Ngày càng có nhiều gia đình Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài. Họ đã phải làm gì để giữ gìn bản sắc dân tộc cho thế hệ con cháu, nhất là tận dụng thế giới phẳng?
Là người gốc Hà Nội, gia đình di cư vào Sài Gòn năm 1954, ông Trần Phước Long đã được bố mẹ luôn bảo ban giữ được giọng Bắc của mình. Năm 1973, ông đi du học Tây Đức và lập gia đình với một phụ nữ bản xứ rồi định cư ở Đức luôn. Trăn trở của ông là sao cho con cái không chỉ nói tiếng Việt được mà còn là giọng Hà Nội. Ông từng nói với bạn bè rằng, không biết như vậy là có tham vọng quá chăng... Và suốt hơn bốn thập niên sống ở Đức, dù bận công việc là một bác sĩ, ông Long vẫn dành thời gian dạy con học tiếng Việt. Nhờ bà con ở quê nhà gởi sang những quyển tập đọc tiếng Việt, mỗi tối, ông dạy con ê a ít nhất nửa tiếng. Cái khó là cậu con trai không chỉ học tiếng Việt mà hằng ngày còn phải trau dồi tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp... “Bố tôi thường bảo là bố có tất cả nếu con trai nói được tiếng Việt, giọng Hà Nội. Và bố mất tất cả nếu con không thể nói được một câu tiếng Việt ra hồn, vì như thế có nghĩa con mất hết cội nguồn trong trái tim mình” - Phước Thiện, con trai ông Long tâm sự. Chính điều này đã thôi thúc Thiện cố gắng giữ gìn vốn Việt ngữ của mình. Lần đầu về thăm Việt Nam, anh giao tiếp tiếng Việt vô cùng tự tin và chuẩn xác khiến cô bác, họ hàng ở Sài Gòn rất ngạc nhiên bởi biết cháu mình sinh ra và lớn lên tại Đức.
![]() |
Một buổi học tiếng Việt của trẻ em gốc Việt tại California (Mỹ) |
Định cư ở Sydney (Úc) từ giữa những năm 1980 thế kỷ trước, ông Nghi Phan lấy vợ cũng là người Việt và có hai con: một gái, một trai. Các con của ông từ nhỏ đã được cha dạy cho nói tiếng Việt để không bị mất gốc. “Vợ tôi biết tiếng Anh rất ít nên ngoài giờ đến trường, khi về nhà, các con đều phải nói tiếng Việt, nhất là khi trò chuyện cùng mẹ. Khi sử dụng tiếng Việt, có nhiều từ các con không hiểu nghĩa, tôi lại phải vận dụng tiếng Anh để giải thích. Hằng tuần, gia đình đều đi lễ ngày Chúa nhật tại nhà thờ có linh mục Việt Nam giảng để hai con tôi có cơ hội nghe tiếng Việt nhiều hơn...”, ông Nghi Phan chia sẻ. Giờ đây, các con của ông đều đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Đi ra ngoài giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, hầu như họ chỉ nói tiếng Anh nhưng khi về nhà, vẫn duy trì thói quen nói tiếng Việt với cha mẹ.
Bà Thu Nguyễn, một Việt kiều sống ở Mỹ cho biết, để các con mình có thể nói tiếng Việt tốt từ nhỏ, ngoài việc tự dạy con những lúc ở nhà, bà còn gởi con đi học thêm ở lớp tiếng Việt, mỗi tuần khoảng 2 giờ vào ngày Chúa nhật: “Học ở lớp được cái là ngoài việc luyện nói, còn được dạy tập viết. Nhờ thế, con tôi từ năm lớp 6 đã có thể viết thư thăm hỏi ông bà và các bác ở Việt Nam”. Theo bà, chủ yếu là giúp con duy trì ngôn ngữ Việt để không quên nguồn cội. Cũng chính bởi mục đích giúp con trẻ Việt giữ được “gốc gác” của mình nên ở Mỹ, có nhiều lớp tiếng Việt do các giáo viên tự nguyện dạy, học phí chỉ mang tính tượng trưng, nhất là những lớp tại các cơ sở tôn giáo như chùa hay nhà thờ...
Kết hôn cùng một người Đài Loan rồi theo chồng định cư tại thành phố Cao Hùng, chị Lê Minh Thương có hai con trai và cũng luôn giúp con học, trau dồi tiếng mẹ đẻ bằng cách thường xuyên nói tiếng Việt cùng con từ lúc chúng bập bẹ những từ “ba, mẹ”. Chị cũng làm việc thật cật lực để hai năm một lần có tiền đưa con về thăm bà ngoại, hoặc bảo lãnh bà sang chơi cùng các cháu vài ba tháng. Ngoài ra, chị còn năng đưa con đến công viên, nơi những người Việt làm công tác điều dưỡng hay đưa các bệnh nhân ra tắm nắng sáng. Ở đó, hai con trai tha hồ thực hành tiếng Việt. Nỗ lực của chị đã được đền đáp khi cậu con trai lớn lấy được chứng chỉ tiếng Việt cùng với bằng TOEIC tiếng Anh từ năm học lớp 11.
![]() |
Bà Fauzie bên hai cháu tại Việt Nam |
Có những người sinh ra ở nước ngoài bởi sự kết hợp hai dòng máu Tây - Ta. Khi người mẹ Việt không còn và tuổi đời đã lớn, cứ ngỡ họ chẳng còn nhớ gì về quê ngoại, nhưng không phải thế! Bà Denis Agnès, 67 tuổi, nằm trong số đó. Cha của bà là người Pháp, mẹ là người Việt. Dù mẹ đã qua đời hơn 20 năm, bà vẫn luôn nhớ mình còn một gia đình lớn tại Việt Nam. Sau nhiều năm cố gắng liên lạc, Tết Bính Thân vừa rồi, bà đã về quê mẹ sum họp với họ hàng bên ngoại của mình. Mọi người không khỏi kinh ngạc khi bà không chỉ nói tiếng Việt rất sõi mà còn biết thưa gởi với những người lớn theo đúng nề nếp gia phong của người Việt. “Lúc mẹ còn sống, bà không chỉ nói tiếng Việt với tôi mà còn dạy tôi những khuôn phép trong một gia đình Việt Nam. Là con cháu phải biết vâng lời người lớn. Khi hỏi phải biết thưa và khi trả lời phải biết dạ kèm theo từ ông, bà, chú, bác, hay cô dì... chứ không được nói trống không”, Bà Denis kể. Đến thế hệ con cháu bà cũng vậy, ngoài việc nói tiếng Việt cùng con, bà khuyến khích con gọi điện về thăm người thân tại Việt Nam ít nhất một tuần một lần. Ngay các cháu ngoại của bà cũng có vốn tiếng Việt đủ để giao tiếp.
Còn bà Fauzie Hassen Ali là thế hệ thứ 3 tại Pháp khi mẹ bà định cư tại nước này từ năm 1940. Sau khi ba mẹ chết, bà chủ động tìm kiếm dòng họ tại Việt Nam để về thăm. Theo dòng hoài niệm của bà thì ngày xưa, bà ngoại và mẹ mình vẫn luôn nhắc nhở cội nguồn Việt Nam và gia đình họ ngoại tại xứ sở này. Sau những giờ phút với niềm vui hội ngộ, nhiều người họ hàng ở Việt Nam đều ngạc nhiên trước số vốn tiếng Việt lưu loát của bà Fauzie và các con.
Để con cháu không quên nguồn cội, vai trò của ông bà cha mẹ - những người Việt sống ở hải ngoại rất quan trọng. Chính họ là những người đầu tiên truyền thụ ngôn ngữ mẹ đẻ cho con cháu mình và giúp lớp trẻ gìn giữ bản sắc Việt từng ngày giữa những thách đố của cuộc sống hội nhập nơi xứ người.
NGỌC HÀ - LAN GIAO
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.