Thứ Sáu, 04 Tháng Mười Hai, 2015 16:07

Học thủ ngữ…

Emily Leah, cô bạn người Mỹ nhắn tin hỏi tôi có biết nơi nào dạy thủ ngữ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh không. Cô sang Việt Nam dạy tiếng Anh đã gần ba năm rồi và cũng biết chút ít tiếng Việt. Tôi tự hỏi không biết tại sao cô lại muốn học thủ ngữ.

 

Chúng tôi hẹn nhau tại một quán cà phê. Emily chân thành nói mình có thể giao tiếp với người Việt bằng tiếng Việt và tiếng Anh vì đa số người Việt biết tiếng Anh. Với học viên, cô có thể nói thoải mái tiếng Anh. Tuy nhiên, cô thở dài: “Sau giờ dạy mình có kế hoạch đi thăm các trường khiếm thính hoặc nhà mở cho người khiếm thính. Nhiều người khiếm thính khá giỏi viết tiếng Anh, thế nhưng mình không thích kiểu “bút đàm”, tức trò chuyện qua chữ viết. Mình thích “nói” và hiểu trực tiếp từ họ qua ngôn ngữ của chính họ”. Emily kể chuyện, khi diễn tả câu “I love you” (tôi yêu thương bạn), cô bé khiếm thính chỉ vào mình và đưa tay đặt trở lại vào trái tim của bé. Emily cũng cho biết cô viết câu “I love you, too” (tôi cũng yêu thương bạn) cũng sẽ không cảm xúc bằng chính cô cũng biểu lộ tình cảm bằng tay  giống như cô bé.

Tôi giới thiệu Emily cho một cựu sinh viên trường Đại học Văn Lang trước đây sinh hoạt trong câu lạc bộ Ba Lô Xanh, chuyên hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng cắm trại và cả dạy thủ ngữ... để sinh viên tiếp cận với các em khiếm thính. T, “cô giáo” dạy thủ ngữ cho Emily hiện làm việc tại một văn phòng công chứng. Chính sự nhiệt tình của cô bạn người Mỹ đã khiến T tự nguyện dạy Emily vào mỗi chiều thứ 7, đặc biệt dạy miễn phí.

Một buổi sáng, Emily mời tôi và cả T đến dự lễ Thanksgivings (Lễ tạ ơn) tại nhà riêng của cô cùng với các em khiếm thính. Tôi rất ngạc nhiên khi cô “trò chuyện” cùng các em một cách “nhanh tay”, nếu nói theo ngôn ngữ là lưu loát. Tôi chợt thấy xấu hổ khi nghĩ rằng đến với các em khiếm thính trong các nhà mở chỉ cần “tờ giấy cây bút”, thời gian đâu học ngôn ngữ của các em. Thế nhưng cô bạn Emily của tôi đã làm được điều đó. Emily và T không cần thời gian viết rồi đọc suy nghĩ của các em. Với đôi tay, ánh mắt, khuôn mặt, nụ cười... họ hiểu nhau rất nhanh và rất nhiều. Sự cảm thông và sẻ chia yêu thương của họ đã vượt qua ranh giới của chữ viết. Họ cười, họ đập tay, họ nhảy lên sung sướng... Họ làm tất cả những gì một người bình thường có thể “giao tiếp” bằng tiếng nói. Điều mà chắc chắn Emily và T sẽ không làm được nếu trong trái tim họ không có một sự đồng cảm sâu xa với người khiếm thính.

Sơn Hạ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm