Thứ Năm, 09 Tháng Bảy, 2015 22:04

Câu trả lời thứ hai

Đây là chuyện tôi nghe:

Sau khi nghe quản thủ Tàng Kinh Các trả lời (CGvDT số 1951), đạo sư mời các môn đệ tiếp tục thảo luận, tìm giải đáp cho câu hỏi thứ hai: Ai là người quan trọng nhất?

Môn sanh phụ trách trù phòng (nhà bếp) đứng dậy đáp:

- Thưa thầy và các huynh đệ, theo con hiểu thì người quan trọng nhất chính là vị hiền giả. Nếu không có ngài trợ duyên (giống như một chất xúc tác) thì nhà vua không thể tự mình tìm ra đáp án cho ba câu hỏi.

Môn sanh trông coi thái viên (vườn rau) nói:

- Thưa thầy và quý sư huynh, sư đệ cho phép. Con nghĩ rằng câu trả lời thứ nhất giúp ta giải đáp câu hỏi thứ hai. Hiền huynh quản thủ Tàng Kinh Các vừa rồi nói rất rõ rằng hiện tại là quan trọng nhất. Đem triết lý này áp dụng vào đời tu thì đâu có ai quan trọng hơn chính ta. Ta phải biết thương ta sống nay chết mai, do đó hãy ý thức lợi dụng từng cơ hội hiện tại mà ráo riết tu trì mới mong tự cứu mình thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tóm lại, chính ta mới là người quan trọng nhất, hãy lo giải thoát cho bản thân ta trước khi lo giải thoát cho ai khác.

Trà đồng xin phép góp ý:

- Kính thưa sư phụ và quý huynh trưởng đại xá cho con. Sư huynh thái viên nói nghe rất có lý, nhưng con e rằng nếu cứ nhấn mạnh cái ta của mình nhiều như thế thì có phải là mình quá ích kỷ chăng? Hôm rồi sư huynh trưởng tràng kèm chúng con tiếng Anh, có giảng về chữ egoism và sư huynh dịch ra chữ Nho là tự ngã chủ nghĩa. Ý kiến của sư huynh thái viên vừa rơi vào egoism, vừa sẽ khiến người ta nhớ tới quan điểm nhất mao bất bạt của Dương Chu thời Chiến Quốc, tức là nhổ một sợi lông để làm lợi cho thiên hạ thì ông cũng chẳng thèm. Vậy thì đức bác ái, lòng từ bi của người tu còn biết nhắm vào đâu bây giờ?

Thấy trà đồng phản bác có vẻ hăng quá, lại còn nhắc tới mình, nên trưởng tràng bèn đứng dậy, đưa mắt nhìn chú em ngầm bảo hãy ngồi xuống. Cung kính chắp tay xá đạo sư, trưởng tràng nói:

- Kính thưa thầy, thưa các hiền đệ, chúng ta đang sống trong cõi nhị nguyên, mọi giá trị đều có hai mặt đối lập. Ý kiến của hiền đệ thái viên và của trà đồng vừa rồi chính là hai mặt đối lập của một giá trị mà chúng ta mệnh danh là sống đạo.

Môn tâm lý phân tích (psychoanalysis) có nói tới ego, tức là tự ngã. Cái mà họ gọi là ego hình thành từ thuở đứa trẻ chào đời và phát triển dần trong cuộc sống, khi tiếp xúc với môi trường xã hội chung quanh. Trong vô thức, ai ai cũng có những ham muốn thầm kín, thế thì cái ego này là một ý thức mang tính trách nhiệm xã hội, bởi vì nó điều hòa, tiết độ những ham muốn của cá nhân sao cho phù hợp với những quy ước hay những chuẩn mực về nhân cách và đạo đức của xã hội.

Đã đành hiện tại là quan trọng nhất, nhưng áp dụng triết lý này một cách xơ cứng thì hậu quả sẽ ra sao? Tới giờ hái rau hiền đệ thái viên không thèm ra vườn vì bảo tập thiền quan trọng hơn; hoặc tới giờ nấu cơm hiền đệ trù phòng vì mải lo tập thiền cứ mặc cho bếp lò lạnh tanh. Rốt cuộc cả đạo viện sẽ đói meo thì có đúng không? Thế nên cái ego đó sẽ điều chỉnh thái độ và hành vi của hai hiền đệ ấy để đạo viện còn có cơm ăn; bằng không, bụng đói cồn cào thì đố ai ngồi thiền cho yên! Đành phải rời khỏi bồ đoàn (1 ) mà than rằng:

Ngồi thiền ta quyết thành chánh quả

Bao tử réo sôi phải xả thiền!

Mọi người cười ồ. Đạo sư cũng cười vui vẻ. Khi bầu khí lắng xuống, đạo sư nói:

- Đúng vậy đó các con. Có một triết gia mà thầy quên tên, nói rằng ego hay self-awareness là ý thức về chính mình; nó giúp mình đạt được mục tiêu do mình đặt ra. Ông ấy ví von rằng ego hay tự ngã cũng giống như móng tay ở đầu các ngón tay. Nếu để móng tay mọc quá dài, thì nó cản trở, vướng víu, ta không nắm được đồ vật. Vậy, phải biết cắt móng tay cho gọn gàng, vừa phải. Tóm lại, ta chính là người quan trọng nhất, nhưng chớ quên đặt cái ta, cái tôi của mình trong tương quan xã hội.

Ngừng một chút, đạo sư tiếp tục:

- Tới đây thầy nghĩ các con có thể luận ra câu trả lời thứ ba rồi. Việc làm nào là quan trọng nhất? Hãy trình bày ý kiến các con đi!

(Tuần sau tiếp.)

Phú Nhuận, 08-4-2014.

Dũ Lan Lê Anh Dũng

 (1) Bồ đoàn: Tấm nệm dùng khi ngồi thiền.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm