Nói về chuyện ôn thi, học thi, không phải ai cũng có phương pháp như nhau.Làm thế nào để việc học được nhẹ nhàng mà vẫn đạt kết quả tốt? Mùa thi đang gần kề, hãy nghe các sĩ tử đi trước kể chuyện họ đã từng vượt “vũ môn” như thế nào…
Bên cạnh nhiều người đổ về những trung tâm luyện thi, có một bộ phận sĩ tử chọn phương pháp tự học. Từng trải qua mùa thi và giờ đã trở thành cô sinh viên khoa Toán (Đại học Khoa học Tự Nhiên - TPHCM), Trần Thị Ngân thừa nhận, chính việc tự học đúng cách đã mang lại thành công cho mình trong kỳ thi tuyển sinh năm ấy. Theo Ngân, khi mày mò tự học, sẽ thấy mình yếu phần nào và bổ sung phần đó. Cô bạn trẻ này không phủ nhận việc luyện thi tại trung tâm nhưng cho rằng quan trọng là khi đến lớp luyện ấy, học sinh phải biết nghe giảng kỹ, đào sâu phần nào mình chưa nắm vững, như thế mới hy vọng có kết quả tốt. “Không nên cắm đầu cắm cổ học để rồi cuối cùng khi đến gần ngày thi mới phát hiện có một số vấn đề mình chưa hiểu sâu, và ra thi gặp ngay nó thì thật uổng phí những tháng ngày ôn luyện”, Ngân nói. Cùng suy nghĩ này, Mai Anh (sinh viên khoa Anh - Đại học Sài Gòn) cho rằng tự học rất quan trọng. Chính cô từng dành nhiều thời gian hơn cho việc tự ôn luyện môn tiếng Anh và đã vượt qua kỳ thi.
Trong quá trình tự học, việc làm nhiều bài tập được các sĩ tử đi trước thừa nhận như một trong những cách giúp họ tự tin hơn khi bước vào phòng thi. Bởi hiểu bài thôi chưa đủ mà phải thực hành để trở nên nhuần nhuyễn, có được những kỹ năng cần thiết trong làm bài. Trần Văn Giang (sinh viên Đại học Kinh Tế TPHCM) kể, trước đây mình cũng có tham gia một khóa luyện thi, nhưng không chỉ nghe giảng bài ở lớp, Giang còn mua những quyển bài tập có lời giải phía sau để về nhà tự luyện thêm. Việc siêng năng làm bài tập đã giúp cậu có được kết quả thi như mong đợi.
Thức quá khuya học bài không phải là cách ôn thi mang lại hiệu quả cao. Theo một số sĩ tử đi trước, thức khuya nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần dễ mệt mỏi, dẫn đến chuyện mau quên, dễ nhầm lẫn, sai sót khi làm bài thi. Lê Thị Thanh Thảo (sinh viên Đại học Y Dược TPHCM) nói về trải nghiệm này: “Một số bạn bè tôi đã thức gần đến sáng để học và làm bài trong mùa thi, riêng tôi không có chuyện này. Sáng học ở trường, chiều tôi học ngay bài buổi sáng rồi đi học thêm những môn mình yếu. Buổi tối thì thường học đến 9 giờ là xếp sách vở, xem tivi giải trí và đi ngủ trước 12 giờ đêm...”. Theo Thảo, với cách học như vậy, buổi sáng thức dậy, cô thấy mình rất sảng khoái, không lừ đừ hay buồn ngủ khi đến lớp. Chính điều này đã giúp cô có một tinh thần minh mẫn và thực hiện được ước mơ bước chân vào cổng trường đại học. Cô bạn trẻ này cũng chia sẻ thêm rằng, để tránh việc học dồn quá nhiều phải thức khuya, bản thân mỗi sĩ tử phải học đều đặn, đừng chờ “nước tới chân mới nhảy”, tức là không phải đến gần ngày thi mới bắt đầu “sôi kinh nấu sử” mà phải học ngay từ đầu năm. Cần tạo cho mình những kiến thức vững vàng trước khi mùa thi tới, như thế mới tự tin và điềm nhiên ôn luyện một cách thong dong được. Còn cậu sinh viên Vũ Minh Tâm (Đại học Văn Lang - TPHCM) không ngần ngại thừa nhận: “Tôi cứ thức khuya học, đến ngày thi muốn thét lên vì đầu óc mù mờ, quên hết những gì đã học. Năm đó, tôi rớt đại học, phải thi lại vào năm sau. Giờ thì kinh nghiệm hơn, tôi học đều đặn để không phải thức khuya ôn luyện như khi thi đại học”. Từ trải nghiệm bản thân, Nguyễn Văn Quân (Sv khoa Toán - Đại học Sư Phạm TPHCM) rút ra bài học: trong những ngày đi thi, các sĩ tử cần đặc biệt dành thời gian nghỉ ngơi, ăn ngủ đúng giờ giấc, không nên sau khi kết thúc ngày thi đầu lại vùi đầu vào bài vở, như thế sẽ dễ bị rối và ảnh hưởng đến sức khỏe trong ngày thi kế tiếp.
Nhìn vào thực tế, có những sĩ tử học hành xem ra có vẻ thong thả và chỉ thi năm đầu đã đậu, lại có những người học ngày đêm mà vẫn rớt, không chỉ một lần. Nhiều người vin vào câu “Học tài thi phận” để tự an ủi và lý giải cho sự thành công hay thất bại trong việc thi cử. Song bình tâm nhìn lại, có ai tự hỏi mình đã đi đúng hướng bằng những phương pháp học tập hiệu quả chưa? Hay là cứ cắp sách đi tới hết trung tâm này đến lò luyện kia, bù đầu học hành mà không biết mình bị khiếm khuyết, bị hổng kiến thức chỗ nào để trau dồi hay bổ sung.
Học không phải chỉ biết miệt mài bên sách vở mà làm sao tìm được phương pháp phù hợp để việc ôn thi không trở nên nặng nề; để khi bước vào phòng thi luôn với tâm thế thực sự thoải mái, tự tin - đó cũng là điều được không ít các sĩ tử đúc kết và lưu ý các thế hệ đàn em.
SƠN HẠ
Bình luận