Thứ Năm, 09 Tháng Bảy, 2015 22:07

Một bạn đọc khó tánh

Cuối tuần rồi, anh bạn chức sắc Cao Đài miền Trung ghé thăm, tặng tôi gói trà Kim Sơn, một thương hiệu hữu danh đất Đà Nẵng. Mở gói trà, pha ngay một ấm mời anh, tôi nói:

- Cảm ơn bác. Thứ này tôi cũng thích. Lâu lâu có bạn đạo ngoài ấy gởi cho thì mới được thưởng thức.

Đưa mắt nhìn chồng báo xếp cạnh bàn nước, anh hỏi:

- Ông vẫn thường xuyên viết cho Công Giáo Và Dân Tộc, thì ắt đọc báo này nhiều. Gần đây có thấy gì không?

Câu hỏi rộng quá! Nhưng biết tánh anh bạn xứ Quảng (cái xứ mà ai đó ác mồm ác miệng đặt cho câu nói “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co” dễ mích lòng và dễ xa nhau), nên tôi cười trừ, vì biết chắc anh sẽ chẳng chờ tôi trả lời trả vốn.

Quả nhiên, anh nói luôn:

- Tôi đặt mua báo cả năm, vì báo giúp mình khá nhiều kiến thức có thể suy gẫm để áp dụng cho việc hành đạo của mình, miễn là khéo biết linh hoạt sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của họ đạo Cao Đài. Tóm lại, tuy khác tín ngưỡng nhưng tôi vốn là độc giả trung thành của báo nhiều năm nay. Tuy nhiên, có lúc đọc báo lại thấy chưa mấy hài lòng…

- Dĩ nhiên thôi. Làm dâu trăm họ có dễ chi đâu! Nhưng cụ thể là gì, hở bác?

Anh vói tay, lục trong xấp báo tuần, rút ra ba tập và nói:

- Ba số báo 1950, 51, và 52 có dịch phần cuối cuốn sách tiếng Pháp nói về tương lai Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Loạt bài chứa nhiều thông tin phong phú nhưng bộ phận biên tập chưa làm tôi hài lòng. Vì trong bài có nhiều nhân danh và địa danh Trung Quốc được Latinh hóa cho dân Pháp đọc, nhưng tòa soạn lại không chịu khó chuyển ra từ Hán Việt cho gần gũi độc giả Việt Nam. Bởi vậy tôi đọc không thấy sướng mắt lắm!

Muốn “bênh” tòa soạn nên tôi chỉ vô một trang báo và nói:

- Khó lắm, bác ạ! Thí dụ như mở đầu bài báo này, ở số 1950, có nhắc tới danh tánh Đức Giám Mục Jin Luxian. Tôi chả rõ bản tiếng Pháp có chua chữ Hán hay không. Nếu không thì bó tay! Chưa nói tới Luxian, riêng chữ Jin là đủ rối lắm rồi! Vì Jin có thể là Cân, Căng, Kim, vân vân và vân vân. Biết đường nào mà rờ!

Đang định hớp ngụm trà thơm, anh bạn đặt lại tách xuống dĩa lót; thế rồi vừa mở mấy tập báo ra dẫn chứng, vừa… cãi:

- Đồng ý như vậy. Nếu là một nhân danh quá quen thuộc như Lin Yutang thì ai cũng biết ngay là Lâm Ngữ Đường; bằng ngược lại, nhân danh không mấy phổ biến thì phải đành bó tay! Nhưng còn các địa danh đã phổ thông thì sao? Địa danh chẳng dễ hơn à? Này nhé, “như Xian thuộc tỉnh Shaanxi” tức là Tây An ở tỉnh Thiểm Tây; hay “thành phố Shenyang, thủ phủ của tỉnh Liaoning” tức là Thẩm Dương ở Liêu Ninh… À, đây nữa nè! “Shanghai, Guangdong, Hebei, Fujian, Zhejiang” tức là Thượng Hải, Quảng Đông, Hà Bắc, Phúc Kiến, Chiết Giang… Tôi nghĩ, giá mà bộ phận biên tập chuyển hết mấy cái địa danh quen thuộc đó ra từ Hán Việt có phải tiện cho độc giả lắm không?

Tôi vẫn “lì”, vẫn muốn bênh vực tờ báo thân quen của mình, nên cố bào chữa miễn phí giùm tờ báo:

- Nhưng nếu làm như bác nói, chỗ nào biết thì mình ghi từ Hán Việt, chỗ nào không biết rõ thì vẫn để nguyên cách ghi Latinh hóa, như vậy tôi e không ổn, vì… vì nhìn vào trang báo thấy giông giống như… Chà chà, tôi không biết diễn tả sao đây!

Thấy vẻ lúng túng của tôi, anh bạn cười xòa, đỡ lời:

- Ông muốn nói nhìn giống miếng thịt ba rọi hay miếng bánh da lợn nhiều lớp, không đồng bộ chứ gì?

Tôi cũng cười, ra dấu mời anh thưởng thức tách trà thơm ngon. Trong bụng tôi thấy vui vui, nghĩ rằng độc giả mà khó tánh với tờ báo tức là họ còn yêu quý tờ báo, muốn cho báo hoàn thiện. Tôi bèn “dụ” anh:

- Sao bác không chịu khó viết cho mục “Trang Bạn Đọc” để góp ý thẳng với tòa soạn, chẳng phải là hay lắm sao?

Anh cười, xua tay:

- Ấy chớ! Viết lách không phải “nghề của chàng”. Vả lại, trong số những cây bút kỳ cựu và thường xuyên cộng tác với tờ báo, tôi thấy có Trần tiên sinh là nhà Hán học danh tiếng, một chuyên gia soạn khá nhiều từ điển và sách học chữ Hán uy tín. Thế thì, trong lúc trà dư tửu hậu với những bạn văn thân thiết ở tòa soạn, biết đâu chừng Trần tiên sinh cũng đã từng góp ý, nhận xét về mấy chỗ lặt vặt tôi vừa nói lúc nãy. Tôi chẳng dám múa búa trước cửa Lỗ Ban đâu! Ông có viết giùm cho tôi thì tùy.

 Phú Nhuận, 21-4-2014

Dũ Lan Lê Anh Dũng

 

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm