Thứ Hai, 04 Tháng Tư, 2016 15:12

Khắc phục bệnh đãng trí

       Tôi đang học nâng cao nghiệp vụ kế toán, trong lớp, tôi hiểu bài khá nhanh nhưng toàn thi trượt vì không thuộc bài. Đầu óc tôi giờ như một ổ cứng đã đầy thông tin đến nỗi không thể nạp thêm được nữa. Tôi không nhớ nổi sổ sách mình vừa cất, tên người mình hẹn làm việc, thậm chí cả việc đưa đón con đi học. Gia đình tôi sợ sớm muộn tôi sẽ bị mắc bệnh lú lẫn. Tôi phải làm sao để cứu được đầu óc của mình?

(Một bạn đọc ở Bình Dương)

Quá trình thoái hóa liên tục của bộ não dẫn đến hiện tượng suy giảm trí nhớ và nhận thức khiến con người rơi vào bệnh lãng quên (dementia). Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo bệnh đang ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều triệu người trên thế giới và dự báo tăng lên 1 tỉ người vào năm 2050. Trẻ hóa độ tuổi thoái hóa thần kinh là tình trạng chung của thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 20% - 30% người trẻ đi khám có vấn đề về trí nhớ. Họ như một cục pin điện thoại đã bị “chai”, sạc mất nhiều giờ mà xài lại mau hết. Lý do bắt nguồn từ bộ nhớ: khó ghi nhớ những thông tin mới và chậm nhớ lại những thông tin cũ, “hiểu nhanh nhưng khó thuộc”, “nhớ khó, dễ quên”.

Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ sớm là do các căn bệnh thời đại: căng thẳng, thức ăn nhanh, dư cân, ô nhiễm môi trường, rượu bia thuốc lá và chất kích thích (rượu ảnh hưởng tiêu cực lên vùng nhớ hippocampus - phần não bộ có chức năng lưu trữ thông tin và hình thành ký ức - ngăn cản việc chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn).

Theo Huffinton Post, năm 2009 trên thế giới có 35 triệu người bị sa sút trí tuệ, đến nay con số này khoảng gần 47 triệu người trong khi y học thế giới 10 năm nay chưa tìm ra loại thuốc điều trị mới nào. Hiệp hội Azheimer của Australia cảnh báo rằng 35 tuổi không còn là quá sớm để phòng bệnh. Xã hội phát triển khiến người trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống dẫn đến stress. Các nhà chuyên môn cho biết, nội tiết tố nẩy sinh trong tình huống stress là thủ phạm bôi sạch bộ nhớ, chẳng khác nào virút trong máy tính. Các bệnh lý thoái hóa thần kinh vì vậy tăng cao mà không do tác động tuổi tác.

Biểu hiện phổ biến là tình trạng mất thăng bằng: hoặc dễ kích động, cáu gắt, thiếu tập trung, xử lý công việc không hiệu quả, hay nhầm lẫn hoặc tư duy chậm chạp, lãnh đạm, vô cảm, “lười yêu”, đánh mất khiếu hài hước, có khi cười đùa không đúng lúc (khi người khác bị đau, tai nạn, phẫu thuật, đuổi việc)… Vì vậy, người mắc chứng lãng quên chật vật hơn khi đi làm và xử lý các mối quan hệ xung quanh trong xã hội hiện đại, nhiều khi gây tai nạn cho chính mình hoặc cho người khác.

“Bệnh đãng trí” khó chữa nhưng có thể khắc phục bằng cách cân bằng lại cuộc sống:

Ăn uống: Não lúc nào cũng tiêu thụ không dưới 20% năng lượng của cơ thể. Chất béo 3-Omega, acid linoleic là món ăn chính của bộ não (có trong cá ngừ, cá thu, hải sản). Trứng chim (cút, bồ câu) có giá trị dinh dưỡng cao, giàu lecithin, một chất rất cần thiết cho cấu trúc và hoạt động của não bộ. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi có chất chống oxy hóa như cam, quýt, táo đỏ, dâu chín. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.

Ngủ nghỉ đủ 6-7 giờ/ ngày đêm, buổi trưa nên dành ít phút nghỉ ngơi. Mỗi ngày thu xếp thời gian tập thể dục, yoga, dưỡng sinh hơn nửa giờ xen kẽ nghỉ ngơi giải trí (đọc sách báo, nghe nhạc, thư giãn, chăm sóc cây cảnh...), tập ngoài trời như bơi, đi bộ, đánh cầu lông, đạp xe sẽ thúc đẩy khí huyết lưu thông, tăng cường chuyển hóa và gia tăng tuần hoàn não, cân bằng tâm trạng. Người thích hoạt động ít quên hơn người lười vận động, nhất là ai chỉ “đi vòng quanh thế giới” bằng cách ngồi lì trước màn hình TV.

Luyện não: Tăng hoạt động não bằng cách học một cái gì đấy (nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ, nấu ăn, vẽ, làm thủ công, giải ô chữ, ghi chép những thứ không được phép quên, chơi nhạc cụ,...). Đừng để mình cô đơn bằng cách trò chuyện giao tiếp, sống lạc quan. Mau chóng xử lý “rác” của não. Yêu thương người thân và bạn bè cũng là cách “tưới” cho trí nhớ thêm tươi mới.

Cách tốt nhất giữ được ký ức là nuôi dưỡng trí nhớ và đi tìm những ký ức đã bị mất hoặc lãng quên. 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm