Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai, 2015 07:01

Máng cỏ trong mùa cũ

Năm tôi lên sáu, gia đình mới có bộ tượng hang đá đầu tiên và người mừng nhất dĩ nhiên là tôi. Buổi tối hôm ấy, bên ánh đèn dầu, tôi tha hồ nhìn ngắm, sắp xếp các nhân vật hang đá Bêlem. Đó chỉ là những tượng đất nung lớn hơn ngón tay cái một chút với hình dáng, màu sắc thô sơ nhưng trong tâm trí non nớt của một chú bé mới rước lễ lần đầu là cả một thế giới vừa xa vừa gần. Xa vì không biết các vị đến từ phương trời nào mà y phục, màu da thật khác lạ. Gần vì hằng ngày vẫn đọc tên ba Đấng trong kinh nguyện, vẫn thấy ba Đấng trên bàn thờ.

Mất mấy buổi chiều hai bố con mới làm xong hang đá. Tôi phụ ba nắn thêm mấy con trâu bò bằng đất sét nhưng đâu có sơn gì mà quét lên, chỉ để thô mộc vậy thôi. Còn gì sung sướng hơn tự tay mình uốn nắn các tảng đá, tạo lối quanh co cho ba Vua, các mục đồng rồi sắp xếp chỗ cho từng nhân vật… Thời ấy xóm đạo chưa có điện nhưng dưới ánh đèn dầu mờ ảo - trong nhà thờ đốt đèn “măng sông” (một loại đèn dầu cao cấp của người Pháp) - những cái hang đá đơn sơ, nghèo nàn (đúng nghĩa đen) của bọn nhỏ chúng tôi vẫn lung linh, huyền ảo lắm.

Đến khi khu dân cư có điện, chúng tôi lại phải nhịn ăn sáng mới đủ tiền sắm ít nhất một sơ-ri 12 bóng đèn cho hang đá. Mỗi bóng năm cắc mà phải gom cả chục ngày mới đủ. Bọn trẻ cũng có cách kiếm tiền thêm. Số là thời ấy dân mình còn mù chữ nhiều lắm. Buổi sáng các bà muốn vô chợ phải đánh vần, đọc được mấy chữ trên tấm bảng đặt ở cổng vào do cán bộ bình dân học vụ phụ trách. Đám học trò trước khi vô trường thường lân la xem bà con nào cần thì sẽ giúp “xóa mù chữ tại chỗ” và thường được trả công năm cắc.

Hang đá có điện, dưới ánh đèn màu lóng lánh, các nhân vật xóm Bê-lem hình như cũng chuyển động… làm bọn trẻ càng rạo rực, trí tưởng tượng tha hồ bay lơ lửng như trong tranh Chagall… lên tận các vì sao. Vùng ngoại ô nghèo, xóm đạo nghèo, hang đá nghèo mà sao ấm áp, thân thương quá chừng. 64 mùa Giáng Sinh qua đi, tôi đã đón Đêm Thánh ở nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chưa quên những đêm Noel lạnh buốt trên cao nguyên Lâm Đồng, nơi vùng ngoại ô Khánh Hội “vàng ánh điện câu” vào những năm 50 thế kỷ trước. Năm mùa Giáng Sinh lặng lẽ, cô độc giữa rừng sâu… Đêm Noel tuyết phủ bên trời Âu… Thế nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức câu chuyện Giáng Sinh nơi xóm đạo nghèo, chiếc hang đá nghèo với bao kỷ niệm không chỉ êm đềm mà rất huyền diệu, thánh thiêng.

Với người Công giáo, lễ Giáng Sinh có thể không có cây thông, ông già Noel, bữa tiệc đêm thịnh soạn, nhưng chắc chắn không thể thiếu hang đá Bêlem, như người bạn thân thiết của người tín hữu từ thời niên thiếu mỗi khi cơn gió lạnh cuối năm trở về. Xuất hiện cách nay gần 800 năm do sáng kiến của thánh Phanxicô Assisi vào một buổi chiều trên đường từ Rôma về làng Assisi. Chỉ còn ít ngày là đến lễ mừng Chúa giáng trần, vị thánh của hòa bình muốn làm cái gì đó để tưởng niệm việc Chúa ra đời trong khổ cực, nghèo hèn nên nhờ các thầy dòng làm một hang đá bằng gỗ giống như thật rồi dẫn bò, lừa vào, chất rơm khô vào như hang Bêlem ngày xưa…Từ đó hằng năm vào trung tuần tháng 12, các giáo xứ, gia đình Công giáo quanh vùng đều làm hang đá và nhanh chóng lan ra khắp nước Ý rồi cả thế giới.

Năm 1999, tôi được xem cuộc triển lãm hang đá Giáng Sinh quốc tế của hơn 100 quốc gia tại Paris, Pháp và vô cùng ngưỡng mộ sức sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân. Một đề tài xưa cũ rất quen thuộc nhưng dưới bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, hang đá đã là những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa một phong cách thể hiện, một lối diễn tả khác nhau. Từ những hang đá truyền thống châu Âu đến các máng cỏ hội nhập văn hóa Á, Phi, Nam Mỹ. Không ít tác phẩm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình, xếp đặt. Luật phối cảnh cùng hiệu ứng ánh sáng tạo nên những không gian tuy rất nhỏ nhưng chuyển tải được câu chuyện 2000 năm trước. Trường phái Baroc với thật nhiều tượng, cảnh trí rườm rà xen kẽ nhau bên cạnh hang đá kiểu hiện đại tiết giảm tối đa đường nét, chỉ giữ lại ba nhân vật chính nhưng vẫn đem đến người xem những cảm xúc, ấn tượng mạnh mẽ. Nhiều hang đá không còn là những mô hình bất động thô cứng mà như muốn gởi đến người xem bao cảm xúc bay bổng, siêu thoát của đêm mầu nhiệm. Cũng bấy nhiêu nhân vật, bấy nhiêu cảnh trí nhưng người xem vẫn dễ dàng cảm nghiệm được niềm tin, lòng thành kính của tác giả gởi gắm, và có lẽ đây chính là ý tưởng ban đầu của thánh Phanxicô khi muốn tái hiện khung cảnh hang Bêlem. Đây cũng là nhiệm vụ của nghệ thuật thánh: từ thực tế đời thường đã gợi mở, hướng đến một thế giới khác của thần thánh, linh thiêng.

Chúa Hài Đồng, hình tượng nhỏ nhất nhưng lại chiếm vị trí trung tâm bên cạnh thánh Giuse, Mẹ Maria là ba nhân vật không thể thiếu của hang đá. Tượng Đức Mẹ và thánh Giuse mãi đến năm 1400 mới được đưa vào. Các thiên thần bay lượn trên hang đá luôn là hình ảnh của hy vọng, của niềm vui. Các mục đồng và đàn gia súc đại diện cho tầng lớp nghèo khó nhưng lại được đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể sớm nhất. Ba nhà đạo sĩ cùng đoàn tùy tùng đến từ phương xa nói lên tính phổ quát của đạo Chúa. Theo truyền thuyết còn một vị đạo sĩ thứ tư nhưng ít được nhắc đến và trưng bày. Sự đa dạng, hòa trộn của màu sắc, chất liệu với rất nhiều kiểu dáng đã thổi vào các hình tượng nhỏ bé kia vẻ trầm mặc, cung kính lồng trong nét ngộ nghĩnh thật sinh động, đáng yêu.

Những năm ở Tiểu chủng viện, do khung cảnh trầm lặng của tu viện, mùa Giáng Sinh, nhất là thánh lễ nửa đêm của chúng tôi không rộn ràng nhộn nhịp mà ẩn hiện cảnh tĩnh mịch, quạnh quẽ mùa Đông và giữa không gian ấy, những chiếc hang đá ở cuối hành lang, trong góc phòng không còn là những hình khối im lìm mà toát lên hình bóng đêm Bêlem xưa. Tất cả được tạo hình theo ý tưởng hội nhập văn hóa ba miền: Thánh Giuse mặc áo dài khăn đóng, tay cầm đèn bão leo lét. Đức Mẹ mặc áo bà ba, ngồi võng bồng Chúa con. Siêu sắc thuốc trên bếp lửa bập bùng. Bên cạnh chòi là mấy gốc chuối, cây cau…Không có ánh sáng điện, chỉ có ánh đèn dầu, lửa (giả) bếp lò. Máng cỏ trở thành một không gian cầu nguyện, chiêm niệm.

Trong khi đó, nơi các giáo xứ, bên trong cũng như bên ngoài nhà thờ, không gian chói lòa ánh sáng đủ màu sắc cùng cảnh trí lộn lộn xung quanh vô tình biến hang đá thành những mô hình lộng lẫy, như để trưng bày, triển lãm. Nhiều gia đình, có khi cả một dãy phố dàn dựng hang đá rất hoành tráng, rực rỡ, nguy nga với kinh phí khá cao nhưng đôi lúc lại làm chệch hướng ngay lành lúc ban đầu.

Hiện nay vào dịp Giáng Sinh, khá nhiều bà con ngoài Công giáo trang trí cây Noel, có gia đình còn làm hang đá trong nhà, nhiều nơi không phải xóm đạo cũng giăng đèn nhấp nháy chạy suốt các con hẻm. Niềm vui lan tỏa khắp phố phường. Hang đá của người Công giáo không để phô trương, nghiêng theo vẻ hào nhoáng bề ngoài, không chỉ đem lại những niềm vui nho nhỏ mà trên hết, giới thiệu cho người xem thông điệp an lành, yêu thương như câu chúc của các Thiên thần bên máng cỏ ngày xưa.

Chu Quan San

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm