Hầu như mỗi người ta đều có một sở trường, năng khiếu nào đó và thường bộc lộ ra từ nhỏ. Phát hiện và giúp mầm non phát triển năng khiếu là cách mà các bậc cha mẹ ấp ủ cho con cái trên bước đường đời mai sau.
Không cầu mong con phát triển năng khiếu để trở thành một thiên tài, nhiều bậc cha mẹ xem việc bồi dưỡng năng khiếu cho con như một phương thức giúp trẻ giải tỏa stress, hay xa hơn là hỗ trợ cho nghề nghiệp trong tương lai của con.
Ông Phạm Văn Huê (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) cho biết, con trai mình giờ đang là giáo viên dạy Toán tại một trường THPT của tỉnh nhà. Từ nhỏ, ông đã nhận ra con có khả năng tính nhẩm rất nhanh và đặc biệt giỏi môn Toán. Ông khích lệ con và mua các loại sách Toán cho con học và tham khảo, từ kiến thức nền tảng cho đến nâng cao. Con trai ông đã được định hướng từ những năm học phổ thông để theo đuổi ước mơ trở thành một thầy giáo dạy Toán và điều này cuối cùng đã thành sự thật.
![]() |
Cũng vậy, ông Huỳnh Đức (quận Thủ Đức, TPHCM) kể, khi con gái mình bộc lộ niềm yêu thích và khả năng vẽ từ nhỏ, ông đã giúp con phát triển khả năng ấy bằng cách khuyến khích con mạnh dạn đến các lớp hội họa tại nhà văn hóa thiếu nhi, mua bút màu, giấy vẽ cho con. Ông trân trọng từng bức vẽ của con, thậm chí có nhiều bức, ông kỳ công đóng khung treo tường. Con gái ông sau này theo học ngành Sư phạm mầm non, dù không trở thành họa sĩ nhưng chính năng khiếu vẽ và sự bồi dưỡng chăm chút của ba lúc nhỏ, bộ môn này đã giúp ích rất nhiều cho cô trong việc thiết kế đồ dùng dạy học hoặc vẽ tranh ảnh minh họa giúp tiết học thêm sinh động. “Hồi trước tôi không dám mơ con tôi sẽ thành một Bùi Xuân Phái thứ hai mà chỉ muốn nó xem vẽ như một trò giải trí và tôi phát triển năng khiếu của nó như để thỏa lòng đam mê của con thôi. Không ngờ chính năng khiếu vẽ được phát huy đúng lúc đã giúp con tôi trở thành một cô giáo tài hoa của nhà trẻ”, ông Đức bộc bạch.
![]() |
Không dám ước mơ con mình trở thành một nhạc sĩ danh tiếng trong tương lai, bà Mai Hoa (quận 9, TPHCM) cho con đi học đàn chỉ đơn thuần vì thấy con yêu thích bộ môn này và bà xem việc học đó như một phương tiện giải trí. Bà tâm sự: “Trở thành nhạc sĩ tài hoa ngoài năng khiếu còn nhiều yếu tố khác nữa. Với tôi, chỉ nghe con đàn là vui rồi. Tôi thích nó trở thành cô giáo hơn. Cô giáo mà biết đàn giúp vui trong sinh hoạt văn nghệ của trường thì càng thêm ấn tượng.
Tuy nhiên, không thể chỉ một cái nhìn hời hợt hoặc chỉ là phút bồng bột của trẻ mà dẫn đến ngộ nhận về năng khiếu. Có những bậc phụ huynh phải trải qua thời gian và một vài lần “nhầm lẫn” mới nhận ra năng khiếu đích thực của con cháu mình. Ông Nguyễn Thành Nam, 50 tuổi (ngụ quận 1 – TPHCM) chia sẻ, lúc còn nhỏ, con trai ông đến nhà bạn chơi rồi về xin tiền ba mua một cây đàn guitar và đi học nhạc. Ông mua cây đàn loại thường và cũng cho con tiền đi học. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng, thằng bé nản và xin nghỉ. Nó học mãi mà không nhớ nổi hết những nốt nhạc, đàn một đoạn ngắn cũng khó khăn. Ông Nam nhận ra, con mình chỉ là nhìn bạn chơi thấy thích về đòi học đàn chứ thật ra không có khiếu. Không ép buộc con, ông luôn bên cạnh, để ý và phát hiện một sở trường khác ở con. Ông nhận thấy thằng bé không học thêm tiếng Anh mà vẫn dẫn đầu môn học này. Xem phim Anh-Mỹ nó có thể dịch ra lời thoại, gặp người nước ngoài, nó tự tin bập bẹ hỏi chuyện hay chỉ đường cho du khách. Thế là ông mua sách truyện tiếng Anh, băng dĩa của hãng Disney, cho con tham gia các câu lạc bộ nói tiếng Anh... Ông cũng khuyến khích con học thêm một ngoại ngữ và cậu đăng ký học tiếng Nhật. Giờ đây, người cha đã có thể tự hào khoe với bạn bè rằng con trai mình nhờ trau dồi vốn liếng ngoại ngữ từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp đại học, đã có việc làm ngay và không bao lâu, trở thành quản đốc cho một xưởng lắp ráp xe gắn máy hiệu Honda của Nhật tại Bình Dương.
![]() |
Bồi dưỡng năng khiếu cho con là chuyện tốt song các bậc cha mẹ cũng không nên tạo áp lực cho trẻ bởi thực tế cho thấy, có những người quá kỳ vọng vào năng khiếu của con, mong con sẽ nổi tiếng hay đoạt huy chương này, giải thưởng nọ nên việc bồi dưỡng đôi khi trở thành sự “nhồi nhét”. Trẻ vừa phải hoàn tất nhiệm vụ bài vở trên lớp, vừa phải “nháo nhào” ở những lớp năng khiếu, cộng thêm phải cố gắng theo đuổi “giấc mơ nổi tiếng”..., liệu có thể chu toàn được tất cả như mong đợi của phụ huynh?
Hãy để việc phát triển năng khiếu của con cái trở nên nhẹ nhàng và tự nhiên. Con trẻ cảm thấy mình được khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy sở trường, như thế cha mẹ cũng đã thêm điểm cộng trong việc giúp con cái thành nhân.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.