Có dịp tham quan nông trại Sunny Farm cách trung tâm Sài Gòn 40 cây số, chúng tôi được biết thêm về một mô hình nuôi trồng tiên tiến. Hơn thế nữa, đây còn là nơi góp phần vào việc giáo dục môi trường và văn hóa cho các em học sinh.
Nông trại thuộc ấp 5, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Từ cổng vào là con đường ngắn rợp bóng mát. Với diện tích 15.000 hecta, nơi đây trồng đặc sản chanh không hạt, to gần bằng trái cam, rất nhiều nước và thơm ngon, ngoài ra còn có mía, củ cải trắng, củ cải đường, dứa…
Như mô hình du lịch sinh thái của Thái Lan, chúng tôi được tiếp đón tại hành lang thật rộng với nước trà đá. Sau phần tự giới thiệu, ai nấy được cấp ủng, bao tay, nón, tạp dề để ra vườn hái chanh. Khách chỉ được tặng vài trái tượng trưng, còn lại thì cân tính tiền với giá 45 ngàn đồng/kg.
![]() |
Những luống rau xanh um được chăm sóc kỹ lưỡng mà không dùng bất cứ phân hóa học nào |
Không chỉ hái chanh, chúng tôi còn được đưa đi trồng gừng trong chậu rồi được mang chậu gừng mình trồng về nhà như món quà của nông trại. Bên cạnh đó là tham quan vườm ươm. Những cây con được nuôi bằng nước nuôi cá phía dưới gọi là phương pháp aquabonic (tức nuôi cá dưới hồ, phân cá trong nước sẽ được bơm lên tưới cây con). Tuyệt nhiên không dùng bất cứ loại phân hóa học nào… Ở đây, từ vườn ươm đến các cây lớn đều không hề dùng hóa chất hay thuốc trừ sâu, chỉ dùng phân bón thuần túy và các phương pháp trồng trọt tiên tiến thân thiện với môi trường.
Ngoài nuôi cá, nông trại còn có khu nuôi bướm, khỉ, nhím, rùa, heo… Tất cả đều được nuôi theo phương pháp tiên tiến, đặc biệt chúng tôi không nghe chút mùi hôi nào khi ngang qua chuồng thú bởi chất thải được đưa thẳng xuống ao cá phía dưới.
Được biết, Sunny Farm không chỉ là nông trại thuần túy mà còn là môi trường giáo dục ngoại khóa dành cho học sinh rất hiệu quả. Cô Vũ Thị Mỹ Hạnh, người quản lý nông trại trước đây vốn là giáo viên dạy kỹ năng sống tại một trường phổ thông. Sau một thời gian công tác, cô nghĩ mình cần làm một điều gì đó thiết thực hơn là chỉ những bài giáo dục lý thuyết suông. Thế là năm 2011, cô và một số bạn bè tâm huyết đứng ra thành lập nông trại này. Với tiêu chí giáo dục văn hóa ứng xử và nhân cách là chính nên công nhân nơi đây được tuyển chọn rất kỹ. Họ phải luôn vui vẻ, nhất là không được nói tục, chửi thề hay lớn tiếng với nhau.
|
Các em học sinh thích thú khi học ngoại khóa ở nông trại |
Đây là nơi đón tiếp các học sinh đến tham quan, học tập ngoại khóa nên ban quản lý chủ trương không chỉ giới thiệu với các em hoạt động của nông trại mà còn định hướng giáo dục, giúp các em biết vận dụng những kiến thức khoa học cơ bản qua việc quan sát cảnh vật chung quanh cũng như các khu vườn sản xuất. Các em được tiếp cận thực tế trồng cây, ươm cây con, chăm sóc thú… để củng cố kiến thức và được gợi mở thái độ thân thiện cùng môi trường và thú vật. Ngoài ra, học sinh cũng được ra vườn thu hoạch phụ với công nhân để có thêm kinh nghiệm. Từ đó, các em sẽ đánh giá giá trị sản phẩm và sẽ cảm thấy giá trị bản thân qua những gì mình làm ra. Cuối cùng là giúp các em chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho người khác, tạo nên một liên kết cộng đồng để qua đây, học sinh nhận ra giá trị sống trong cuộc sống thực của mình.
Không chỉ cọ xát thực tế, đến với Sunny Farm, các bạn trẻ còn được xem phim về thiên nhiên, môi trường, đời sống hoang dã…như một phần bổ trợ kiến thức. Thời gian qua, một số trường quốc tế đã chọn nơi này làm điểm đến để học trò sinh hoạt, học tập. Sắp tới chương trình sẽ được mở rộng đến các trường từ tiểu học đến cấp 3 ở TPHCM. “Lúc còn đi dạy, tôi thấy các em học sinh thiếu một sân chơi lành mạnh kết hợp học hỏi và gần gũi môi trường cũng như sinh hoạt cộng đồng một cách hiệu quả. Tôi hy vọng Sunny Farm làm được điều đó”, cô Mỹ Hạnh tâm sự.
Nguyễn Ngọc Hà
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.