Để phổ thông giáo lý Cao Đài và tư tưởng hòa đồng tôn giáo (tư tưởng Đại Đạo), gần sáu năm nay, tính từ tháng 6 năm 2008, tôi miệt mài chăm lo ấn tống kinh sách, và đã phát hành trên tám mươi nhan đề, không kể những lần tái bản.
Sách ấn tống nghĩa là chỉ để kính biếu, không bán. Bạn đạo tìm đến nhận kinh sách thay vì nói “cho tôi xin” thì thường nói trang trọng “cho tôi thỉnh”. Nghe vậy mà vui.
Có cô đạo hữu trẻ mang khá nhiều kinh sách ấn tống về quê nhà ở Trảng Bàng (Tây Ninh) và chia sẻ một vài quyển với vị láng giềng cao tuổi. Sau đó, cô thuật lại: Bác ấy mừng lắm, lật đật mặc áo dài và đội khăn đóng rồi dâng kinh sách lên bàn thờ, thắp hương khấn vái... Nghe kể mà cảm động.
![]() |
Thêm chuyện này nữa. Cuối năm 2013 tôi tập hợp hơn ba mươi bài viết trên tuần san CGvDT, trang Góc Nhà, in chung trong tập Dưới Mái Đạo Viện (Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội). Cũng để ấn tống, và mượn Góc Nhà để gởi lời “rao” về tập sách này.
Sau đó, ở thành phố Biên Hòa, một chị bạn đọc gởi tôi lá thư dài. Thư viết tay, nét chữ rõ ràng, đẹp. Tôi trích mấy đoạn như sau:
Thưa ông, tôi là người Công giáo, sinh năm 19... Tôi chưa được diện kiến ông. Tôi đã đọc Công Giáo Và Dân Tộc từ lâu, nhưng từ khi có mục Góc Nhà, thấy rất hay, hợp với tâm tình của tôi...
... Góc Nhà là điều tôi phải gẫm suy để dành thời gian trang trọng nhất ... lúc đó tôi không phải vội nấu cơm, giặt giũ, v.v...
Có lẽ tôi cũng là thiểu số người Công giáo được đọc Thất Chân Nhân Quả rất sớm, khoảng năm 1985 gì đó...
Ngày ngày ngoài niềm tin duy nhất vào Thiên Chúa tình yêu, tôi chỉ đọc sách báo nói về tu đức và may mắn tôi có duyên với Góc Nhà... Tôi rất cô đơn nếu không có Góc Nhà làm bạn.
Thưa ông, tôi mong có được Dưới Mái Đạo Viện. Mong ông cho tôi được “hạnh phúc một lần với đất trích chiêm bao” ấy.
Kính chào bác thợ “xây trên nền đá của Thánh Phêrô”.
Người viết hữu ý nên cẩn thận chép lại mấy chữ “hạnh phúc một lần với đất trích chiêm bao” theo đúng lời tôi “rao” trên trang báo; và cũng rất hữu ý nên còn chép thêm mấy chữ trong bài Góc Nhà (CGvDT số 1940, ngày 10-01-2014), chỗ tôi kể lể: “Có lần xoay xở viết bài oải quá, đành chậm trễ, đến nỗi bạn hiền ở tòa soạn phải gọi điện nhắc, tôi nói nửa đùa nửa thật: Bác xem Góc Nhà góc cửa có sang tên được thì sang giúp. Bạn hiền đáp ngay: Góc Nhà của anh xây trên nền đá của Thánh Phêrô, ai dám mua!”
Đọc xong, tôi xem lại lá thư và bì thư. Chị viết ngày 20-01, bưu điện địa phương chuyển đi ngày 21, bưu điện quận Năm (TpHCM) chuyển tới thánh thất Bàu Sen ngày 22 (là điểm phát hành kinh sách ấn tống). Nhưng tôi ở xa thánh thất, do đó cả tuần sau mới được đọc thư.
Bấy giờ đã cận Tết rồi, gởi Dưới Mái Đạo Viện về Biên Hòa, chắc chắn sách phải tới nơi chậm. Vì thư nói năm 1985 chị có đọc Thất Chân Nhân Quả, nên tôi gói thêm quyển Đọc Lại Thất Chân Nhân Quả (Nxb Tôn Giáo) mà trước đây đã đăng nhiều kỳ trên nguyệt san CGvDT.
Ngày 06.02.2014 tôi gởi sách đi Biên Hòa, theo đúng địa chỉ chị ghi trên bì thư (không có số điện thoại). Tới cuối tháng 3, vẫn không có hồi âm. Tôi gởi thêm một thư hỏi thăm. Im lặng. Hai lần tôi mang chứng từ gửi bưu kiện ra bưu điện nhờ kiểm tra, Biên Hòa đều xác nhận đã chuyển tới bưu cục chi nhánh chỗ chị cư ngụ. Tôi nhẫn nại chờ thêm, vẫn không hồi âm. Giữa tháng 4 vừa rồi, Biên Hòa hoàn trả tôi bưu kiện vì không có người nhận! Có thể sau khi gởi thư cho tôi, chị đã chuyển chỗ ở rồi.
Tôi giữ lại lá thư chị gởi, giữ nguyên gói bưu kiện bị hoàn trả vẫn còn nguyên sợi gai cột chéo và dấu nhôm niêm phong của bưu điện Phú Nhuận.
Dũ Lan Lê Anh Dũng
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.