảnh của con trẻ trong lòng cha mẹ được tạo nên bằng giá trị tình cảm, của công sức vất vả sớm hôm nuôi nấng, mang nặng đẻ đau. Nó hoàn toàn cảm tính. Như chuyện khi yêu, người ta chỉ thấy toàn những mặt tích cực của người mình yêu. Trong câu chuyện trên, sự khiếm nhã đã dẫn đến hành động giận dữ khôn lường.
![]() |
4. Cách đây không lâu, nhiều phụ huynh cũng dẫn một đường link báo nước ngoài gây tranh luận. Bài báo khuyên không nên đưa con lên mạng xã hội vì có thể con bạn sẽ gặp nguy hiểm với bọn bắt cóc, quấy rối tình dục… và có thể con bạn không đủ trí khôn để quyết định có đồng ý để bạn phát tán hình ảnh trên mạng hay không. Nội dung này cũng đã phân chia phụ huynh trên mạng thành nhóm đồng tình và nhóm không đồng tình. Nhóm không đồng tình cho rằng, đó là chuyện ở châu Âu. Họ nuôi con, có quyền quyết định đưa hay không đưa hình ảnh lên trên mạng và nghĩ rằng hành động này chẳng gây hại cho con.
Bài báo cảnh báo và câu chuyện mâu thuẫn gay gắt trên là vấn đề đặt ra cho các bậc phụ huynh có con em và lựa chọn cho hình ảnh con mình xuất hiện trên cộng đồng mạng. Ít ra, phụ huynh nên cân nhắc một số điểm nhạy cảm như địa chỉ nhà hay địa chỉ trường học của con, hình ảnh nhạy cảm... để tránh con gặp rắc rối về sau. Đương nhiên, khi khoe con trên mạng, phải chấp nhận tâm lý con mình sẽ bị chê bai, dù không mong muốn chút nào. Lúc đó, dẫu chẳng vui, thậm chí có bực tức, bạn cũng không nên phản ứng thái quá, thiếu suy nghĩ, dẫn đến những hậu quả tồi tệ.
NGUYỄN HUY
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.