Một trong những vấn đề quan trọng trong cách cư xử của cha mẹ đối với trẻ là làm sao không cằn nhằn con cái. Những vết xước trên bàn, vết bẩn trên tường, đồ chơi bừa bộn khắp nhà... Đó là những thứ khiến cha mẹ cảm thấy “nóng gáy”, thế là chuyện cằn nhằn hoặc la rầy xảy ra.
Một cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng cằn nhằn là một trong những “âm thanh” làm người ta “không để ý” nhiều nhất. Điều này chắc hẳn các bậc cha mẹ cũng đã biết từ hồi mình còn nhỏ! Vì thế, khi con trẻ làm những điều khiến người lớn không hài lòng, thay vì phản ứng bằng cách phàn nàn, các bậc phụ huynh có thể có cách nói nào đó để hướng dẫn con. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ nên giảm cằn nhằn theo tỷ lệ nghịch với độ tuổi của con cái. Để làm được điều này, phụ huynh phải luôn kiềm chế bản thân và cố gắng tìm cách nói khéo để dạy con ý thức khi làm việc gì đó. Đây là 5 “chiến lược” giúp người làm cha, làm mẹ không cằn nhằn con cái:
![]() |
Tự điều chỉnh: Cha mẹ cần hiểu rằng lời cằn nhằn là lời “không lọt lỗ tai”. Cần gì cứ nói thẳng đừng lẩm bẩm hoặc nói xiên xẹo. Khi thất vọng, con cái cũng lẩm bẩm để người khác nghe thấy, hãy cho chúng biết ngay đó là thói xấu. Nếu đó là thói xấu, chính cha mẹ cũng phải tự điều chỉnh để không cằn nhằn. Trẻ đang độ tuổi phát triển có nhiều thứ phức tạp, vì thế các phụ huynh phải cảm thông và hiểu đó là quá trình phát triển tốt ở trẻ.
Cân nhắc vấn đề: Trẻ con cũng như người lớn, cũng có những ngày cảm thấy mệt mỏi, nhất là khi việc học căng thẳng và quá tải. Những thay đổi trong sinh hoạt như khi có thêm em bé, chuyển nhà hoặc chuyển trường... cũng có thể khiến trẻ dễ stress. Vì thế, cha mẹ nên nhẹ nhàng giải thích cho con và an ủi chúng. Có thể bảo con đi chơi với bạn bè, đi xe đạp, hoặc cho trẻ cùng làm bếp... để chúng quên sự căng thẳng.
Bình tĩnh: Cố gắng bình tĩnh khi thấy con cái làm điều gì không vừa ý. Còn trẻ người non dạ, chưa kinh nghiệm nên các con vụng về và lóng ngóng là điều tất nhiên thôi bởi chẳng ai sinh ra mà thông thạo ngay việc gì, dù là thiên tài cũng vẫn cần được hướng dẫn làm cho đúng phương pháp. Đừng vội chê trách trẻ, vì chê trách sẽ làm chúng nản lòng, mất tự tin mà nhụt chí. Cứ bình tĩnh hướng dẫn con, rồi mọi việc sẽ ổn.
Kiên nhẫn: Nếu cha mẹ đã hướng dẫn tỉ mỉ nhiều lần mà trẻ vẫn không làm được, hãy hướng dẫn lại, nhưng phải nhấn mạnh việc tự nỗ lực và tự tin thì mới có thể thành công. Tuy nhiên, người lớn cũng phải xem lại cách hướng dẫn của mình có rõ ràng và hợp lý hay không. Không có phương pháp thì người tài cũng hóa vụng về, nhưng có phương pháp thì người thường cũng khả dĩ làm được việc phi thường.
TRẦM THIÊN THU
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.