Thứ Sáu, 01 Tháng Giêng, 2016 16:04

Khi gia đình có dâu - rể mới

Mùa cưới thường bắt đầu từ tháng 10 dương lịch và kéo đến cận tết âm lịch. Nhiều gia đình vừa bước vào năm mới đã có dâu rể mới. Chúng tôi có dịp tiếp cận và trải nghiệm không khí của những gia đình vừa có thêm các thành viên này.

Cô dâu mới nấu ăn vui vẻ với mẹ chồng

Bà Trần Thu Vân, 60 tuổi (quận Bình Thạnh - TPHCM) vừa làm đám cưới cho con trai tháng 11 vừa qua cho biết, con trai và con dâu bà có quá trình tìm hiểu 5 năm qua. Cả hai làm việc cùng cơ quan, và để tạo điều kiện cho con dâu hội nhập tốt gia đình chồng, bà khuyến khích con trai đưa bạn gái về nhà mỗi ngày Chúa nhật, sau thánh lễ 8 giờ, bà đi chợ rồi về cùng bạn gái con trai nấu nướng. “Vợ chồng chỉ có một thằng con trai nên tuổi già chắc chắn sống cùng con. Tôi không kỳ vọng một nàng dâu quá giỏi giang gì, chỉ cần cô ấy sống hòa hợp với nhà chồng, cùng chia sẻ việc nhà với tôi là được”, bà nói. Về nhà chồng được một tuần, con dâu bà đã quen thuộc với mọi ngóc ngách trong gian bếp. Buổi sáng cô đi làm, chiều về phụ mẹ chồng nấu cơm tối và làm thức ăn cho sáng và trưa ngày mai. Cô chia sẻ, khi chưa cưới, mình từng đến nhà bạn trai nấu nướng ngày nghỉ hay ngày lễ, ban đầu bạn bè và gia đình cô cản ngăn. Họ cho là cô dễ dãi, chưa chi đã đi “làm dâu”. Tuy nhiên, chính nhờ những lần đó, vô hình chung cô biết thói quen ăn uống, khẩu vị rồi đến tính nết từng người trong gia đình người yêu. Điều này giúp cô dễ dàng hội nhập hơn khi về nhà chồng.

Khác với bà Vân, bà Lê Thị Châu, 59 tuổi (quận 3, TPHCM) đã phải chưng hửng ngay ngày đầu tiên con dâu về nhà chồng. Thực ra thời gian quen nhau giữa con trai bà và con dâu chỉ hơn một năm. Thỉnh thoảng, con trai có đưa bạn gái về chơi sau khi cả nhà đã xong cơm nước, bà cũng chưa biết gì về khả năng nội trợ của con dâu tương lai, lúc ấy nghĩ cô là khách nên bà cũng  không để ý gì. Chỉ khi cưới rồi, bà mới thất vọng vì thấy con dâu sau giờ làm việc về nhà lại dán mắt vào máy tính, chờ bà nấu cơm xong dọn xuống ăn. Sau bữa, cô cứ tỉnh bơ đùa giỡn cùng chồng. Bà thở dài: “Tụi nó đâu còn nhỏ nhít gì. Hai đứa đã 27 - 28 tuổi rồi, vậy mà cứ như trẻ con!”. Tuy nhiên, vì không muốn ai trong nhà nói xiên xỏ con dâu nên sau một tuần thong thả, bà đã nhỏ nhẹ bảo con dâu cùng vào làm bếp với mình. “Rất may, con dâu tôi cũng là một người có học, chỉ vô tư chút thôi nên khi tôi góp ý, nó vui vẻ nghe theo. Tôi nghĩ chuyện không có gì ầm ỹ nếu mọi người thẳng thắn với nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc đại gia đình”, bà bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Phú, 57 tuổi (Thủ Đức, TPHCM) từng có thời gian ở rể tại nhà vợ nên rất cảm thông với chàng rể 26 tuổi đang sống ở nhà mình. Ông chân thành kể: “Thời gian đầu lấy vợ tôi cũng ở rể, lúc ấy cũng chịu nhiều điều tiếng song vì hoàn cảnh khó khăn, chưa thể ra riêng nên mình phải kiên nhẫn một thời gian. Khi việc làm ăn khấm khá hơn, tôi mua được căn nhà rồi ra riêng. Giờ đây con rể tôi khó khăn về nhà cửa, thôi thì nhà mình tuy ở vùng ven nhưng rộng rãi, cho nó về ở rể cũng tốt”. Từ trước khi cưới, ông vẫn cho phép bạn trai của con đến nhà chơi và dùng cơm luôn với gia đình. Chàng rể tương lai của ông khi đó cũng xăng xái lặt rau rửa chén, có lúc giúp ông bà sửa điện hoặc tư vấn nơi sửa các linh kiện điện tử, vi tính. Đặc biệt, con gái ông gặp người cùng có đạo nên việc hội nhập cũng rất dễ khi Giáng Sinh đến, chàng trai cùng phụ ông kết đèn, làm máng cỏ... Chính vì vậy khi về ở rể, anh không có gì bỡ ngỡ. “Ban đầu sinh hoạt ăn uống với gia đình vợ, tôi cũng hơi ngại rồi dần dần quen. Tôi luôn chủ động phụ việc trong nhà, lại là người siêng năng, không rượu chè nhậu nhẹt nên cũng được lòng ba mẹ vợ…”, anh tâm sự.

Con gái và con rể bà Phước Thi (quận 10, TPHCM) vừa cưới đã mua được nhà riêng nên bà dặn con dù không ở cùng cha mẹ nhưng vẫn phải thường về thăm nhà ít nhất hai tuần một lần. Theo bà, tất cả thái độ của con rể với ba mẹ vợ đều tùy vào con gái. Khi con gái biết yêu thương ba mẹ hai bên, nhất là luôn kính trọng, quan tâm ba mẹ chồng thì con rể cũng sẽ hiếu đạo với ba mẹ vợ. Vì thế, bà cũng dạy con phải thường gọi điện thăm hỏi ba mẹ chồng ở Nha Trang. Tương tự, con trai của ông bà Gia Huy (quận 1, TPHCM) vừa cưới vợ đã mua được căn hộ ra riêng ở quận 11. Đôi vợ chồng trẻ cuối tuần nào cũng đến thăm ông bà, gia đình luôn tạo một bầu khí vui vẻ để con dâu luôn cảm thấy dễ chịu. Ông bà cũng dặn con trai mình thường xuyên xuống Hóc Môn thăm ba mẹ vợ. “Muốn con không quên mình thì mình cũng thường xuyên nhắc nhở, hỏi thăm vợ chồng nó, ba mẹ vợ nó… Như thế mới khiến con dâu nể phục và biết sống chan hòa với gia đình chồng”, ông Huy nói.

Những nàng dâu, chàng rể thế hệ trẻ ngày nay phần lớn rất linh hoạt và có trình độ nên cũng dễ giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng với gia đình nhà chồng, nhà vợ. Các bậc cha mẹ có con mới cưới thời buổi này dường như cũng thoáng và dễ thông cảm với dâu, rể của mình hơn trước đây. Vì vậy, cũng dễ tìm thấy một bầu khí vui tươi trong những gia đình có dâu, rể mới...

Nguyễn Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm