Thứ Bảy, 07 Tháng Mười Một, 2015 22:19

Hãy tốt với nhau khi còn có thể

Không ít người giật mình khi nghe ai đó tìm đến cái chết hoặc bị chứng trầm cảm dày vò. Chính cuộc sống công nghiệp phát triển, mọi người mải tất bật với bao công việc. Để rồi một hôm nhận ra sao ta không quan tâm đến nhau nhiều hơn trước khi quá muộn.

Trở về từ một chuyến du lịch châu Âu, ông Nguyễn Trung Tín, 54 tuổi (quận 1 - TPHCM) cho biết, mình đã rất ngạc nhiên khi thấy trong đoàn khách du lịch là những nhóm đại gia đình hùn tiền đi chung cùng nhau. Hỏi ra tất cả đều có cùng mục tiêu: tạo sự gắn bó trong đại gia đình để hiểu và yêu thương nhau hơn. Ông chia sẻ: “Tôi đi cùng bà xã. Lẽ ra, hồi kỷ niệm 25 năm ngày cưới (lễ bạc), chúng tôi định đi du lịch thì cháu nội ra đời, phải ở nhà trông cháu giúp con trai. Giờ đây cháu đã đi học, con cái đều ổn định, hai vợ chồng cùng đi du lịch xa một chút để thêm gắn bó tình vợ chồng. 30 năm sống với nhau đâu thiếu những cãi vã, hụt hẫng, chúng tôi muốn quên đi để nhường cho niềm vui được sống bên nhau như những ngày đầu tiên”.

Không chỉ tình cảm vợ chồng mà các mối quan hệ khác trong gia đình, nếu không vun đắp, cũng dễ có nguy cơ nguội lạnh giữa cuộc sống gấp gáp. Chị Tuyết Hạnh, 45 tuổi (quận 5, TPHCM) lập gia đình và ra riêng từ lâu nhưng vẫn không quên mái nhà mình từng lớn lên một thời. Ở đó, vẫn còn mẹ và người chị gái 50 tuổi sống độc thân. “Tôi bận bịu chồng con, có niềm vui và cả nỗi buồn, song vẫn dành thời gian để về thăm mẹ và chị, khoảng 2 tuần một lần. Ngoài ra, mỗi tháng tôi đều dành một ngày Chúa nhật cùng chồng con về ở với mẹ và chị để hai người không cảm thấy cô đơn, hơn nữa mẹ tôi cũng có niềm vui con cháu xum họp”, chị Hạnh kể. Trước sự quan tâm của cô em, người chị gái dù độc thân cũng không cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà rộng cùng với bà mẹ già. Chị cho biết, mình rất vui khi em gái thường ghé qua hỏi han xem có cần gì không. Và chính bản thân chị cũng ý thức được rằng nhà chỉ có hai mẹ con nên lại dành hết sự quan tâm cho mẹ. “Trước đây mỗi người mỗi phòng nhưng khi mẹ mình bước qua tuổi 75, sức khỏe yếu dần nên mình đã ngủ chung phòng để tiện dìu dắt bà lúc đêm hôm đi vệ sinh hay khi trái gió trở trời có thể thuốc men, chăm sóc bà được chu đáo hơn. Bà cụ cũng cảm thấy an tâm hơn khi có con gái bên cạnh”, chị bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Tâm (quận 3, TPHCM) lại có một trải nghiệm riêng về tình cảm đối với mẹ mình. Bà kể, hồi nhỏ mẹ thương quý con trai theo quan niệm “trọng nam khinh nữ” thời phong kiến. Tuy bị đối xử bất công từ bé, chẳng hưởng của cải gì từ cha mẹ, bà Tâm vẫn luôn đối xử với mẹ rất tốt, rước mẹ về phụng dưỡng sau khi căn nhà bị người anh bán đi. Bà dạy con phải luôn kính trọng bà ngoại cho dù bà có ăn ở ra sao. Bà tâm sự: “Hồi nhỏ tôi rất giận mẹ. Sau này lớn lên quen với một người bạn mất mẹ từ nhỏ, tôi thật cảm động khi nghe bạn nói mình ao ước có mẹ chỉ để THƯƠNG thôi. Vì thế, tôi thấy giá trị của tình thương mẹ. Dù mẹ tôi có khắc nghiệt một thời nhưng vẫn lo cho tôi ăn học, thế vẫn tốt hơn là mất mẹ”. Chồng bà Tâm mất hơn 10 năm rồi. Chính bà cũng cảm thấy cô đơn khi hai con lần lượt trưởng thành, lập gia đình riêng. Bà thấu hiểu cảm giác cô đơn, sợ bị bỏ rơi của mẹ nên nguyện sống gần gũi, hủ hỉ với mẹ để sau khi cụ khuất bóng, mình không cảm thấy ân hận gì. Hơn nữa, bà nghĩ, yêu thương mẹ cũng chính là bài học cho con cái.

Với những gia đình mà các thành viên phải sống xa nhau hàng ngàn cây số, không thể đến thăm nhau thường xuyên, để tạo sự gắn bó, họ cũng nghĩ ra cách này cách kia để “thăm” nhau từ xa. Ông Lê Thành Ngân, 60 tuổi, một Việt kiều ở Pháp, kể về gia đình mình: “Nhà tôi chỉ có hai chị em, khi tôi đi định cư tại Pháp, chị gái tôi ở lại, không lấy chồng mà tu tại gia. Ngoài những việc về thăm chị vài năm một lần, tôi luôn nhắc các con mình gửi thư thăm bác, rồi gửi cho bác chút ít quà hay tiền để bác vui…”. Ông cũng cho biết, khi các con mình còn nhỏ, chưa đi làm, ông là người thường xuyên gửi quà, gửi tiền về cho chị gái dù biết chị cũng không thiếu thốn. Với ông, chút quà ấy có giá trị tinh thần, cho thấy sự quan tâm, chăm sóc chứ không nhắm vào giá trị vật chất. Còn bà Ngọc Bảo, chị của ông Ngân thì cười tươi kể rằng, trước đây cứ mỗi tháng mình nhận được thư của em trai hoặc các cháu gởi về. Các cháu viết thư như một cách luyện tập và duy trì ngôn ngữ Việt. Sau này, qua mạng Viber, các cháu gọi điện thường xuyên nên thỉnh thoảng mới viết thư. Nhờ vậy, bà không thấy cô đơn dù sống một mình ở Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Hà

“Con người ngoài nhu cầu ăn uống, làm việc, còn có nhu cầu được chia sẻ, được quan tâm và yêu thương. Vì vậy chúng ta nên quan tâm thăm hỏi nhau, nhất là trong một xã hội công nghiệp luôn bận bịu tấp nập như hôm nay. Một lời thăm hỏi, một món quà nho nhỏ… có thể giúp nhau hạnh phúc và lạc quan hơn để vượt qua những áp lực công việc hay sự cô đơn thường thấy trong cuộc sống”

Tiến sĩ Võ Văn Nam (Khoa Tâm lý giáo dục - Đại học Sư Phạm TPHCM)

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm