Thứ Sáu, 11 Tháng Ba, 2016 14:43

Luật có giải được bài toán “nếp” ít, “tẻ” nhiều ?

Ths - Bs. Lan Hải

Mất cân bằng giới tính (MCBGT) ở nước ta đã tăng nhanh trong hơn một thập kỷ qua, từ mức 105 - 106 bé trai/100 bé gái thì nay con số này là trên 113 bé trai/100 bé gái, thậm chí tại một số địa phương ở khu vực phía Bắc, tỷ lệ này còn lên tới 120 - 125 bé trai/100 bé gái. Có đến 5/6 vùng kinh tế - xã hội, 51/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang ở trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nguyên  nhân  chủ  yếu  là  do  bất  bình đẳng giới. Truyền thống con mang họ cha, chỉ con trai mới được coi là “nối dõi tông đường” và lo việc thờ phụng tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít cá nhân, dòng họ. Bên cạnh đó là quy chuẩn xã hội mới “mỗi gia đình chỉ 1 đến 2 con” dường như xung đột với giá trị văn hóa truyền thống là phải có con trai bằng mọi giá đã tạo áp lực cho các cặp vợ chồng: vừa muốn có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Đây là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. Mặt khác, hiện nay lao động thủ công đòi hỏi sức lao động cơ bắp vẫn nhiều, chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa đảm bảo, nhiều người già ở nông thôn không có lương hưu nên có tư tưởng muốn có con trai để nương tựa tuổi già.

Hành vi cá nhân tác động tiêu cực đến xã hội

Việc lựa chọn giới tính khi sinh là một hành vi mang lợi ích cá nhân, nhưng chính điều này lại gây tác động tiêu cực đến xã hội, dẫn tới những hậu quả, hệ lụy xã hội rất đáng lo ngại. Nhiều người chưa hiểu được hậu quả xã hội của việc mất cân bằng giới tính (MCBGT) hoặc hiểu biết thiên lệch về giá trị của con trai và con gái, chẳng thế mà năm Nhâm Thìn 2012 được xem là năm đẹp nên số trẻ sơ sinh tăng đột biến. Ở trường mầm non, quản lý lớp học nhiều trẻ trai sẽ vất vả hơn, nên thường phải thêm một cô cho mỗi lớp học so với trước kia.

Nhìn đến năm 2050, đối tượng bị tác động nhiều nhất vẫn là thanh niên. Họ sẽ chịu tác động về cơ cấu xã hội và những thay đổi về chuẩn mực văn hóa cũng như lề lối xã hội, đặc biệt là cơ hội tìm bạn đời của nam giới sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ đàn ông Việt sẽ khó hoặc không thể lấy vợ mà tỷ lệ tội phạm liên quan đến tình dục sẽ ngày càng cao, nguy cơ phụ nữ, trẻ em gái sẽ trở thành món hàng bị buôn bán, bạo lực tình dục gia tăng. Việc thiếu phụ nữ sẽ làm bất bình đẳng giới ngày càng gia tăng, buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Sự tranh giành giữa những người đàn ông để có được người phụ nữ và tỷ lệ phụ nữ tái hôn sẽ cao hơn. Đừng nói chi xa xôi, bây giờ trong các làng xã, những thanh niên 18 - 20 tuổi yếu thế hơn, như “thấp bé nhẹ cân” hoặc học vấn thấp, kinh tế khó khăn đã khó tìm người yêu hoặc lấy vợ.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã phải “nhập khẩu” cô dâu và trong số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài phần lớn đã trở thành cô dâu ở mấy xứ này. Nếu tình trạng MCBGT ở Việt Nam không được cải thiện thì trong tương lai, nước ta sẽ phải đối mặt với những hệ lụy rất phức tạp về an sinh xã hội với cảnh báo đến năm 2050, sẽ có khoảng 4,3 triệu nam giới ế vợ. Đến khi Việt Nam rơi vào cảnh thiếu hụt phụ nữ thì khó có thể “nhập khẩu” được cô dâu từ nước láng giềng, giải quyết vấn đề này chắc chắn sẽ  khó khăn hơn các nước khác.

Luật có làm giảm được tình trạng này?

Mặc dù Bộ Y tế nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh và phá thai vì lựa chọn giới tính, nhưng trên thực tế thì việc giám sát tại các phòng khám, bệnh viện tư chưa hiệu quả: Trang thiết bị y tế hiện đại và sự kiểm tra còn lỏng lẻo khiến việc lựa chọn giới tính còn đang diễn ra ở nhiều nơi. Vì lợi nhuận, vì tình thân, vì coi “khách hàng là thượng đế”, vì “thân chủ luôn luôn đúng” nên một số cơ sở y tế, nhất là các phòng khám tư nhân vẫn bất chấp quy định pháp luật, chẩn đoán giới tính thai nhi lén lút. Các hình phạt hành chính đơn giản không mang tính răn đe khiến các bác sĩ vẫn thường xuyên thực hiện yêu cầu trên cho các thai phụ.

Một nghiên cứu cho thấy nhiều người rất lo lắng không có con trai để cậy nhờ tuổi già: 82,7% ý kiến được hỏi cho rằng con trai rất quan trọng để nối dõi tông đường, gần 59% để chăm sóc cha mẹ khi về già, ốm đau. Có tới 11,1% thấy cho rằng chỉ sinh con gái sẽ là người bất hạnh, gần 13% cho biết có con gái là gánh nặng kinh tế... Chỉ 11% phụ nữ mong muốn mình sinh con gái.

Điều 25 trong dự thảo Luật Dân số (lần 3) đang được Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến đã đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm về cân bằng giới tính khi sinh, trong đó có đề xuất: Các cặp vợ chồng có 1-2 con toàn gái, không có bất kỳ chế độ bảo hiểm xã hội nào, khi về già (60 tuổi) sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Cách làm này có giúp hạn chế sự mất cân bằng giới tính hay lại khơi thêm tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn trong xã hội hiện đại? Theo luật, gia đình sinh con một bề là gái khi bé gái lớn lên sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí, khi lớn hơn có thể được tạo điều kiện trong học tập, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn làm kinh tế. Những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn. Việc hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con một bề là gái hướng tới mong muốn nâng cao vị thế của phụ nữ, để mọi người nhìn nhận con gái cũng như con trai, được quyết định cuộc sống và làm chủ gia đình mình. Nay được nhà nước hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái, hỗ trợ tài chính cho cha mẹ sinh con một bề khi về già thì tư tưởng đó sẽ dần đổi thay. Thực tế không chỉ con trai mới báo hiếu, chăm lo được cha mẹ mà các con gái cũng hoàn toàn làm tốt việc này. Nhiều người không nghĩ rằng mình sinh hai con gái để nhận hỗ trợ nhưng có chính sách hỗ trợ này, đại đa số người dân sẽ thấy mình được quan tâm, chia sẻ.

Tuy nhiên nhìn ở mặt khác, quy định này có thể mặc định những gia đình sinh con gái là thiệt thòi, là nhóm yếu thế; đồng thời cũng mặc nhiên công nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ là của con trai.

Chuyện không của riêng ai

Tỷ số giới tính khi sinh liên quan đến vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán của người dân từ hàng ngàn năm nay. Chúng ta phải ứng xử với việc mất cân bằng giới tính khi sinh như là một “vấn đề văn hóa”, không thể nóng vội mà phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp được xây dựng từ thực tiễn đặc thù của Việt Nam và được đúc kết từ các bài học kinh nghiệm của các nước bạn. Để giải được bài toán “nếp ít” - “tẻ” nhiều, phải có chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, với những gia đình sinh con một bề là gái chứ không chỉ dừng lại ở bình đẳng giới. Cần rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tuyệt đối cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính khi sinh. Trong tất cả các giải pháp, quan trọng nhất vẫn là truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân bằng mọi phương tiện, mọi hình thức, từ tuyên truyền miệng đến các phương tiện truyền thông hiện đại.

Giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ là chuyện của nhà nước, của các cơ quan chuyên môn, mà sự đồng thuận, ủng hộ của từng gia đình, của mỗi cá nhân rất quan trọng, dẫn đến kết quả chắc chắn. Vì nó không chỉ là những thành tích báo cáo trên giấy mà là từ những hạt giống. Trong đó phải chú ý đến việc thay đổi nhận thức từ phụ nữ, bởi nhiều chị em dù không chịu áp lực từ chồng hoặc sức ép từ họ hàng nội ngoại, vẫn tự mình “khát con trai”, kiếm con trai bằng được, coi như tấm vé đảm bảo gia đình hạnh phúc, “hoàn thành nghĩa vụ với nhà chồng”, trừ mối lo chồng bỏ hoặc bị người khác cướp mất chồng...

Việt Nam đã mất đến 50 năm để người dân chấp nhận mỗi gia đình có 1-2 con thì để việc chấp nhận có con gái cũng như con trai, nếp hay tẻ đều là những hạt giống trên cánh đồng là cả một quá trình lâu dài.

Ths - Bs. Lan Hải

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm