Thứ Sáu, 18 Tháng Ba, 2016 15:46

Một người cha

NGUYỄN THÀNH CÔNG

Tôi mồ côi cha sớm nên từ nhỏ không được học cha những kỹ năng ứng xử theo cách của một người đàn ông. Nhưng khi lớn lên, ra đời làm ăn, tôi may mắn kết thân với những người bạn có cách giáo dục con cái rất tuyệt. Trong đó có một người tôi rất ngưỡng mộ và xem như anh Hai của mình. Ở anh, tôi học được nhiều điều hữu dụng cho cuộc sống, nhất là trong việc dạy con.

Nhà anh có đủ “nếp”, đủ “tẻ”, điều kỳ diệu là trong hoàn cảnh không có gì khá giả nhưng các con anh đều thành tựu. Con trai trưởng dù bị khuyết tật, teo cơ chân từ nhỏ nhưng vẫn học hành tới nơi tới chốn, không những tốt nghiệp đại học mà còn hoàn thành chương trình thạc sĩ công nghệ thông tin và có việc làm tốt ở một ngân hàng lớn. Con gái kế, học ngoại ngữ, được học bổng du học Singapore, ra trường có việc ổn định. Cô con gái nữa, dù chỉ học xong cấp ba rồi lấy chồng nhưng cũng có nghề và sống hạnh phúc. Cậu con trai út nay cũng công thành danh toại. Một gia đình như thế là cả ước mơ cho nhiều người. Ngẫm lại thấy hạnh phúc ấy có được không hề ngẫu nhiên, may rủi mà phần lớn do anh chị tạo dựng, cho các con một cái đà để cất cánh bay cao, bay xa.

Anh thường tâm sự: “Con tui ngay từ bé muốn gì mình tạo điều kiện cho chúng thỏa mãn trong kiểm soát và hướng dẫn, chứ không để tụi nhỏ tự mày mò vụng trộm, dễ hiểm nguy tai hại”. Để các con có thể đi được xe gắn máy một cách tự tin, khi vừa đến tuổi cho phép, anh nhẫn nại tập cho từng đứa, đến khi thành thạo mới thôi. Anh bảo, có những bậc phụ huynh sợ con mới lớn đi xe dễ gây tai nạn nên cấm tiệt không cho con đụng đến chiếc xe, như vậy trẻ càng không có cơ hội để rèn luyện cho cứng cáp hơn, sẽ kém tự tin so với bạn bè đồng trang lứa, thích ứng chậm với cuộc sống luôn tiến từng ngày. Các con của anh ban đầu cũng yếu ớt, hay nhõng nhẽo khóc, ỷ lại cha mẹ, chơi với bạn cái gì cũng méc, cũng đổ thừa song anh có cách uốn nắn khiến con trưởng thành hơn, tỷ như khi con trai khóc, nằm vạ, anh ngăn vợ ra vỗ về. Thằng bé khóc một hồi, không có... hiệu quả, từ đó bỏ tật ăn vạ.

Vào lúc tiền bạc khó khăn, mấy con sàn sàn nhau đều muốn được học đại học, xuất hiện bài toán khó. Anh nghĩ mãi, cuối cùng họp mặt gia đình lại, phân tích tỉ mỉ để tránh các con có tư tưởng cha mẹ thiên vị hay không công bằng. “Tui định hướng cho con nên thi vào ngành gì hợp học lực và đả thông cho cô con gái vốn học yếu nhất, nên học nghề uốc tóc, nhường “suất đại học” cho anh chị em còn lại. Thật không dễ nhưng cuối cùng các con đều thông suốt, hài hòa. Bài toán cơm và mắm đã được giải”, anh từng kể.

Để có nguồn lực cho giáo dục con thành tài, kinh tế gia đình dựa hết vào đôi vai người cha, sự thắt lưng buộc bụng đến cao độ, ngay bữa cơm cũng được “hạch toán” chi li, bữa nào thịt, bữa nào cá, rau bao nhiêu... Cả một cuộc trường chinh đồng hành cùng con cái, con thi trường học, cha thi trường đời. Anh chạy đôn chạy đáo để duy trì trang trại nuôi heo công nghiệp hàng trăm con, rồi hợp tác nuôi tôm ở mấy tỉnh gần xa, thêm việc đi khoan giếng nước ngầm... Khó tin người đàn ông có tuổi với mái tóc muối tiêu dạn dày lại có thể kham nổi công việc nặng nhọc và căng thẳng của mấy người cộng lại để có thể chu cấp cho sự học của các con, đứa ở Sài Gòn, đứa ở Cần Thơ, rồi tiền điện nước, hiếu hỷ, từ thiện... Tôi phục.

Anh còn nói nhiều với tôi về sức mạnh đức tin. Tất cả những khó khăn anh vượt qua được cũng nhờ niềm tin tôn giáo mạnh mẽ. Là một người cha trong gia đình Công giáo, anh luôn là tấm gương cho các con trong việc giữ và sống đạo.

Tiếc là giờ anh đã đi xa, đã về với Chúa vì một căn bệnh ngặt nghèo. Mỗi lần nhớ về anh, tôi luôn hình dung lại cách giáo huấn con cái của anh, giản dị thôi song không phải bất cứ người cha nào cũng làm được.

NGUYỄN THÀNH CÔNG

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm