Thứ Năm, 09 Tháng Bảy, 2015 22:05

Câu trả lời thứ ba

Đây là chuyện tôi nghe:

Môn sanh phụ trách trù phòng (nhà bếp) hăng hái trả lời câu hỏi thứ hai (xem CGvDT số 1952) nhưng không đúng nên trong bụng còn ấm ức, chỉ mong có dịp gỡ lại “bàn thua” trước đạo hữu đồng môn. Vì thế, khi đạo sư vừa nhắc tới câu hỏi thứ ba thì liền chụp lấy cơ hội, anh đứng phắt dậy và nói luôn một mạch:

- Thưa thầy, thưa các huynh đệ, nhà vua tự tìm ra đáp án cho câu hỏi thứ ba trong lúc nhìn ngắm giang san xinh đẹp của mình. Khi ấy, vua hiểu rằng ông ngự trên ngai vàng chẳng phải để ăn trên ngồi trước muôn dân; trái lại, ông phải làm sao giúp cho dân của ông được hạnh phúc ấm no và giữ gìn đất nước được thanh bình, thịnh trị. Đó là cái đạo làm vua của những ông vua hiền đức mà sử sách ca tụng là thánh vương, minh vương.

 

Thấy đạo sư gật đầu khuyến khích, anh chàng phấn khởi, bèn nói tiếp:

- Nếu bàn rộng ra thì cái đạo làm vua hay thấp hơn một bực là đạo làm quan có thể được gói ghém trong mười bốn chữ bất hủ của ông Phạm Trọng Yêm đời nhà Tống như sau: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc. Nghĩa là kẻ làm vua hay phận làm quan phải biết lo trước cái lo của thiên hạ và chỉ vui sau cái vui của thiên hạ. Bởi vậy, ông quan Tô Đông Pha đời Tống, nhìn thấy dân chúng trong địa phận do ông cai trị còn đói khổ thì ông luôn tự hổ thẹn rằng bản thân chưa đủ tài kinh luân thao lược để cứu cái bao tử rỗng của dân lành.

Thấy nhà bếp thao thao bất tuyệt, đạo sư cười tươi và nói vui:

- Thầy trò trong đạo viện ta phải biết ơn con nhiều lắm. Bao lâu con còn phụ trách trù phòng thì chắc chắn mọi người ở đây còn được ăn no và ăn ngon trước khi con ăn ngon và ăn no. Đó cũng là cái đạo làm trù phòng mà con học được từ danh nho Phạm Trong Yêm, phải không con?

Mọi người cười ồ vui vẻ. Đạo sư nhắc:

- Hãy trở lại câu hỏi thứ ba. Theo con thì việc làm nào mới quan trọng nhất?

- Thưa thầy, lòng thương yêu và chăm lo cho người khác mới là việc quan trọng nhất. Vì vậy, đã đành chính ta là người quan trọng nhất, nhưng đừng đem ích lợi của ta đặt lên trên ích lợi người khác.

Đạo sư gật đầu, ra dấu mời đệ tử ngồi xuống, rồi đưa mắt nhìn trà đồng như ngầm bảo những lời ngài sắp nói là để hóa giải thắc mắc của chú nhỏ lúc tranh luận với môn sanh trông coi thái viên (vườn rau):

- Phải đó các con. Lý tưởng của hạnh bồ tát là gì? Một mặt đối với bản thân thì bồ tát ráo riết tu tập cho tựu thành chánh quả, thành Phật; nhưng trước nỗi khổ đau của chúng sanh thì bồ tát lại phát nguyện nếu thế gian còn nước mắt tuôn rơi thì bồ tát chưa chịu đi về cõi Niết Bàn Cực Lạc riêng mình.

Các chánh pháp và chánh giáo đông tây xưa nay tuy lời lẽ diễn bày khác nhau, mà cốt tủy vẫn chung một chân lý ấy, là bác ái và từ bi, tức là thương yêu người khác càng nhiều càng tốt. Môn đồ nhà Phật hay nhắc câu “Phật thương chúng sanh như mẹ thương con.” Đức Dalai Lama phát biểu: “Đạo của tôi rất đơn giản. Đạo của tôi là lòng nhân từ.” (1 ) Đức Cao Đài dạy: “Các con nhớ biết thương Thầy, mà hễ thương Thầy thì ắt thương Ðạo, mà hễ thương Ðạo thì thương hết chúng sanh.” (2 ) Đức Khổng Tử thì đem đức Nhân đặt lên đầu năm giá trị của bậc quân tử là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; mà đức Nhân của Nho Giáo nào khác chi đức Mến bên Công Giáo. Các con nhớ xem, Đức Giêsu há chẳng dạy chúng ta như thế ư? Chúa khuyến nhủ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Gioan 13:34) 

Phú Nhuận, 16-4-2014

Dũ Lan Lê Anh Dũng

 (1) My religion is very simple. My religion is kindness.

 (2) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 02-02-1927.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm